Cần cách giải quyết khiếu nại vi phạm nồng độ cồn

VHO- Qua thực tiễn thi hành quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hoàn toàn phù hợp. Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông một cách rõ rệt, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của người dân, góp phần dần hình thành ý thức không uống rượu, bia khi tham gia giao thông của đại bộ phận người dân.

 Hiện nay, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, vì cho rằng, quy định này quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, và đề xuất cần quy định rõ nồng độ cồn là bao nhiêu mới xử phạt. Nhưng nếu như vậy sẽ gây ra những xáo trộn và thiếu tính khả thi như: Người dân khó xác định được mình uống rượu, bia bao nhiêu là vi phạm nồng độ cồn khi lái xe; tùy vào tửu lượng của từng người mà nồng độ cồn trong máu cũng khác nhau; nhiều người khi đã nhậu thì khó có thể tự khắc chế bản thân. Bên cạnh đó, khi lái xe bị xử phạt nồng độ cồn sẽ xảy ra cự cãi, thậm chí chống đối lực lượng chức năng. Đặc biệt, các vụ việc tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn có thể sẽ gia tăng trở lại.

Thời gian qua đa số người dân đã có ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và nhiều người đã không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; đồng thời, nhiều người đã có thói quen sử dụng các phương tiện như taxi, Grab, xe ôm… để đi tiệc tùng. Do đó, cần thiết phải giữ nguyên hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để tránh thay đổi thói quen không uống rượu, bia khi tham gia giao thông của người dân và công sức của lực lượng chức năng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xử lý các vi phạm nồng độ cồn để giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức của người dân.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc đo nồng độ cồn phải được triển khai một cách hiệu quả, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Đồng thời, cần phải có cơ chế khắc phục tình trạng máy đo nồng độ cồn không đảm bảo kỹ thuật, thiếu chính xác, ống thổi nồng độ cồn không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là cơ chế giải quyết khiếu nại kết quả đo nồng độ cồn một cách hiệu quả. Ví dụ: Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia nhưng khi kiểm tra thì có nồng độ cồn (do máy đo không chính xác); người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng các loại trái cây lên men như: Chuối, sầu riêng, nho, táo, dứa… hay những thức uống nước ép trái cây lên men, các loại siro cảm cúm, cơm nếp... có thể để lại nồng độ cồn trong cơ thể; người điều khiển phương tiện giao thông có dùng rượu, bia và có nồng độ cồn trong cơ thể nhưng lại chống đối, không thừa nhận... Do đó, lực lượng khi tiến hành đo nồng độ cồn phải dự liệu các tình huống xảy ra để xử lý, giải quyết khiếu nại về vi phạm nồng độ cồn như có thể kiểm tra lại nồng độ cồn thông qua bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân hoặc tiến hành xét nghiệm máu để đảm bảo tính khách quan, chính xác, hạn chế xảy ra sai sót trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. 

 ĐỖ VĂN NHÂN

Ý kiến bạn đọc