Thông điệp của Thủ tướng về văn hóa

VHO - Trong những năm vừa qua, phát triển văn hóa nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đây thực sự là một cơ hội rất lớn để ngành Văn hóa bứt phá, đóng vai trò trung tâm trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Điều này một lần nữa được khẳng định trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Thông điệp của Thủ tướng về văn hóa - Anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Trong Báo cáo, Thủ tướng đã 15 lần đề cập đến từ “văn hóa”. Đầu tiên là những đánh giá tích cực về những thành tựu cơ bản của ngành như: “Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo và phát triển; quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước và phát huy các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hóa”.

Rõ ràng, kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, sự quan tâm của toàn xã hội đến văn hóa đã có những chuyển biến tích cực thể hiện ở các hội nghị văn hóa toàn tỉnh, hội thảo và đặc biệt là những chương trình, dự án cụ thể cho văn hóa. Kết quả đó đã giúp gắn văn hóa với kinh tế - xã hội, chứng minh sức mạnh và sự lan tỏa của văn hóa trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Chuyển biến từ nhận thức đến hành động này đã khích lệ tinh thần, tạo động lực cho toàn ngành Văn hóa và cả xã hội để chúng ta củng cố hơn nữa nền tảng tinh thần và hệ điều tiết của xã hội.

Văn hóa và con người luôn là mục tiêu cuối cùng của sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, bài học kinh nghiệm được Thủ tướng đưa ra là: “Lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân”. Ở đó, đặt văn hóa, con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển là một nguyên tắc quan trọng. Điều này bao gồm việc đảm bảo quyền con người, phát huy tiềm năng và tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân và xã hội. Quan điểm này thúc đẩy việc xem xét mọi quyết định và hành động trên cơ sở lợi ích của nhân dân, vì nhân dân và từ đó hướng đến xây dựng cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp cho mọi người. Trong khi đó, việc ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển bền vững dựa trên những giá trị nhân văn. Chắc chắn là, phát triển văn hóa giúp củng cố tinh thần yêu nước, đoàn kết và những giá trị quan trọng khác, tạo điều kiện cho mọi người tham gia vào cuộc sống xã hội một cách tích cực và đóng góp cho sự phát triển bền vững. Còn truyền thông chính sách hiệu quả chính là cách giúp tạo ra sự đồng thuận trong xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân, tạo điều kiện để phục vụ lợi ích của nhân dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Dù vậy, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều thách thức, sự phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa trong giai đoạn sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nên nhiệm vụ “phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân” vẫn rất quan trọng và hết sức nặng nề. Trong đó, văn hóa là một yếu tố quan trọng xác định đạo đức, lối sống, giá trị cao đẹp, và lòng tự hào dân tộc, đồng thời lan tỏa sức mạnh sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội, luôn phải được xem xét trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển văn hóa chính là cách bảo đảm đạo đức, lối sống và những giá trị của cộng đồng, dân tộc được bảo tồn và phát triển, giúp ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức xã hội, tạo ra môi trường tích cực cho sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Bên cạnh đó, phát triển văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cơ hội cho mọi người tham gia vào các hoạt động xã hội và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế.

Để đạt được những mục tiêu đó, để văn hóa thấm sâu, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, thì việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị cần phải xem như nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Ở đó, tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là công việc cấp bách, quan trọng để tạo nguồn lực mới, sức bật mới, mang tính định hướng cho sự phát triển văn hóa, con người những năm sắp tới. Thêm vào đó, những nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác như chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa cơ sở, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; quan tâm đầu tư hơn nữa cho bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; chú trọng xây dựng con người có nhân cách, môi trường văn hóa lành mạnh, văn hóa công chức, văn hóa công vụ; chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên; huy động nguồn lực trung ương và địa phương, nguồn lực trong và ngoài nhà nước phục vụ công tác tôn tạo, phát huy các di sản quốc tế, quốc gia. Cùng với đó hoàn thiện cơ chế, chính sách khơi dậy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ, hiện đại. Dành nguồn lực hợp lý để thúc đẩy thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao,... như đã được Thủ tướng đặt ra, là những giải pháp hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2024 và đặc biệt là năm 2025 có rất nhiều lễ kỷ niệm lớn của đất nước cũng như của ngành Văn hóa (80 năm thành lập ngành Văn hóa). Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực góp phần lan tỏa thông điệp tốt đẹp từ những sự kiện quan trọng này. Để có những sản phẩm xứng tầm thời đại, còn mãi với thời gian, các sản phẩm văn hóa nghệ thuật cần có thời gian để hình thành và kết tinh thành giá trị. Vì thế, tôi rất ấn tượng với thông điệp sâu sắc của Thủ tướng rằng: “Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm (...) nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc; xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước”. Và văn hóa chính là một trong những lĩnh vực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. 

 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc