Không thể chấp nhận anh em cùng lãnh đạo một địa phương

VH- Thời gian gần đây, báo chí liên tục phát hiện, đưa tin về tình trạng cha con, anh em trong một gia đình giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở một cơ quan, đơn vị, địa phương. Điển hình gần đây là ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) có 3 anh em ruột cùng giữ chức vụ chủ chốt ở địa phương.

Dù có biện minh thế nào đi nữa người dân cũng không thể chấp nhận điều này. Họ cho rằng việc anh em, họ hàng ruột thịt cùng làm lãnh đạo trong một địa phương, đơn vị thì chẳng khác nào gia đình trị!

Có thể nói đây là điển hình của sự bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ hiện nay. Những người trong cuộc biện minh do “lịch sử để lại”, điều này có thể đúng, tuy nhiên lại không hợp lý, logic chút nào! Bởi lẽ:

Thứ nhất, khi trong cơ quan, đơn vị có quá nhiều người cùng một nhà làm lãnh đạo, nhất là nắm giữ các chức danh chủ chốt, quyết định thì không thể đưa ra quyết sách khách quan, công tâm được. Dân gian có câu: “nhất vợ, nhì trời”, “anh em như thể tay chân”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Đó là đạo lý, truyền thống không thể bàn cãi. Vì thế, khi giải quyết một vấn đề gì thường “duy tình” hơn duy lý. Thậm chí, nhiều nơi con cháu dù giữ trọng trách, chức vụ lớn đến thế nào chăng nữa vẫn bị điều chỉnh, ràng buộc bởi quy định của họ hàng, dòng tộc! Do đó, các quyết định đưa ra khó mà khách quan, sáng suốt, hợp lòng đa số người dân được!

Thứ hai, việc “cả nhà” làm lãnh đạo cũng rất khó để giáo dục, thuyết phục được người dân và cán bộ, công chức “tin tưởng tuyệt đối” và toàn tâm toàn ý làm theo những chủ trương, chính sách mà lãnh đạo đưa ra. Đây hoàn toàn là ý thức tâm lý bình thường của con người. Do đó, các chủ trương, chính sách dù đúng đắn, hợp lý đến đâu cũng khó phát huy hiệu quả, chưa nói là không khả thi, không được chấp hành nghiêm túc.

Thứ ba, “cả nhà” lãnh đạo thì công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực ở những cơ quan, đơn vị này chắc chắn sẽ không thực hiện được. Bởi quy luật “chống ai, ai chống”, không lẽ người trong cùng một gia đình lại tố nhau, chống nhau, phanh phui các tiêu cực, tệ nạn của nhau? Rất khó, thậm chí là phi thực tế.

Thứ tư, các chủ trương, chính sách có thể bị bẻ cong khi không ai giám sát, kiểm tra, theo dõi, bởi vì đều là “người một nhà cả”! Các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội ở những nơi này cũng sẽ bị vô hiệu hóa và dễ dàng biến thành công cụ để “người trong nhà” lợi dụng thực hiện ý đồ cá nhân, dòng họ.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm chấn chỉnh, khắc phục triệt để tình trạng. Theo đó, vì lý do khách quan hay lịch sử để lại mà nhiều người trong một gia đình cùng làm lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị thì phải có biện pháp điều chuyển, luân chuyển, bố trí hợp lý.

Tuyệt đối không thể chấp nhận tình trạng người cùng một nhà, anh em ruột thịt cùng làm lãnh đạo trong một cơ quan, đơn vị, địa phương trong cùng một thời điểm ở một số nơi như hiện nay.

VĨNH LINH

Ý kiến bạn đọc