Phim điện ảnh và phim truyền hình: Nhầm lẫn sẽ dẫn đến ứng xử không chuẩn xác
VHO- Có một thực tế là một bộ phận công chúng vẫn chưa thực sự hiểu để phân biệt phim điện ảnh và truyền hình khác nhau cái gì. Làm sao để phân biệt hai thể thức biểu hiện ấy khi chúng đều lấy hình ảnh làm phương tiện truyền tải? Tôi còn nhớ có một cán bộ khi được mời xem bộ phim điện ảnh (thời còn phổ biến phim nhựa) có bản quyền và đang trong quá trình cấp phép phát hành, đã nói với cấp dưới rằng “kiếm cho anh đĩa phim này”. Đề nghị nghe thật hài hước, bởi với phim có bản quyền, việc sao chép mà không được sự cho phép của chủ sở hữu phim là nghiêm cấm dưới mọi hình thức, mọi đối tượng.
Phim Việt Nam hiện cũng đang trên đà phát triển nền điện ảnh để phù hợp với nhu cầu xem phim hiện nay
Ngoài ra, với phim điện ảnh, việc chuyển một bộ phim từ công nghệ phim nhựa sang một đĩa DVD là cả một quá trình tốn kém và phức tạp mà người ngoài ngành khó có thể hiểu được. Thậm chí, trong một lần duyệt phim, có người trong hội đồng duyệt phim của một đài truyền hình đã hỏi khi bước vào phòng duyệt: “Hôm nay duyệt vở gì?”. Tức là có cả sự nhầm lẫn giữa kịch sân khấu và phim. Bởi với người đó, cái gì cũng là ghi hình hết, vậy phim với kịch sân khấu cũng có gì khác nhau đâu?
Vậy, về bản chất thì phim điện ảnh (chiếu rạp) với phim truyền hình (phát sóng trên màn ảnh nhỏ) khác nhau cái gì? Trước hết về mặt công nghệ, với phim chiếu rạp thì cần những máy quay có độ phân giải hình ảnh rất cao (4K trở lên). Nó cho phép ghi hình ở những chi tiết nhỏ nhất, những chuyển động tâm lý trong hành động của nhân vật ở mức vi tế nhất bằng nghệ thuật bố quang khắc nghiệt và chuẩn mực. Đẳng cấp công nghệ này cho phép thể hiện những nội dung phức tạp, sâu sắc về tâm lý, nhằm tới những biểu đạt nội dung có tính điển hình và trường tồn với thời gian. Với độ dài theo thông lệ từ 90 phút đến 120 phút (có phim dài hơn), khán giả khi bước vào rạp đã được chuẩn bị tâm lý một cách tự nguyện rằng họ cần có độ tập trung cao nhất để có thể thưởng thức nội dung phim có thông điệp nhiều tầng, và cách biểu đạt đôi khi rất phá cách, đòi hỏi sự liên tưởng và trình độ thẩm thấu, quan điểm thẩm mỹ của chính người xem. Một đặc điểm khác về mặt biểu đạt của phim điện ảnh là các tình huống kịch trên phim thường rất kiệm lời, trên một số bối cảnh đặc biệt ấn tượng. Người xem phim cần có độ tập trung cao để không bỏ qua những biểu cảm không lời của nhân vật, vốn là những thông điệp lớn hoặc nhỏ mà nhân vật muốn gửi tới đối phương (nhân vật tương tác trên phim), mà rất nhiều khi đó là một nguyên nhân thúc đẩy kịch tính phát triển mạnh mẽ.
Ở cấp độ nhẹ nhàng, vui vẻ hơn, phim truyền hình phát trên màn ảnh nhỏ đòi hỏi công nghệ ghi hình đơn giản hơn. Nhưng phim truyền hình nhờ độ dài khá thoải mái của nó (hàng trăm tập phim cho một nội dung), các tình tiết hay các mâu thuẫn kịch sẽ được mô tả kỹ lưỡng, chi tiết hơn nhằm phân tích, lý giải các nguyên cớ hành động của nhân vật một cách dễ hiểu, dung dị và gần nhất với đời sống thường nhật. Đồng thời, do phim truyền hình dành cho đại công chúng với nhiều tầng lớp xã hội, nhiều thế hệ trong gia đình… nên tính chất giáo dục cụ thể và trực tiếp được coi trọng hơn thông qua tỷ lệ đối thoại nhiều hơn, hoặc hành động nhân vật cụ thể trực tiếp hơn. Có rất nhiều các vấn đề xã hội mà chỉ phim truyền hình mới chuyển tải được kịp thời cũng như đủ sức lan toả tới đại công chúng.
Như vậy, sự khác biệt cả về hình thức thể hiện lẫn nội dung của hai loại hình phim truyện điện ảnh và truyền hình là khá lớn. Sự nhầm lẫn chúng với nhau sẽ dẫn đến những ứng xử không chuẩn xác khi muốn điều chỉnh hoặc chấn hưng hai lĩnh vực này. Điều này đặc biệt quan trọng với những cơ quan chức năng chịu trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển cả hai lĩnh vực.
Nhà biên kịch TRỊNH THANH NHÃ