Cơ hội cùng áo dài Huế:

Bài 4 - Ba bước phát huy “tài sản” Áo dài

THUỴ BẤT NHI - HƯƠNG GIANG

VHO - Bằng việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, tri thức dân gian, nghề may đo Áo dài Huế đã có cơ hội triển khai, vận động tốt hơn trong chiến lược phát triển về sau.

Song với những người tham gia, công cuộc vận động này vẫn còn là một hành trình dài, vẫn rất cần những hoạch định triển khai thực tiễn hơn nữa, thực sự “biến di sản thành tài sản” với các thế hệ mai sau.

Ba bước cần làm

Theo nghệ nhân Phạm Văn Tuyền, áo ngũ thân nguyên thủy là loại áo ngắn, chỉ khi sử dụng trong nghi lễ mới dùng đến mẫu áo dài. Do đó, người xưa vận mẫu áo này khi lao động sản xuất, hoạt động mạnh mẽ, trên đồng ruộng hay ở kho xưởng đều rất thuận tiện.

Bài 4 - Ba bước phát huy “tài sản” Áo dài - ảnh 1
Tôn vinh hình ảnh chiếc áo dài là định hướng quan trọng. Ảnh tư liệu

Do chủ yếu làm bằng vải sợi, độ hút nước cao, lại thiết kế vừa vặn khổ người, mà không bó chặt vướng víu, nên mọi cử chỉ đều rất tự nhiên, thanh thoát, không bị khó chịu khi đổ mồ hôi hay thấm nước, cũng không bị bức bối khi trời nóng gắt. Những nguyên tắc này đến nay vẫn được các nhà may áp dụng, đảm bảo việc mặc áo ngũ thân, dù truyền thống hay cách tân đều rất hợp lý.

Thậm chí, để mẫu áo được thông dụng hơn, các nhà thiết kế hiện còn vận dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật mới trong cắt may, đo đạc áo dài, bảo đảm các chi tiết hợp lý hơn. Từ cắt vạt, xẻ tà, đến dùng các loại khuy bấm mới, kỹ thuật may chắc chắn hơn…, các mẫu áo ngũ thân đều đã đạt trình độ cao và bền đẹp.

Với tinh thần đó, theo ông Tuyền, có ba bước cần đầu tư, nghiên cứu để Áo ngũ thân phát huy được hiệu quả về mặt trang phục, ngày càng trở nên gần gũi hơn trong xã hội hiện đại, nhất là với giới trẻ.

Thứ nhất, cần nghiên cứu các kỹ thuật may tân tiến hơn, dùng các loại vải mới, chất liệu tốt, có thể nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan…, tạo những chiếc áo dài chất lượng hoàn hảo. Đây là vấn đề căn cơ, tạo áo dài đáp ứng tốt các yêu cầu thị hiếu, quan điểm hiện đại, nhất là đa dạng màu sắc, kiểu dáng, phù hợp nhiều đối tượng tiêu dùng hơn nữa. Theo đó, phương án sản xuất “dây chuyền công nghiệp” cũng phải được tính đến, để khâu sản xuất áo dài dần được tự động hóa, giảm giá thành, tạo sản phẩm có các kích cỡ quy chuẩn, thuận tiện cho người mua.

Bài 4 - Ba bước phát huy “tài sản” Áo dài - ảnh 2
Một số mẫu áo dài ngũ thân nam do Nghệ nhân Phạm Văn Tuyền thiết kế phù hợp với sinh hoạt đời sống hiện đại hơn

“Nếu chúng ta có thể tạo ra những bộ áo dài đẹp, giá thành hợp lý, đa dạng mẫu từ truyền thống đến cách tân, phù hợp nhiều đối tượng mặc, đi kèm các bộ phụ kiện hấp dẫn, chắc chắn áo dài sẽ được lựa chọn để thay thế dần Âu phục, hướng đến công chúng hóa”, ông Tuyền nhấn mạnh.

Thứ hai, công tác quảng bá, truyền thông về những giá trị văn hóa và tiêu dùng với Áo dài Huế, phải được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng hơn nữa. Huế xây dựng các bộ quy chuẩn áo dài, lập các bộ hồ sơ công nhận Di sản văn hóa Việt Nam, Di sản văn hóa quốc tế… là những việc cần thiết, nhưng để phát huy hiệu quả các văn bằng có được, chính quyền địa phương cùng các nhà quản lý phải tập trung hơn nữa vào khâu quảng bá, quảng cáo, đưa thông tin đến cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, để áo dài quen thuộc với nhiều người, phục vụ trực tiếp vào cuộc sống, phổ biến rộng rãi trong sinh hoạt của người dân.

Thứ ba, sử dụng các giá trị văn hóa bền vững từ góc cạnh truyền thống, để tôn vinh văn hóa trang phục nước nhà, tôn vinh mẫu áo ngũ thân qua các thời đại lịch sử, sẽ giúp khẳng định vị thế “quốc phục y quan” Việt Nam.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là vấn đề hết sức quan trọng với chiến lược phát triển đề án Huế - Kinh đô Áo dài, bởi sẽ không chỉ liên kết giá trị văn hóa với thực tiễn, mà còn mở rộng, nâng cao hiểu biết, ý thức tự tôn, tự hào dân tộc ở mỗi công dân Việt Nam khi tiếp cận chiếc áo dài. Làm được điều này, Áo dài sẽ đạt vị thế quốc tế hóa, có thể đặt cạnh những mẫu quốc phục của các nước khác, như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp… một cách trang trọng đường hoàng.

Hành trình kết nối tương lai!

Với tầm nhìn chiến lược về áo dài, ông Phan Thanh Hải cùng các nghệ nhân, cộng sự, đặc biệt là những nhóm nghiên cứu như Đình Làng Việt (Hà Nội) về văn hóa truyền thống, đang tiếp tục triển khai những bước đi vững chắc để xúc tiến quảng bá hiệu quả.

Bài 4 - Ba bước phát huy “tài sản” Áo dài - ảnh 3
Ngành Văn hoá Huế đón nhận bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể với Áo dài Huế

Các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận rõ những nhược điểm đang còn tồn tại trong cách làm hiện nay, kể cả những hạn chế “cá nhân hóa”.  Cạnh đó, là những khó khăn trong tổ chức sản xuất hiện nay, với những con số đầu tư vào nguồn vải nhập khẩu, cơ sở may mặc số lượng lớn… cần tiếp tục được nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp hợp tác.

Theo nghệ nhân Phạm Văn Tuyền, hành trình vươn tới của chiếc áo dài, vì thế vẫn còn rất xa, vẫn rất cần mọi thành viên trong cuộc kiên nhẫn, bền bỉ, đồng lòng xây dựng vững chắc từng bước đi. Quá trình chấn hưng, bảo tồn chiếc áo dài, cần nhận được sự nhìn nhận tích cực, cổ súy phù hợp, từ các bộ ngành quản lý, các cơ quan, tổ chức văn hóa, kinh tế thương mại, các nhà giáo dục và mỗi người dân trong và ngoài nước.

Cần tập hợp được nhiều nguồn lực đầu tư hơn, để hoạt động vận động văn hóa áo dài nước nhà được triển khai hiệu quả.

Bài 4 - Ba bước phát huy “tài sản” Áo dài - ảnh 4
Hình ảnh áo dài đang dần lan toả mạnh hơn trong cộng đồng xã hội

Điều khác biệt so với 4 năm trước, là hiện nay, khi tinh thần chấn hưng văn hóa quốc phục đã lan tỏa, những nhà sản xuất, thiết kế, và nghiên cứu phát triển áo dài, “cần phải ngồi lại với nhau nhiều hơn, đàm phán rõ hơn để có những chiến dịch đầu tư chất lượng hơn, vừa nâng cao giá trị chất lượng chiếc áo dài, vừa bình dân hóa được ý thức người tiêu dùng, gần gũi, thân thuộc với mẫu áo dài hơn nữa, kể cả truyền thống lẫn cách tân”.

“Phải tự hào là người Việt Nam mặc quốc phục Việt Nam, tự hào với những ý nghĩa đạo đức xã hội tốt đẹp qua chiếc áo ngũ thân, đó là điều chúng ta cần làm, để cộng đồng hiểu và chung tay”, ôg Phan Thanh Hải nhìn nhận.