Thách thức với đô thị “lên cấp”

THỤY BẤT NHI

VHO - Thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã chính thức thành hiện thực, là sự kiện được dư luận chú ý. Nhưng kết thúc sự mong chờ này sẽ đồng nghĩa với cả một hành trình gian nan hơn cho vùng đất Huế.

 

Một nhà văn hóa gốc Huế công tác tại Đà Nẵng biểu đạt cùng các đồng nghiệp, sự kiện Huế thành thành phố Trung ương là đáng mừng, được cả cộng đồng người dân Huế quan tâm. Song nhìn lại quá khứ, người dân Đà Nẵng cũng từng đón nhận tin mừng tương tự từ 27 năm trước. 

 Để qua mỗi chặng thăng trầm, câu chuyện “đạt được dễ, làm được mới khó” là cả một khối việc đồ sộ, mà chỉ có những ai trong cuộc mới thấu hiểu và đồng cảm. Ở thời điểm đó (1997), Đà Nẵng được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương, thật sự làm rất nhiều người bất ngờ. Một thành phố vừa tách tỉnh, mọi cái ngổn ngang, địa bàn là cả một công trường bề bộn, nơi nào, ngõ nào cũng đất đá nham nhở.

Kinh tế địa phương lại đang ở giai đoạn đầu khủng hoảng kinh tế khu vực đe dọa, các ngành sản xuất, dịch vụ đều đang lao đao. Nên nếu để người Đà Nẵng tự tin sẽ tạo dựng được một môi trường xã hội tốt đẹp, văn minh hiện đại, xứng đáng là một trong bốn thành phố Trung ương, chính quyền Đà Nẵng chỉ có một cách cổ súy. Ấy là vận động phong trào văn hóa trong con người Đà Nẵng, từ văn hóa giao tiếp, ứng xử, cho đến văn hóa giáo dục, tiết lễ cuộc sống. Những ngõ chợ được chỉnh trang, không phải bằng những khẩu hiệu cờ quạt mà bằng những hàng quán dọn dẹp sạch sẽ hơn, quy trình thu gom rác mỗi ngày một tinh gọn. Những tài xế taxi, người chạy xe ôm, đạp xích lô, được phụ cấp đi học tiếng Anh giao tiếp, học cách nói chuyện, chào mời du khách, người lạ đến thành phố này bằng nụ cười và tình thân thiện.

Đích thân lãnh đạo Đà Nẵng lúc đó, Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh, động viên mọi người hãy cùng tham gia làm văn hóa đường phố Đà Nẵng tốt hơn, “mỗi tài xế, mỗi ông xe ôm là một đại sứ văn hóa du lịch cho thành phố”. Sứ mệnh đại diện của mỗi cán bộ thuế, cán bộ hành chính xã phường, là hãy biết mỉm cười chào hỏi người dân. Hàng quán đặt giỏ rác bên mỗi bàn ăn. Người dân thôi nói thách trong chợ. Cổng trường bớt đi cảnh chen lấn dừng xe của phụ huynh. Bãi biển cần rất nhiều người quét rác, hốt vỏ ốc vụn dưới chân…

Cứ như thế, cả một thành phố văn hóa được hình thành dần, được tạo dựng nên để mỗi người dân Đà Nẵng bất giác tự hào. Một thành phố “5 không 3 có”, một thành phố hoàn toàn không còn cảnh người lang thang xin ăn hay vạ vật đường phố. Một thành phố mà du khách bước vào quán ăn, tiệm café nào cũng thấy được buồng vệ sinh miễn phí.

Người Đà Nẵng biết cảm ơn và xin lỗi, va chạm xe ngoài đường thì cả hai phía đều quan tâm tình trạng của nhau, mong người kia bỏ qua. Một thành phố tập dần tính trung thực, để mọi du khách lỡ để quên vật dụng trong quán ăn, có thể yên tâm không mất, có thể tự nhiên gặp lại chủ quán để mỉm cười giúp nhau. Cảnh sát giao thông đẩy xe cho người xẹp lốp. Cảnh sát khu vực lội nước dìu người dân qua vùng ngập. Bộ đội đứng chắn ngang con đường xói lở để giữ an toàn cho dân đi qua…

Tất cả, là những biểu hiện đẹp về một thành phố văn hóa hơn, và đó chính là đô thị Trung ương. Đã qua 27 năm, Đà Nẵng hôm nay vẫn tiếp tục cố gắng. Vậy thì, một nút bấm cho Thừa Thiên Huế lên vị thế mới, sẽ là cả một thách thức lớn lao. Nhà nghiên cứu nói, chỉ mong quê hương mình thật sự là đô thị văn hóa, đô thị văn minh, thì mấy chữ thuộc Trung ương mới xứng đáng. Và mong, mỗi địa phương trên đất nước này sẽ là một thành phố văn minh văn hóa như vậy, dân tộc này sẽ vươn mình thôi! 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc