Một nét đẹp trong văn hóa báo chí

VHO - Như đã thành truyền thống đẹp trong nhiều thập niên qua, cứ vào tuần đầu của ngày làm việc đầu năm mừng Xuân mới, hàng trăm Tổng Biên tập báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình cùng nhiều nhà báo lão thành đã hội tụ về báo Nhân Dân, tờ báo lớn nhất của Đảng và Nhà nước ta để tham dự cuộc Giao ban báo chí đầu Xuân do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì với sự phối hợp của báo Nhân Dân, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam.

Một nét đẹp trong văn hóa báo chí - Anh 1

Hội nghị Giao ban báo chí đầu Xuân 2024. Ảnh: Thuỷ Nguyên

Điều mà những người tham dự chăm chú lắng nghe bản tổng hợp về nội dung các ấn phẩm xuân Giáp Thìn của các cơ quan báo chí ở khắp vùng miền đất nước do Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày; trên cơ sở đó, các đại biểu phát biểu bổ sung, được đồng chí Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lắng nghe, tiếp thu, sau đó thay mặt Đảng, Nhà nước cho ý kiến chỉ đạo.

Nét văn hóa nổi rõ nhất của hoạt động giao ban này là ở chỗ, anh chị em tham dự hồ hởi, phấn chấn được nghe cấp có thẩm quyền đánh giá, ghi nhận công tâm những cố gắng, những sáng kiến được kết tinh trong các ấn phẩm Xuân mang tính đa dạng, tính thời sự, tính định hướng rõ nét. Sự trao đổi cởi mở thể hiện tinh thần dân chủ, bình đẳng, cùng đồng cảm sẻ chia ở mục tiêu cao cả là: Nhiều cơ quan báo chí đã có cố gắng trong năm qua, càng cần cố gắng hơn nữa; nhiều ấn phẩm, chương trình báo chí đã hay, sẽ càng hay hơn nữa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc và các tầng lớp nhân dân.

Báo chí là tấm gương phản ánh xã hội, vì vậy qua những trang báo, chương trình phát thanh, truyền hình, bạn đọc và khán giả được mắt thấy, tai nghe một không khí đón Xuân tràn ngập trên đất nước ta, được phản ánh sinh động, đa dạng và đậm nét: Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước về tổ chức đón Xuân vui tươi, tiết kiệm, quan tâm tạo điều kiện cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng... được hưởng một cái Tết cổ truyền đủ đầy, không ai bị bỏ lại phía sau..., đến việc cổ vũ các thành tựu mới của các ngành, các đơn vị, địa phương đã vượt lên nhiều khó khăn để thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững; đi liền đó là sự cố gắng cao nhất của các lực lượng vũ trang trong sự nghiệp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc..., đã là một chủ đề trọng tâm trong các ấn phẩm Xuân. Nét nổi rõ hơn so với các năm trước là, các hoạt động văn hóa Xuân Giáp Thìn này được phản ánh đậm nét hơn, tươi mới hơn, thuyết phục hơn qua những bài phân tích có chiều sâu với các hình ảnh hấp dẫn về cội nguồn sức mạnh văn hóa Việt Nam, thông qua các hoạt động lễ hội tưởng nhớ tổ tiên và những người có công với nước. Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, những tình cảm của bà con người Việt đang làm việc, định cư ở khắp năm châu hướng về nguồn cội và ngày càng đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Tổ quốc phồn vinh, cũng được phản ánh sinh động hơn. Qua báo chí, Nhân dân càng vui mừng, tự hào trước thành tựu đối ngoại thể hiện bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam” uyển chuyển, khôn khéo, linh hoạt trong một thế giới đầy biến động, phức tạp, khó lường, nhưng đất nước ta vẫn trụ vững và nhận được sự đồng tình, ủng hộ ngày càng rộng lớn của bạn bè năm châu...

Rõ ràng, báo chí là sản phẩm văn hóa, nhưng chỉ được đông đảo công chúng tiếp nhận; và qua sự thưởng thức, suy ngẫm, mỗi người thấy phấn chấn, tự hào hơn, cùng động viên nhau gắn kết vượt lên gian khó, sáng tạo nhiều cách làm phù hợp, có hiệu quả trực tiếp để năm con Rồng này đất nước ta sẽ cất cánh bay cao, bay xa. Vinh dự trao cho những người làm báo cách mạng đã và đang là những chiến sĩ tiên phong nhen lửa và truyền lửa, thổi bùng khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Những người làm báo cách mạng Việt Nam càng thấm thía lời Bác Hồ: “Báo chí cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ xung kích trên mặt trận ấy”. Và, xét trên góc độ văn hóa, mỗi người làm báo đều tự hào mình cũng là một chiến sĩ văn hóa, góp sức tích cực vào mục tiêu cao đẹp: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi - như tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu!

Chính tư tưởng chỉ đạo đó càng thôi thúc mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí thực hiện thật tốt 12 tiêu chí văn hóa do Hội Nhà báo Việt Nam đề ra cho từng cá nhân và tập thể. Thiết nghĩ, điều đó chỉ thành hiện thực khi từng người, từng cơ quan báo chí tự vượt lên chính mình, mới có thể tạo ra nét mới, sức mới, thành quả mới trong hành trình làm báo thời “số hóa”.

Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 2024

PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH

Ý kiến bạn đọc