Nhân quyền và văn hóa
VHO- Ngày 11.10 vừa qua, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023 - 2025. Kết quả cho thấy sự tham gia tích cực và thành quả của chúng ta trong nỗ lực mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Tiếp cận quyền con người từ góc độ văn hóa, đây cũng là điểm nhấn khi chúng ta tiếp tục khẳng định việc thực thi quan điểm nhất quán về việc: Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, được ghi rõ trong Điều 41 của Hiến pháp nước ta.
Văn hóa vừa là lĩnh vực bao trùm, nhưng ở một khía cạnh nhất định, cũng là một lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Sự phát triển của văn hóa chịu sự tác động qua lại của các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, xã hội, và tất nhiên, văn hóa cũng tác động ngược trở lại đối với các lĩnh vực ấy. Nhiều vấn đề quan trọng của văn hóa được hình thành, chi phối, điều chỉnh bởi các lĩnh vực khác chứ không riêng gì từ chính văn hóa. Nhưng tất nhiên, văn hóa cũng có tác dụng điều tiết cho tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Như vậy, việc bảo đảm để mọi người dân được hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, được hưởng sự tôn trọng đối với các biểu đạt đa dạng của văn hóa (hay hiểu một cách đơn giản hơn là bảo đảm quyền văn hóa của người dân, một trong những quyền cơ bản của con người) luôn cần được xét trong bối cảnh rộng lớn như vậy.
Xét trong mối quan hệ biện chứng, quyền con người chỉ có thể bảo đảm khi có sự hài hòa trong sự phát triển chung giữa các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, trong đó văn hóa có vai trò hết sức quan trọng để điều tiết sự phát triển chung của đất nước. Như vậy, quá trình đổi mới, mở rộng dân chủ, phát triển kinh tế, chăm sóc an sinh xã hội vừa là cách đất nước ta bảo đảm quyền con người, đồng thời là cách chăm lo cho quyền văn hóa của người dân. Tương tự như vậy, chăm lo cho việc hưởng thụ, sáng tạo, thể hiện các biểu đạt đa dạng văn hóa của mỗi cá nhân, cộng đồng và cả dân tộc cũng là cách chúng ta hỗ trợ cho sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội, bảo đảm quyền con người, hướng tới xây dựng quốc gia phồn vinh, hạnh phúc.
Trong hơn 2 năm vừa qua, đất nước chúng ta đã trải qua rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng chứng kiến những cố gắng tuyệt vời để vượt qua khó khăn ấy. Trong số những nguyên nhân tạo nên thành công chung của dân tộc, văn hóa đóng vai trò trung tâm, tạo nên niềm tin, sự đồng lòng, chung sức, đoàn kết, chia sẻ, từ đó tạo nên sức mạnh chung của toàn dân tộc. Thành tựu trong lĩnh vực văn hóa đang lan tỏa hiệu ứng tích cực sang các lĩnh vực khác, góp phần khẳng định Việt Nam đang tiến mạnh, vững chắc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đó cũng là lúc sức mạnh văn hóa tạo nên sức mạnh cho con người, cho đất nước, và việc bảo đảm quyền văn hóa giúp bảo đảm quyền con người cho mỗi người dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phát biểu: “Văn hóa còn, dân tộc còn”, như những cách nhấn mạnh về vị trí đặc biệt của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước nói chung, cũng như cách để chúng ta bảo đảm quyền con người, quyền văn hóa nói riêng. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, cùng với sứ mệnh tôn vinh giá trị Việt Nam, bảo vệ biểu đạt đa dạng để tạo nên sự thấu hiểu, chia sẻ và đoàn kết, nỗ lực phát triển văn hóa của chúng ta sẽ có thêm nhiều ý nghĩa và rất phù hợp để chuyển tải thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người, cho tất cả mọi người” trong nhiệm kỳ 3 năm tới Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN