Để giải quyết tình trạng lạm thu

VHO- Liên quan đến tình trạng lạm thu trong trường học đã, đang xảy ra ở một số địa phương khiến dư luận xã hội rất quan tâm, bức xúc, có nhiều ý kiến đề nghị bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc cấm tuyệt đối tất cả các khoản thu, đóng góp, huy động từ cha mẹ học sinh, trừ học phí.

Có thể nói, lạm thu trong trường học đang là vấn đề nhức nhối xảy ra khá phổ biến những năm gần đây. Thậm chí, có nhiều vụ lạm thu gây hậu quả rất nghiêm trọng,

 một số cá nhân đã lợi dụng đóng góp của phu huynh học sinh mà tiêu cực, chiếm đoạt số tiền rất lớn của cha mẹ học sinh. Nhiều vụ lạm thu, tiêu cực, tham nhũng đã bị xử lý hình sự khá nghiêm khắc, tuy nhiên tình trạng này không giảm mà có chiều hướng gia tăng. Lạm thu trường học đang trở thành vấn đề xã hội nổi cộm, khá phức tạp làm mất lòng tin của người dân và xã hội đối với ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên.

Một số ý kiến bức xúc cho rằng việc duy trì ban đại diện cha mẹ học sinh là nguyên nhân dẫn đến lạm thu, tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho lạm thu. Ý kiến này chỉ đúng một phần, theo người viết nguyên nhân chính là do việc kiểm soát các khoản đóng góp từ cha mẹ học sinh còn lỏng lẻo, thiếu công khai, minh bạch dẫn đến tùy tiện, tiêu cực, cố ý làm trái để chiếm đoạt tiền của cha mẹ học sinh.

Có thể khẳng định việc bỏ ban đại diện học sinh là không hợp lý. Bởi vì, ban đại diện cha mẹ học sinh không chỉ làm nhiệm vụ thu, huy động các khoản đóng góp từ cha, mẹ học sinh mà còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh. Bên cạnh đó, tham gia giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác. Ngoài ra, ban đại diện còn đứng ra tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học cũng như khó khăn, bất cập liên quan đến giáo dục, chăm sóc học sinh…

Để giải quyết tình trạng lạm thu, các cơ quan có thẩm quyền cần siết chặt, quản lý chặt chẽ các khoản thu - chi liên quan đến huy động, đóng góp của cha mẹ học sinh. Theo đó, nên coi các khoản thu, đóng góp, huy động từ cha mẹ học sinh gồm: Quỹ hội phụ huynh, nguồn thu xã hội hóa, các khoản ủng hộ của cá nhân, tổ chức… như nguồn thu ngân sách và được kiểm soát thu - chi như các khoản thu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Việc kiểm soát các khoản thu - chi này có thể đơn giản hơn nguồn thu từ ngân sách nhà nước nhưng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, có kiểm soát, có quy trình, thủ tục cụ thể, công khai, minh bạch.

Điều này sẽ hạn chế tình trạng lạm thu, huy động các khoản đóng góp trong trường học một cách tùy tiện, ngẫu hứng chưa phù hợp tình hình thực tế, mức sống người dân địa phương. Đồng thời, khi các khoản thu - chi được kiểm soát, công khai, minh bạch, nhất là chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát như các khoản thu chi từ ngân sách nhà nước sẽ góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả tình trạng lạm thu, tham nhũng, tiêu cực từ các khoản đóng góp của che mẹ học sinh. 

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc