Nghĩ về chuyện định danh

VHO- Có người bạn hỏi tôi: “Ở quê ông có Đảo Ngọc, giống như người ta thường gọi đảo Phú Quốc, ông biết ở đâu không?”. Tôi ngớ người, nhưng hóa ra thật, đúng là có tình trạng đặt địa danh tùy tiện, một hiện tượng đáng phải lưu tâm. “Đảo Ngọc” mà ai đó tự ý đặt ra để chỉ một làng nằm giữa sông Trà Khúc, vốn có tên Ân Phú. Làng là dải đất bồi pha giữa sông, người dân đến định cư từ lâu đời. Mùa nắng làng trồng dưa, ca dao có câu chòng ghẹo: Ham chi ba trái dưa đèo/ Đường về Ân Phú cheo leo một mình. Về mùa lũ, Ân Phú trở thành ốc đảo biệt lập giữa dòng nước sông Trà Khúc hung hãn.

 Xưa Ân Phú là một châu (làng đất cát nằm giữa sông), thuộc tổng Nghĩa Hạ, huyện Chương Nghĩa, sau chuyển về xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, nay thuộc thành phố Quảng Ngãi. Theo gốc chữ Hán, chữ Ân nghĩa là thịnh đạt, đầy đủ, chữ Phú nghĩa là giàu có, Ân Phú nghĩa là giàu có thịnh vượng. Thật quá tốt đẹp rồi! Vậy mà người làm dự án ắt hẳn còn muốn cho “ngon” hơn nên đặt tên mới là “Đảo Ngọc”. Chữ “đảo” chưa hẳn đã đúng (chữ châu xưa mới chuẩn xác), còn chữ Ngọc hàm nghĩa quý và rất đẹp, nhưng nghe rất “sến”. Khi nghiên cứu địa danh Việt Nam, tôi nhận thấy rằng, nếu ở nhân danh (tên người), các cụ ta xưa có thể dùng những từ tục lẫn các mỹ tự, thì trong địa danh (tên đất), hầu như không thấy dùng từ tục cũng như từ quá phô trương. Tránh dùng từ tục, chắc vì đất đai luôn là nơi chốn thiêng liêng với tâm thức con người; tránh phô trương cũng là cái cách tránh dung tục hóa, tầm thường hóa.

GS Nguyễn Đình Đầu trong sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Quảng Ngãi, (NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2010, trang 87) có liệt kê 14 “mỹ danh” thường gặp nhất trong tổng số 252 tên xã thôn của tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu bằng các chữ: Phú, An, Đông, Tân, Phước, Xuân, Vĩnh, Mỹ, Hoa, Châu, Đại, Long, Trà, Trung, tuyệt nhiên không thấy “Ngọc”. Trong số các tên trên, cũng có một chữ gần với Ngọc, là Châu, nhưng Châu lại dùng theo nghĩa bóng (quý giá) hơn là nghĩa đen. Cũng có làng tên là Ngọc Trì nhưng chữ Ngọc ở đây cũng dùng theo nghĩa bóng, phụ nghĩa cho chữ Trì là cái ao: Ngọc Trì là cái ao đẹp đẽ. Vả lại, một khi Phú Quốc đã mệnh danh là Đảo Ngọc, thì tại đây cũng gọi tên như thế, e đã phạm vào phép cá thể hóa của việc định danh.

Xem thế để thấy, đặt tên đất (hay định danh: naming) là một biểu hiện của văn hóa, của trình độ văn hóa, quán triệt truyền thống văn hóa, muốn có một cái tên phải là sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đặt tên có vẻ như “dễ” nhưng không phải thế nào cũng được. Tên đất xưa lưu truyền lại cũng là một di sản văn hóa, nó phải được đối xử như một di sản văn hóa.

Làng Ân Phú nằm ở bãi bồi giữa sông, có thuận lợi, có khó khăn, hiểm nguy. Tên Ân Phú đã ăn sâu vào tâm thức, gắn với tình cảm “máu thịt” của người dân, cho nên cái tên “Đảo Ngọc”, dù có hay đến đâu cũng chỉ là thứ xa lạ. Khi tách nhập thôn xã mới, nhà nước còn phải lấy ý kiến của người dân sở tại về việc định danh. Ở nước ta, chưa thấy nhà nghiên cứu nào đề cập, nhưng khoa Địa danh học (Toponymy) ở các nước người ta xác định khái niệm về quyền định danh (naming-rights) một cách rõ ràng, cũng có khi tranh giành quyền định danh thì diễn ra “đấu trường” (arena), thậm chí có cả một chuyên luận rất nổi tiếng về nó: Critical Toponymies - The Contested Politics of Naming (Địa danh học phê phán - Chính trị phản kháng về việc định danh) của Jani Vuolteennaho và Lawrence D. Berg (Asgate xuất bản, 2009).

Tôi từng nghiên cứu, viết sách Câu chuyện địa danh học và địa danh dân gian Việt Nam (NXB Hội Nhà văn, 2017), thú thật không thể không băn khoăn khi địa danh lại được thay đổi tùy tiện như vậy. Có bao nhiêu nhà đầu tư tự đổi tên đất kiểu như “Đảo Ngọc” ở nước ta? 

CAO CHƯ

Ý kiến bạn đọc