Cần tỉnh táo trước tin đồn thất thiệt
VHO- Có thể nói, đây là hành vi của một số đối tượng có dụng ý xấu, tung tin đồn thất thiệt để gây hoang mang, lo lắng cho người tiếp nhận thông tin. Nhiều tin đồn thất thiệt đã gây ra thiệt hại về kinh tế, làm mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tin đồn thất thiệt có khi là những lời nói đùa cho vui hoặc có thể là dụng ý của người tung tin đồn, lợi dụng một số người dân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin để lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động gây sức ép với chính quyền.
Có trường hợp tung tin đồn thất thiệt để tạo ra hiệu ứng xã hội nhằm chống đối, gây rối trật tự công cộng của một số phần tử phản động, cơ hội chính trị để chống phá chính quyền.
Những tin đồn thất thiệt thường gây ra sự tò mò, làm cho nhiều người muốn tìm hiểu để thỏa mãn sự tò mò đó. Tin đồn thất thiệt có thể làm cho người dân cuốn hút vào một câu chuyện không có thật hoặc tẩy chay một số nông sản, hàng hóa nào đó…; làm cho người nông dân, kinh doanh, buôn bán có thể trắng tay; lời đồn có thể tạo ra cơ hội để thương lái ép giá, “bóp nghẹt” người nông dân hoặc lời đồn có khi cướp đi sự bình yên hay tính mạng của một ai đó. Tất cả các tin đồn thất thiệt dù cố ý hay vô ý đều là hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải có biện pháp ngăn chặn, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, cổ xúy cho những hành động sai trái, vi phạm pháp luật.
Người tung tin đồn thất thiệt có thể lợi dụng một hoặc một nhóm người để truyền tin cho nhau; lợi dụng các trang mạng xã hội để tung ra những thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang, lo lắng cho đối tượng chịu sự tác động; sau đó thì dụ dỗ để lừa đảo hoặc làm theo ý đồ của bọn chúng…
Để người dân cảnh giác với những tin đồn thất thiệt, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và cảnh báo người dân không nên tin theo lời đồn thất thiệt. Khi xuất hiện tin đồn thất thiệt, các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành ngay việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ và công khai để nhân dân được biết. Đồng thời, truy tìm bằng được người tung tin đồn thất thiệt để xử lý nghiêm theo quy định; tùy theo tính chất, mức độ có thể xử lý hành chính hoặc hình sự và yêu cầu bồi thường nếu thiệt hại xảy ra. Việc xử lý không chỉ đối với người tung tin đồn thất thiệt mà phải xử lý cả những người tiếp tay cho việc lan truyền những tin đồn thất thiệt đó.
Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã đem lại nhiều tiện ích, kết nối mọi người lại với nhau, đồng thời, việc chia sẻ thông tin nhanh chóng, thuận lợi sẽ giúp người sử dụng chủ động hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội là những thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, xuyên tạc, vu khống... được tung lên mạng để thu hút người xem và bình luận gây mất an ninh trật tự, thậm chí gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế hoặc xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác.
Trước làn sóng tung tin đồn thất thiệt trên mạng, hơn ai hết, mỗi người dân cần phải đề cao tinh thần cảnh giác, không nên lệ thuộc theo những tin đồn. Khi tiếp nhận tin đồn, người dân có thể tự xác minh thông tin hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh những tin đồn đó. Mặt khác, trước “rừng” thông tin trên mạng, người dân càng phải sáng suốt lựa chọn những trang thông tin chính thống để tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ thông tin…; đồng thời, cần phải né tránh những trang thông tin tiêu cực, phản động, tung tin thất thiệt để kích động, lôi kéo, dụ dỗ… người dân.
Khi nghi ngờ những thông tin là thất thiệt, bị giả mạo, vu khống… cần phải cảnh báo người thân, bạn bè và mọi người dân được biết để né tránh; đồng thời, trình báo với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Có như vậy, mới có thể ngăn chặn hành vi của những đối tượng xấu cố tình tung tin thất thiệt gây ra những hệ lụy cho xã hội, làm mất an ninh, trật tự an toàn xã hội như hiện nay.
ĐỖ VĂN NHÂN