Nỗi buồn buôn văn hoá kiểu mẫu
VH- Trong số báo ra ngày hôm nay, Văn Hoá có bài: "Buôn văn hoá kiểu mẫu để... thả bò" phản ánh dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Buôn văn hoá các dân tộc Tây Nguyên tại phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk có diện tích 33ha, với kinh phí gần 80 tỉ đồng, sau 22 năm khởi động, 14 năm triển khai đang là... bãi cỏ hoang để chăn bò!
Hài hước và chua xót nhưng đó là thực tế đau lòng. Đáng buồn thay, “Buôn văn hoá kiểu mẫu” ở phường Tân An không còn là trường hợp cá biệt. Từ năm 2006, Báo Văn Hoá đã có loạt bài lên tiếng về vấn đề này. Đó là thực trạng không ít nhà văn hoá cộng đồng được xây dựng từ nguồn tài trợ hoặc nhân dân địa phương đóng góp nhưng chỉ được vài ba tháng đỏ đèn, sau đó cửa đóng then cài. Theo số liệu khảo sát của Sở VHTTDL Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh hiện có 585 nhà văn hóa trên tổng số 609 buôn; trong đó có khoảng 30% số nhà văn hoá cộng đồng tổ chức tốt các hoạt động, thực hiện tốt vai trò, chức năng và nhiệm vụ; số còn lại hoạt động trung bình, yếu và... không hoạt động. Đó chỉ mới là số liệu của một tỉnh Tây Nguyên, còn nếu mở rộng ra cả khu vực nói riêng và trên phạm vi toàn quốc nói chung thì chắc sẽ có những con số giật mình.
Vì sao một chủ trương đúng đắn, phù hợp tâm tư nguyện vọng của nhân dân nhưng không được người dân mặn mà? Lý do: Thiếu kinh phí để triển khai dự án (như bài trong số báo này), kể cả khi có nhà văn hoá rồi thì cũng hoạt động cầm chừng vì không đủ kinh phí để trả tiền điện, nước và các hoạt động khác; đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu... khiến cho không ít thiết chế chỉ có “vỏ” mà thiếu nội dung.
Đáng buồn hơn, rất nhiều thiết chế văn hoá tiền tỉ nhưng xây xong rồi... bỏ hoang. Câu trả lời cũng rất rõ ràng: Nhiều nhà văn hoá cộng đồng ở Tây Nguyên được xây dựng nhưng không hề tham vấn ý kiến của cơ quan chuyên môn nên không đúng với quy hoạch, không phù hợp phong tục của đồng bào nên không được sử dụng, khai thác tốt và nhanh chóng bị xuống cấp, hoang phế. Kể cả cái gọi là “Buôn văn hoá kiểu mẫu” ở phường Tân An, nếu có kinh phí để hoàn thiện thì sợ rằng, rồi cũng sẽ rơi vào tình trạng hoang hoá khi mà “dù là buôn văn hóa kiểu mẫu của người Êđê, nhưng trong tổng thể dự án lại không có chức danh già làng, chủ bến nước nên các nét văn hóa; các lễ hội đặc trưng như cúng bến nước, mừng cơm mới hay dụng cụ đặc trưng của đồng bào Êđê là cồng chiêng…” như trong bài đã phản ánh.
Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo vấn đề này. Năm 2015, Bộ cũng đã ban hành Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động văn hoá các thiết chế văn hoá, thể thao ở nông thôn”, trong đó quy định rõ nhiệm vụ các cơ quan chức năng của Bộ cũng như sự phối hợp của các tỉnh, thành.
Tuy nhiên, chừng nào các địa phương còn tham vọng xây dựng các “buôn văn hoá kiểu mẫu”, nhà văn hoá cộng đồng theo kiểu duy ý chí, phớt lờ ý kiến của cơ quan chuyên môn, không phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào thì chừng đó vẫn còn tình trạng nhà văn hóa, buôn “kiểu mẫu”... bỏ hoang.
Phan Thanh Nam