Khảo cổ học tại Di sản thế giới Thành nhà Hồ:

Bài 2: Khẳng định tính xác thực của di sản

NGUYỄN LINH

VHO - Không chỉ là công trình đá vĩ đại giữa vùng đất địa linh, Thành Nhà Hồ còn ẩn giấu trong lòng đất một kho tàng hiện vật phong phú, quý giá. Chính những mảnh gốm, viên gạch, chân tảng, cấu kiện kiến trúc… được tìm thấy qua các cuộc khai quật khảo cổ học trong gần 20 năm qua đã cung cấp bằng chứng khoa học xác đáng, khẳng định tính toàn vẹn, tính xác thực – yếu tố cốt lõi giúp Di sản Thành nhà Hồ được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Hiện vật khảo cổ – Những “nhân chứng sống” của lịch sử

Thành nhà Hồ được xây dựng trong thời gian cực ngắn, chỉ hơn ba tháng đầu năm 1397 nhưng đến nay vẫn còn nguyên khối tường thành đá dài hơn 3,5km, đồ sộ và kiên cố.

Tuy nhiên, để hiểu sâu về triều đại nhà Hồ và để chứng minh tính toàn vẹn, tính xác thực của một quần thể di sản, những bức tường đá chưa đủ. Cần có những bằng chứng cụ thể về không gian sinh hoạt, kỹ thuật xây dựng, đời sống vật chất và tâm linh trong khu thành và đó chính là vai trò của các hiện vật khảo cổ.

Bài 2: Khẳng định tính xác thực của di sản - ảnh 1
Gạch đất nung được tìm thấy qua các cuộc khai quật tại Thành nhà Hồ

Từ năm 2004 đến nay, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, khai quật lớn tại các khu vực trọng điểm trong nội thành, tôn miếu, đàn tế Nam Giao và vùng phụ cận.

Bài 2: Khẳng định tính xác thực của di sản - ảnh 2
Gạch in chữ Hán được khai quật tại khu vực nội thành Thành nhà Hồ – minh chứng về quy trình sản xuất vật liệu xây dựng dưới thời nhà Hồ

Qua đó, hàng vạn hiện vật đã được phát hiện, gồm gạch xây, đá kiến trúc, gốm sứ, đồ đồng, xương thú, than tro… Phần lớn hiện vật còn nằm nguyên tại chỗ, chưa bị xáo trộn, có tầng văn hóa rõ ràng và niên đại trùng khớp với thời kỳ tồn tại ngắn ngủi của triều Hồ.

Đáng chú ý là số lượng lớn gạch xây có in, khắc chữ Hán, chữ Nôm ghi dấu các địa danh sản xuất gạch để phục vụ cho xây dựng kinh đô qua các giai đoạn. Điều này phản ánh sự chuyển tiếp từ thời Trần sang Hồ rồi Lê sơ. Kỹ thuật nung gạch, hình dáng và chất lượng gạch cũng cho thấy trình độ kỹ thuật cao và sự thống nhất trong quy hoạch xây dựng.

Những viên gạch in tên địa danh không chỉ xác lập niên đại cho các công trình kiến trúc như Chính điện, tôn miếu hay đàn tế, mà còn là bằng chứng trực tiếp, giúp đối chiếu tài liệu sử học với khảo cổ học.

Bài 2: Khẳng định tính xác thực của di sản - ảnh 3
Theo các nhà nghiên cứu, đây là loại gạch sản xuất vào những năm xây dựng Đàn tế Nam Giao của nhà Hồ (1400-1402)

Không dừng ở đó, các mảnh gốm men trắng, men ngọc, men xanh lam, gốm thô, gốm hoa nâu… được phát hiện với số lượng rất lớn. Nhiều hiện vật trang trí tinh xảo, có niên đại cuối thời Trần – đầu Hồ, là sản phẩm của các lò gốm nopoir tiếng trong nước quan nhiều giai đoạn lịch sử vàng son của dân tộc.

Đây là minh chứng sinh động về đời sống sinh hoạt, nghi lễ và cả hoạt động giao lưu văn hóa – kỹ nghệ giữa Tây Đô với các vùng khác.

Một số hiện vật đặc biệt như nắp đỉnh, chân đèn, lư hương, đồ tế tự… xuất hiện tại khu vực đàn tế Nam Giao và các miếu thờ, thể hiện nghi lễ tế trời, tế tổ mang đậm màu sắc Nho giáo.

Những di vật này phản ánh đời sống tâm linh của triều đình nhà Hồ, góp phần khẳng định tính xác thực về chức năng sử dụng các công trình nghi lễ quan trọng.

Bài 2: Khẳng định tính xác thực của di sản - ảnh 4
Hoa văn trang trí bằng đất nung phát hiện tại Thành nhà Hồ – hiện vật khảo cổ mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần – Hồ, phản ánh trình độ thủ công và tín ngưỡng đương thời

Đặc biệt, nhiều hiện vật kiến trúc bằng đá như: Gia cố trụ móng, chân tảng, phiến, thềm bậc, lan can, thanh đá ghép mộng âm – dương… được phát lộ trong tình trạng gần như nguyên vẹn. Những cấu kiện này giúp xác định quy mô, mặt bằng, hướng trục và chức năng các công trình, từ đó phục dựng được kiến trúc tổng thể kinh thành một cách khoa học.

Những khối đá xanh lớn, được gia công tỉ mỉ, ghép kín khít cho thấy trình độ kỹ thuật cao của thợ thủ công nhà Hồ, đồng thời là bằng chứng rõ ràng về năng lực tổ chức xây dựng trong giai đoạn lịch sử đặc biệt.

Điều đáng nói là tất cả các hiện vật khảo cổ này đều được phát hiện đúng vị trí cấu trúc không gian đô thị cổ, trong tầng địa tầng không bị xáo trộn, thể hiện rõ giá trị nguyên gốc và xác thực. Đây là yếu tố then chốt trong đánh giá của UNESCO khi xem xét giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thành nhà Hồ.

Bài 2: Khẳng định tính xác thực của di sản - ảnh 5
Hiện vật gốm men tinh xảo có niên đại cuối Trần – đầu Hồ, được trưng bày tại Nhà trưng bày Di sản Thành nhà Hồ

Bảo tồn hiện vật tại chỗ – Gìn giữ giá trị nguyên gốc cho thế hệ sau

Trong đánh giá của UNESCO, tính xác thực không chỉ dừng ở niên đại hay kỹ thuật, mà còn bao gồm sự nguyên gốc của bối cảnh phát lộ và công tác bảo tồn phù hợp. Thành nhà Hồ là một trong số ít các Di sản thế giới ở Việt Nam triển khai đồng bộ việc khai quật khảo cổ gắn với bảo tồn hiện vật tại chỗ (in situ), theo đúng nguyên tắc quốc tế.

Sau mỗi đợt khai quật, các hiện vật như chân tảng, móng nền, gạch in chữ, cấu kiện đá… đều được bảo vệ cẩn trọng bằng phương pháp che phủ địa tầng, sử dụng lớp geotextile, cát sạch và màng chuyên dụng, nhằm chống xâm thực, hạn chế phong hóa và đảm bảo tính nguyên trạng. Một số hố khai quật tiêu biểu còn được phục dựng tạm thời để trưng bày ngoài trời, phục vụ giáo dục cộng đồng và du khách.

Bài 2: Khẳng định tính xác thực của di sản - ảnh 6
Bát men, gôm thế kỷ 15 - 16 được trung bày tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ hiện đang phối hợp với các chuyên gia của UNESCO, Viện Khảo cổ học và các tổ chức quốc tế để số hóa toàn bộ dữ liệu hiện vật khảo cổ học, xây dựng cơ sở dữ liệu 3D và bản đồ phân bố hiện vật. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ góp phần bảo vệ hiện vật mà còn mở ra hướng tiếp cận mới cho nghiên cứu, trưng bày và truyền thông di sản.

Đáng chú ý, nhiều hiện vật tiêu biểu đã được tuyển chọn, bảo quản và đưa vào trưng bày tại Nhà trưng bày Di sản Thành nhà Hồ, phục vụ nghiên cứu, tham quan và giáo dục. Đây là cách chuyển hóa giá trị khảo cổ học thành giá trị giáo dục và phát triển bền vững, đúng với tinh thần của Công ước Di sản Thế giới năm 1972.

Việc khai quật, phục dựng, bảo tồn hiện vật khảo cổ tại chỗ không chỉ góp phần bảo lưu tính xác thực mà còn tạo nền tảng cho các dự án phục dựng, diễn giải di sản trong tương lai. Với một quần thể kiến trúc cổ chỉ còn lại phần tường thành như Thành nhà Hồ, việc gìn giữ hiện vật khảo cổ nguyên vị trí chính là chìa khóa bảo tồn trí nhớ lịch sử cho thế hệ mai sau.

Bài 2: Khẳng định tính xác thực của di sản - ảnh 7
Hố khai quật tại khu vực nội thành Thành nhà Hồ, phát lộ nền móng và cấu kiện kiến trúc đá nguyên gốc – minh chứng xác thực về quy hoạch và trình độ xây dựng đô thị dưới triều Hồ

Không phải ngẫu nhiên mà Di sản Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới với tiêu chí (ii) và (iv) – tức là minh chứng nổi bật cho một giai đoạn lịch sử và một hình thức kiến trúc đô thị tiêu biểu. Bởi ngoài tường thành đá vĩ đại, chính những hiện vật khảo cổ, dù chỉ là mảnh gốm vỡ hay viên gạch in chữ đã cung cấp bằng chứng xác thực, khoa học và thuyết phục về sự tồn tại, tính liên tục, chức năng và trình độ phát triển của kinh đô Tây Đô.

Như lời TS Nguyễn Giang Hải, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học từng chia sẻ: “Hiện vật khảo cổ là thứ không thể ngụy tạo. Chúng là chứng cứ sống, giúp lịch sử lên tiếng một cách trung thực nhất. Thành nhà Hồ giữ được tính xác thực không phải nhờ tường đá vững bền, mà chính là nhờ những lớp đất trầm tích và hiện vật nguyên sơ còn ngủ yên trong lòng đất suốt hơn 600 năm qua”.