Điều gì đang diễn ra ở học đường
VH- Nếu xả súng trong trường học là vấn đề của nước Mỹ, thì bạo lực trong trường học là vấn đề của Việt Nam.
Nước Mỹ loay hoay với hàng loạt giải pháp từ việc hạn chế quyền sử dụng súng đến việc trang bị vũ khí cho giáo viên, nhưng có vẻ lối ra vẫn còn rất mờ mịt. Tuy nhiên, dù sao thì họ đã nhận thức rất rõ vấn đề và đang tìm cách giải quyết. Rất tiếc, điều tương tự lại là thứ rất khó khẳng định được cho trường hợp của Việt Nam.
Hãy để vấn đề của nước Mỹ cho người Mỹ quan tâm, nhưng vấn đề của Việt Nam thì chẳng ai có thể giải quyết thay được cho chúng ta cả. Và bạo lực học đường quả thực là một vấn đề rất lớn.
Trước hết, đó là hiện tượng học trò đánh nhau. Tràn ngập trên mạng xã hội là các video clip loại này. Chúng ta thật sự bàng hoàng về mức độ dã man, tàn bạo của những màn đánh hội đồng, khi cả một đám đông hè nhau đánh đập không thương tiếc một bé gái hoặc một bé trai. Các nạn nhân bị đạp vào mặt, vào đầu một cách không thương tiếc, bị đánh đến ngất xỉu, đến phải nhập viện cấp cứu. Vấn đề không chỉ là sự dã man, tàn bạo. Vấn đề còn là sự dã man, tàn bạo này được lặp đi, lặp lại rất nhiều lần và ở rất nhiều nơi. Điều này chứng tỏ các hiện tượng đánh hội đồng bạn học đã không được xử lý hoặc được xử lý chỉ ở mức không đủ sức răn đe.
Thứ hai là hiện tượng bạo lực của thầy đối với trò (và ngược lại trò - đối với thầy). Cứ nhìn cảnh những cô bảo mẫu hành hạ các em nhỏ trong các video clip được tung lên mạng, quả thực chúng ta không thể tin được vào mắt mình. Tại sao những người thù ghét trẻ em như vậy lại được tuyển dụng để làm nghề trông giữ trẻ?! Cái đau của việc thầy đánh trò hoặc trò đánh thầy không chỉ là về thể xác, mà chính còn là về luân thường, đạo lý. Các chuẩn mực đạo đức xác lập mối quan hệ giữa thầy và trò đang bị xâm hại hết sức nghiêm trọng. Thế nhưng, khi những chuẩn mực đạo đức này bị xâm hại thì nhà trường có còn là nơi để giáo dục nữa không?!
Thứ ba là bạo lực giữa phụ huynh với các thầy cô giáo. Sự việc một phụ huynh bắt một cô giáo phải quỳ 40 phút mới đây chỉ là một trong rất nhiều hành vi bạo lực mà phụ huynh gây ra ở nhà trường cho các thầy cô giáo. Phụ huynh có quyền can thiệp vào công việc của nhà trường không và có quyền can thiệp đến đâu quả thực là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, xúc phạm đến nhân phẩm của các thầy cô giáo là đều không thể chấp nhận được. Và các hành vi như vậy phải bị pháp luật trừng trị.
Điểm lại như trên là để thấy vấn đề bạo lực học đường ở ta là rất nghiêm trọng. Đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rất rõ vấn đề này và tìm cách xử lý. Đây trước hết là trách nhiệm của ngành giáo dục, nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không thể đứng ngoài cuộc.
TS Nguyễn Sĩ Dũng