Cơ hội cùng áo dài Huế:

Bài 5 - Đánh thức cộng đồng di sản

THUỴ BẤT NHI - HƯƠNG GIANG

VHO - Chia sẻ bên lề sự kiện Huế nhận văn bằng Di sản văn hóa phi vật thể của nghề may đo và mặc áo dài, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho rằng, chứng nhận giúp định vị rõ hơn những giá trị văn hóa mà hình ảnh Áo dài Huế biểu đạt, là những giá trị đã đi qua thời gian lịch sử dân tộc và nhân dân, qua đó đánh thức “cộng đồng di sản”.

“Vợ chồng chung áo chung quần”

Lật lại quá khứ, khi trao đổi về lựa chọn tại sao lại đề cao hình ảnh chiếc áo ngũ thân trong truyền thống trang phục Việt Nam, ông Phan Thanh Hải tâm tư, đừng đơn giản nghĩ chiếc áo dài là quốc phục của một chế độ phong kiến.

Bài 5 - Đánh thức cộng đồng di sản - ảnh 1
Áo dài đang trở thành trang phục lựa chọn của nhiều lứa tuổi người dân Huế

Thiết kế chiếc áo dài ấy, là bàn tay người thợ may lành nghề ở xứ Đàng Trong, vùng đất mới khai phá của đất nước. Người dân trong cảnh loạn lạc liên miên ấy, mặc những gì, ăn những gì, sử sách khó mà ghi rõ ra. Nhưng qua mẫu áo ngũ thân được Chúa Nguyễn xác nhận, có thể thấy tự thuở gian nan ấy, người Việt vẫn đoan trang chỉnh tề, có chế độ y quan nghiêm túc, nghi lễ hẳn hoi.

Chiếc áo ngũ thân là hiện thân của biết bao tâm sức sáng tạo của những người con đất Việt, muốn biểu hiện bản thân là người có văn hóa, có tri thức không thua sút bất kỳ ai. Chiếc áo được may từ những khuôn vải dệt từ bàn tay tần tảo của những người mẹ, người vợ, trong những ngày lam lũ; được mặc trên người những chiến sĩ giữ thành giữ đất, những người cha cực nhọc kéo cày, người con hiếu để chong đèn đọc sách… Nên áo ngũ thân, chính là hiện thân của văn hóa lịch sử một vùng đất, văn hóa con người những thời cuộc.

“Vợ chồng chung áo chung quần, đã từng nghe câu đó chưa?”, Tiến sĩ Thái Kim Lan, lại đặt vấn đề ở một góc khác. Ấy là trong ca dao tục ngữ chỉ có ở nước mình, mới có câu đằm thắm, nghĩa vợ chồng sắc son đến vậy. Trong cảnh nghèo khó khốn cùng, những gia đình Việt có khi, cả vợ chồng chỉ còn một tấm áo lành lặn.

Vậy nhưng họ vẫn bên nhau, khi có việc đám việc đình, thì phận ai đi ra ngoài sẽ mặc tấm áo đó, người kia ở nhà mặc quần áo tạm bợ cũng xong. Mà trong lịch sử trang phục nhân loại, cũng rất hiếm gặp loại trang phục nào, cả nam và nữ dùng chung. Chỉ duy có chiếc áo ngũ thân Việt Nam, là đàn ông đàn bà đều mặc được, mặc cùng nhau, mặc vì nhau.

“Cổ tích kể chuyện Chử Đồng Tử quấn khố cho cha, vẫn bỏ sót câu chuyện những người phụ nữ Việt Nam dành chiếc áo cho chồng ra đình ra miếu, chỉ còn chiếc áo cánh ngắn để làm lụng. Cả một ân tình thủy chung tồn tại trong chiếc áo ấy. Người vợ mặc chiếc áo có hơi ấm của chồng, chính là được tiếp sức mạnh để bươn chải đầu chợ cuối thôn, một đời tần tảo. Người chồng mặc chiếc áo có mùi thịt da của vợ, thì có ra nơi tiệc tùng khoản đãi thế nào, cũng nhất định giữ lòng yêu thương. Ý nghĩa của chiếc áo ngũ thân, phải từ những câu chuyện ấy mà hiểu”, Tiến sĩ Thái Kim Lan phân tích.

Bài 5 - Đánh thức cộng đồng di sản - ảnh 2
Ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vận động các tiểu thương chợ Đông Ba mặc áo dài

Theo đó, rõ ràng chế độ y quan triều Nguyễn, hay cả một lịch sử dân tộc mở đất phương Nam, đều gắn liền với chiếc áo ngũ thân. Tôn vinh, bảo tồn hình ảnh chiếc áo ấy, chính là ghi nhớ, giữ trọn những đạo nghĩa ân tình trong văn hóa đời sống người Việt, điều mà thế hệ nào cũng cần biết rõ và phải cùng nhau níu giữ, như giữ vững cội rễ tâm hồn dân tộc.

Bảo tồn di sản tâm hồn!

Ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh, sự khác biệt lớn của Áo dài Huế so với các vùng miền khác, là đã được nuôi dưỡng ở một vùng văn hóa Cố đô quân chủ. Những yêu cầu thẩm mỹ với những điển chế nghiêm ngặt ở trang phục cung đình nhà Nguyễn đã lan tỏa, giao thoa với đời sống người dân.

Qua những bàn tay thợ may, những tiêu chí thẩm mỹ dân gian, mà tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc Áo dài Huế, không dễ tìm thấy ở những vùng miền khác.

Cộng hưởng những tiêu chí mỹ thuật ấy, là những giá trị văn hóa tiềm ẩn qua lịch sử, qua giao tiếp, qua đạo lý làm người, giúp người Huế nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống ông cha để lại, và đến lượt mình, làm sao có thể phát huy hơn nữa những giá trị tốt đẹp ấy.

Rõ ràng căn cứ những thực tiễn và lý luận ấy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và ngành văn hóa địa phương, mới hội đủ cơ sở để quyết liệt vào cuộc, đặt vấn đề xây dựng và triển khai thành công đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, cũng như định hướng tiếp tục chấn hưng Di sản văn hóa Áo dài Huế.

Bài 5 - Đánh thức cộng đồng di sản - ảnh 3
Cổ suý phát triển văn hoá áo dài ngày một lan toả tại Huế

Ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế từng đánh giá, những giá trị văn hóa từ chiếc áo dài là rất đáng quý, cần được biểu dương và phát triển trong cộng đồng xã hội. Mảnh đất Huế, thật ra từ lâu đã quen với hình ảnh áo dài, được người dân sử dụng rộng khắp, từ khi địa phương cổ súy chấn hưng quốc phục truyền thống, lại càng có điều kiện để tăng cường quảng bá áo dài, tôn vinh văn hóa trang phục Huế.

Cho đến nay, đã có thêm hàng loạt cơ sở may áo dài mở ra tại Huế, cùng rất nhiều thương hiệu áo dài cũ và mới, thu hút người dân và du khách quan tâm. Những tụ điểm công cộng như chợ Đông Ba, toàn bộ tiểu thương mặc áo dài vào những ngày lễ Tết và tại các công sở, trường học, các điểm du lịch, áo dài càng ngày càng phổ biến, gồm cả áo dài nữ và áo ngũ thân nam. Đó là kết quả đáng ghi nhận của phong trào chấn hưng Áo dài tại Huế.

Phong trào này, qua vận động của các tổ chức văn hóa, các tỉnh thành khắp nơi cũng dần học tập, kết nối phát huy. Nhiều câu lạc bộ áo dài cả truyền thống lẫn cách tân, đã từ từ hình thành tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đắk Lắk…, đem lại một khí thế bùng nổ các giá trị văn hóa truyền thống một cách mạnh mẽ trong cộng đồng.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa tại Câu lạc bộ Đình làng Việt (Hà Nội), câu chuyện Áo dài Huế vì thế chính là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ, để cuốn hút cộng đồng xã hội quan tâm hơn, vào những giá trị bền vững trong truyền thống văn hóa dân tộc. Nếu kết hợp phát huy những giá trị này với xu thế vận động thời đại mới, cơ hội định vị giá trị “di sản thành tài sản” từ Áo ngũ thân truyền thống sẽ là rất lớn, rất thiết thực!.