Kinh doanh chụp giật lợi dụng yếu tố tâm linh
VHO- Đó là ý kiến của TS Ngô Quang Láng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang liên quan đến Công ty TNHH Mga Việt Nam tự ý xây dựng công trình tượng Bà Chúa Xứ trong Khu di tích quốc gia Núi Sam, An Giang mà Văn Hóa đã có loạt bài phản ánh cách đây gần hai năm.
Nguyên văn câu nói của ông Láng về những pho tượng Bà Chúa Xứ bằng chất liệu nhựa mau hỏng, rẻ tiền và không bảo đảm tính chất văn hóa lẫn tính tâm linh này là: “Đây rõ ràng là một hình thức lợi dụng tín ngưỡng để kinh doanh, một kiểu đầu tư “mì ăn liền”, kinh doanh chụp giật lợi dụng yếu tố tâm linh”.
Không hiểu vì sao, người ta lại dễ dãi gắn hai chữ “tâm linh” vào những công trình kinh doanh sai phạm động trời này: Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - Cáp treo Núi Sam (An Giang); Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (Khánh Hòa); Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (Hà Giang)…
Chưa hết, như Văn Hóa số này phản ánh, một khu điện thờ bề thế tự nhiên mọc lên trên khu đất của khu công nghiệp Phú Đa (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến dư luận địa phương xôn xao, còn Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh thì hết sức ngạc nhiên khi “chưa từng bao giờ nghe” và “việc chưa từng có tiền lệ trên địa bàn”.
Thật lạ. Mỗi ngày thêm một ngạc nhiên, thêm một tiền lệ chưa từng có. Những công trình “văn hóa tâm linh”, “du lịch tâm linh”… ngày càng kéo dài, mọc như nấm sau mưa. Được đầu tư với số tiền “khủng” lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng, nhưng nhiều công trình trong số đó không liên quan gìđến văn hóa - du lịch tâm linh; chưa được cấp phép, chưa được phê duyệt; phá rừng, bạt núi, vội vã thi công, bất chấp phản đối của người dân địa phương và dư luận; phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng, xâm phạm di tích quốc gia, phớt lờ ý kiến chỉ đảo của cơ quan chức năng;…
Truyền thống nghìn năm của đất nước đã sản sinh ra những danh xưng, hình tượng, địa danh, tín ngưỡng, di tích… gắn với bao chiến công hiển hách, song hành với đời sống tâm linh của người dân. Đó là di sản của tiền nhân, lịch sử-văn hóa của dân tộc. Đồng ý việc xây dựng các công trình, khu du lịch tâm linh để phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, hành hương của người dân và du khách là việc đáng làm và nên làm. Nhưng không thể vì mục đích lợi nhuận mà bất chấp tất cả, tùy tiện gán ghép, lợi dụng văn hóa, tín ngưỡng để kinh doanh.
Doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận nhiều khi làm liều đã đành. Thế nhưng chính quyền địa phương ở đâu khi di tích quốc gia bị xâm phạm, rừng núi bị phá tan hoang, người dân phản đối, hay chỉ đến khi dư luận lên tiếng, vụ việc vỡ lở thì mới ậm ừ: “Có chuyện ấy à, để chúng tôi xem xét. Nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm”?
PHAN THANH NAM