Vừa mừng vừa tiếc…
VHO - Sáng nay 15.11, cuộc sinh hoạt thường niên “Thông báo Khảo cổ học 2024” sẽ được tổ chức. Chỉ còn thiếu một kỳ nữa là tròn “lần thứ 60”. Hiếm có ngành khoa học xã hội nào lại “kẽo kẹt” duy trì được một sinh hoạt truyền thống, nghề nghiệp bền bỉ như vậy.
Và đó là một sinh hoạt rất bổ ích không chỉ với những nhà khảo cổ chuyên nghiệp mà còn với tất cả những ai quan tâm đến di sản văn hóa và lịch sử dân tộc. Trước sự kiện này, tôi có may mắn được mời đến thăm một địa điểm đang khai quật mà bất kỳ ai được tận mắt thấy những thành quả bước đầu cũng phải xúc động.
Đó là cuộc khai quật di chỉ Vườn Chuối tại địa danh “Nhổn” rất quen thuộc trên địa phận huyện Hoài Đức, Hà Nội. Địa diểm và danh xưng “Vườn Chuối” đã được chú ý từ hơn nửa thế kỷ nay (phát hiện 1969) và chỉ qua vài lần thăm dò, khai quật với quy mô dù nhỏ đã tiên lượng được giá trị to lớn của nó.
Nhưng phép tắc và kinh phí trong suốt nửa thế kỷ qua vẫn chỉ cho phép khai quật nhỏ lẻ mà kết quả thành công của nó chỉ làm tăng thêm sự bức xúc, sốt ruột vì cả một vùng đất rộng lớn ấy cũng từ rất nhiều năm nay là một công trường xây dựng quy mô khủng.
Chắc chắn đã có rất nhiều tầng văn hóa bị xáo trộn, bị bê tông hóa và vĩnh viễn câm lặng. Giới săn lùng đồ cổ từ nhiều năm nay cũng đã có không ít những cách thức để “khai quật không phép tắc” khu vực này.
Phải đến đầu năm nay (3.2024), quy hoạch xây dựng tuyến đường Vành đai 3.5 lại lấn dọc một phần phía Tây của khu di chỉ mà không có một giải pháp nào khác có thể điều chỉnh được, nên thật tiếc phải thực hiện khai quật “chữa cháy” để sớm giải phóng mặt bằng, với cái mốc là hết quý I.2025 phải bàn giao.
Cũng nhờ vậy mà Nhà nước và doanh nghiệp mới rót kinh phí và tạo điều kiện để khẩn trương khai quật. Cả khu di chỉ sẽ được chia đôi, 6.000m2 phía Tây đang khai quật để rồi trở thành mặt đường, 6.000m2 còn lại ởphía Đông hy vọng sau khi khai quật sẽ làm một công viên bảo tồn di sản tại đây.
Chỉ mới qua nửa thời gian khai quật, nhưng những gì đã phát lộ không chỉ được đánh giá là tốt đẹp mà phải dùng câu “trên cả tuyệt vời” mới đủ để diễn đạt. Với những nhà khảo cổ lão luyện như PGS Nguyễn Lân Cường, Lâm Mỹ Dung… thì đều dùng khái niệm “chưa từng có”, và nói đến tâm trạng vừa mừng vừa tiếc. Mừng những kết quả thu được rất giá trị, nhưng tiếc vì áp lực thời gian quá gấp và không bảo tồn được toàn vẹn di chỉ.
Để nói đến giá trị những gì mà cuộc khai quật đã mang lại, vì không đủ kiến thức chuyên sâu nên tôi khó có thể truyền đạt hết được. Chắc chắn trong cuộc thông báo hôm nay sẽ có những báo cáo chi tiết và chính xác hơn, nhưng chỉ nghe các nhà chuyên môn thông báo “đầu bờ” và nhất là ra hiện trường xem các hiện vật và các phần đã phát lộ, mọi người đều thực sự xúc động.
Không chỉ vì cho đến nay đã đưa lên mặt đất gần 10 tấn mảnh gốm, rất nhiều hiện vật với nhiều chất liệu, loại hình khác nhau… mà có tới trên dưới hai trăm bộ hài cốt, trong đó có rất nhiều bộ giữ được nguyên vẹn trong tư thế nguyên trạng kèm theo các hiện vật (trang sức, công cụ, xương động vật…).
Điều đáng nói rằng, có rất nhiều hiện vật và hài cốt được định dạng và định vị thuộc các nền văn hóa rất xưa (từ Phùng Nguyên muộn, Đồng Đậu, Đông Sơn và hậu Đông Sơn).
Có nghĩa là từ trên 4000 năm cách ngày nay. Lại có cả dấu tích cư trú với những mố cột có quy mô và bố cục đủ để hình dung tựa các “nhà dài” khá phổ biến của nhiều cộng đồng sắc tộc.
Như thế có thể khẳng định rằng, không chỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội rộng lớn hiện nay mà rất gần với Thăng Long tương đối chật hẹp xưa đã có cư dân sinh sống đông đúc, liên tục và từ nhiều ngàn năm trước đó.
PGS Lân Cường đã ởđộ U90 xúc động nói với chúng tôi rằng, “hơn 60 năm làm nghề khảo cổ, đi nhiều, khai quật nhiều, đọc sách nhiều, tham quan của thiên hạ cũng nhiều nhưng chưa bao giờ thấy (hơn nữa PGS lại là người trực tiếp khai quật) một di chỉ nào giàu có hiện vật và đặc sắc như vậy”.
PGS Lân Cường khẳng định rằng, Vườn Chuối không chỉ là sự bổ sung mà là một thành phần xứng đáng gắn với di sản văn hóa thế giới “Hoàng thành Thăng Long”. Dù chưa đủ trình độ, nhưng tôi cũng OK là như vậy.
Cuộc khai quật còn nửa thời gian nữa và cũng còn một nửa tổng số diện tích được cấp phép khai quật nữa, chắc chắn sẽ còn nhiều tin vui đón đợi. Vì thế rất mong các nhà lãnh đạo thành phố Hà Nội và các cơ quan có trách nhiệm quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa, đúng với điều căn cốt: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.