Không phải bồi thường, vì tình thế cấp thiết
VH- Tài xế Đỗ Văn Tiến (Hải Phòng) đã cố gắng đánh lái giúp 2 nữ sinh thoát nạn trong gang tấc được dư luận hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, chiếc xe tải của anh đã va vào 2 ô tô và lật nhào gây thiệt hại cho cả 3 chiếc xe. Sau cú đánh lái “ngoạn mục” cứu mạng người, tài xế lại gặp rắc rối với việc thỏa thuận bồi thường của chủ xe tải cho 2 chủ ôtô...
Vừa qua báo chí đăng tải khá nhiều ý kiến của các luật sư, chuyên gia pháp lý về vấn đề này. Đa số các ý kiến chỉ đề cập loanh quanh về trách nhiệm bồi thường của chủ xe, tài xế và khả năng anh Tiến chịu trách nhiệm hình sự... mà không đi đúng vào bản chất của sự việc. Đặc biệt khi có thông tin chủ xe không gặp gỡ, không chấp nhận nhận bồi thường mà nhờ Công an can thiệp, giám định thiệt hại, dọa yêu cầu xử lý hình sự...
Qua theo dõi clip và căn cứ vào quy định pháp luật, cá nhân tôi cho rằng trường hợp đánh lái cứu người của anh Tiến là thuộc tình huống tình thế cấp thiết. Do đó, tài xế không phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như dân sự (bồi thường thiệt hại) trong tình huống này, vì rõ ràng đây là tình thế cấp thiết.
Đối với trách nhiệm hình sự: Theo Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm”. Do đó, anh Tiến không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Đặc biệt thiệt hại về vật chất rõ ràng là quá nhỏ so với mạng sống của 2 nữ sinh.
Đối với trách nhiệm dân sự: Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rất rõ tại Điều 171 về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết. Theo đó, “Trong tình thế cấp thiết, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản không được cản trở người khác dùng tài sản của mình hoặc cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản đó để ngăn chặn, làm giảm mối nguy hiểm hoặc thiệt hại lớn hơn có nguy cơ xảy ra. Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”. Đồng thời, tại Điều 595 quy định: “Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Như vậy, rõ ràng trong trường hợp này người gây ra tình thiết cấp thiết chính là 2 cô gái được cứu mạng hoặc có thể người cầm lái chiếc xe đã làm 2 cô gái ngã xuống đường. Điều này tùy thuộc kết quả điều tra, xác minh của cơ quan chức năng.
Do đó, theo tôi, cơ quan chức năng cần phải tìm ra 3 người (2 cô gái và người cầm lái) để xem xét, xử lý trách nhiệm. Theo hướng là họ phải bồi thường cho những chủ xe bị thiệt hại và chịu trách nhiệm đối với các vấn đề phát sinh liên quan.
Riêng đối với anh Đỗ Văn Tiến chỉ nên xử lý hành chính về lỗi điều khiển xe chạy quá tốc độ (nếu có), anh Tiến không phải chịu trách nhiệm bồi thường hoặc trách nhiệm hình sự. Về vấn đề bảo hiểm thì thực hiện theo nội dung, điều kiện hợp đồng bảo hiểm mà chủ xe với công ty bảo hiểm đã ký kết trước đó.
ThS LUẬT PHẠM VĂN CHUNG