Cơ hội cùng áo dài Huế:
Bài 2 - Cách tân cho áo ngũ thân!
VHO - Được xác thực với năm 2023, nhưng thực tế, đề án “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam” đã có 4 năm vận động chấn hưng. Vấn đề trọng yếu ở đề án này, chính là làm sao vận động “sống lại” một mẫu quốc phục truyền thống đã có những cách đoạn nhất định do thời cuộc, do biển động văn hóa xã hội nhất định, để những giá trị tồn ẩn phía sau phải được tôn vinh tốt hơn.
Đặc biệt, làm sao để Áo dài Huế trở thành trang phục được lựa chọn của mỗi người dân Huế, qua đó lan tỏa những giá trị vinh quang hơn cho trang phục nước nhà?
Cá nhân cổ súy, cộng đồng tham khảo
Các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận, cá nhân đóng góp quan trọng cho kế hoạch chấn hưng Áo dài Huế là ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế. Nguyên là giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, là một người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, văn hóa triều Nguyễn cùng những mảng văn hóa liên quan khác, ông Phan Thanh Hải đặc biệt lưu tâm về chiếc áo dài ngũ thân.
Ông nhận định vấn đề phục chế quốc phục trong xã hội là cực kỳ quan trọng, định vị rõ những giá trị văn hóa nước nhà, nhất là văn hóa truyền thống, nên nỗ lực rất nhiều trong việc cổ súy, gầy dựng phong trào vận động mặc áo ngũ thân trong cộng đồng.
Cá nhân ông Phan Thanh Hải thường xuyên mặc áo ngũ thân trong các sinh hoạt đời thường, tham gia các hoạt động văn hóa và tiết lễ xã hội, là một trong những hình ảnh quảng bá trực tiếp về Áo dài Huế. Vợ ông cũng là một thành viên vận động áo ngũ thân với các biểu hiện trang trọng và lịch thiệp, cùng ông xuất hiện trong nhiều bối cảnh cần quảng bá áo dài tự Nam chí Bắc.
Thông qua vận động xã hội, ông Phan Thanh Hải đã vận động nhiều người mặc áo dài ngũ thân trong các hoạt động xã hội hơn. Ông trực tiếp tổ chức các hoạt động biểu diễn, quảng diễn về Áo dài Huế, như vận động đi xe đạp với áo dài, vận động các đại biểu quốc tế mặc áo dài khi đến Huế tham gia các sự kiện văn hóa lớn.
Những lãnh đạo địa phương như ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, một số đại sứ, tham tán thương mại, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội, Huế, đại biểu Quốc hội… cũng được ông Phan Thanh Hải vận động mặc áo dài…
Bằng những nỗ lực mang tính cá nhân này, các hoạt động cổ súy Áo dài Huế đã dần lan tỏa trong giới chính khách và hoạt động văn hóa. Nhiều cơ quan ban ngành tại Huế dần dần thích ứng với lựa chọn mặc áo dài truyền thống. như các cán bộ Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch, ngành Giáo dục Huế…
Theo lịch trình, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến vận động đông đảo người dân Huế cũng tham gia phong trào này. Những mảng hoạt động kinh tế, xã hội được chú ý vận động tại địa phương, như tại các khách sạn, nhà hàng, các trường học, khu vực công sở, chợ Đông Ba, các điểm danh thắng, tham quan…, đến nay đã quen với việc tái hiện sử dụng áo dài nhiều hơn.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, thiết kế sản xuất trang phục cũng mạnh dạn tham gia hoạt động này, nhất là các tổ chức, đơn vị may đo áo dài truyền thống, áo dài cách tân…
Những mạnh dạn cách tân…
Bên cạnh ông Phan Thanh Hải, hoạt động cổ súy áo dài còn ghi công một nghệ nhân có vai trò rất quan trọng, là ông Phạm Văn Tuyền, chủ thương hiệu Áo dài Năm Tuyền, một trong những nhà tài trợ quan trọng cho các mẫu Áo dài Huế thời gian gần đây.
Là người đã có kinh nghiệm hơn 40 năm hoạt động may trang phục, với thương hiệu Áo cưới nổi tiếng A Soẻn (TP.Hồ Chí Minh), nghệ nhân này đã không quản ngại nhiều khó khăn, tốn kém, trực tiếp tham gia may đo phát triển áo dài, thí điểm cách tân các mẫu áo dài ngũ thân mới… Cá nhân ông đã tài trợ hàng ngàn bộ trang phục áo dài cho các hoạt động văn hóa lớn nhỏ tại Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh …
Qua những cố gắng của nghệ nhân Năm Tuyền cùng nhiều nghệ nhân, nhà sản xuất áo dài Huế, từ các tiệm may đo Huế, những làng lụa Hà Đông, phường vải Bắc bộ, các cửa hiệu áo dài truyền thống tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều nhà thiết kế mẫu ở Tây Nguyên, Hà Nội…, rất nhiều sáng kiến cách tân áo dài truyền thống đã xuất hiện, đem lại một phong trào tích cực trong sản xuất may đo Áo dài Huế…
Cá nhân ông Phạm Văn Tuyền tiên phong nhiều mẫu áo dài cách tân mới, thay đổi từ chất liệu vải, cách ráp may y phục, đến các kiểu dáng mới, gọn ghẽ hợp thời trang hơn, thích ứng với nhu cầu làm đẹp của nữ giới, thanh gọn ở giới thanh niên, lịch lãm ở trung niên… Nhất là những mẫu áo dài cách tân, dùng màu sắc đa dạng hơn, kiểu dáng trẻ trung hơn, đã ngày càng được nhiều bạn trẻ tại Huế ưa thích, chọn mặc vào các dịp lễ Tết, cưới hỏi…
Những mẫu áo dài cách tân này, đặt cạnh phong trào phục chế những mẫu áo dài truyền thống cung đình Huế, nhất là những mẫu áo từ Cung đình Huế, thật sự tạo nên một diện mạo rất đa dạng, cuốn hút về hình ảnh “quốc phục xưa” trong cuộc sống hiện đại.
Một trong những vận động mạnh dạn và quan trọng ở phong trào Áo dài Huế, là vấn đề phục dựng, phát triển các mẫu áo ngũ thân nam. Đây là mảng đầu tư mà cá nhân ông Phạm Văn Tuyền và nhà quản lý như ông Phan Thanh Hải, rất quan tâm triển khai.
Ông Phạm Văn Tuyền, dựa trên nhiều hình ảnh phục trang từ triều Nguyễn, đã đưa ra nhiều mẫu áo ngũ thân nam, vừa phù hợp thị hiếu người mặc hiện đại, vừa giữ được những đường nét, phong vị truyền thống, nên được nhiều người ưa thích.
Từ những mạnh dạn cách tân này, phong trào may mặc Áo dài Huế và cả hoạt động áo dài truyền thống chung, đã không ngừng được đẩy mạnh, thực sự tạo ấn tượng tích cực về văn hóa Áo dài Việt Nam trong cộng đồng xã hội.