Ai nỡ ép duyên...

VHO- “Ai nỡ ép duyên” nhằm “phản biện” lại thói tục thời xưa cha mẹ ép con cái lấy chồng lấy vợ không phù hợp với mình, chỉ vì cân đo địa vị giàu nghèo, sang hèn, môn đăng hộ đối. Ngày nay thì sự ép duyên hầu như không còn, nhưng câu tục ngữ lại gợi tôi nhớ đến vấn đề khác: Kiến trúc.

Kiến trúc là một bộ môn nghệ thuật mang tính đặc thù rất cao. Tính hài hòa hợp lý trong một tác phẩm kiến trúc là khi nhìn vào người ta khó có thể tách biệt đâu là chức năng thực dụng, đâu là chức năng thẩm mỹ, không thấy có cảm giác gán ghép, thừa thãi. Đã là tác phẩm nghệ thuật thì không phải sao chép, công trình sau bắt chước công trình trước.

 Cũng khác với các loại hình nghệ thuật khác, công trình kiến trúc là tác phẩm có kích thước to lớn, nằm giữa trời cao đất rộng, cái phông không gian thì ông trời kiến tạo sẵn không thay đổi, nếu kiến trúc phù hợp thì tôn thêm vẻ đẹp của không gian ấy, nhược bằng ngược lại thì phá hỏng không chỉ tự thân công trình, mà còn làm xấu cả không gian vốn có. Lại còn phải tính đến kiến trúc làm sao mang bản sắc dân tộc nữa, là chuyện thực sự đau đầu.

Những năm chín mươi của thế kỷ trước, đổi mới, mở cửa chưa lâu, nhiều nhân tố văn hóa ngoại lai du nhập vào nước ta. Riêng kiến trúc cũng muôn hình, đủ kiểu. Bằng các loại vật liệu hiện đại, người làm nhà theo kiểu hình hộp thuần túy, người học theo lối cổ điển với cửa vòm, chạy chỉ như kiến trúc thời Pháp thuộc, lại có người bên dưới thì nhà hình hộp nhưng trên chóp lại úp cái “củ tỏi” kiểu kiến trúc Ả Rập. Lối kiến trúc “tạp pí lù” ấy đem lại điều gì? Trong một chương trình tọa đàm truyền hình có mời khách Tây tham dự, người dẫn chương trình hỏi anh ta có thích kiểu kiến trúc “hỗn hợp” ấy không, anh ta hoảng quá, liền chối đây đẩy: “Không! Không!”.

Là nghệ thuật, mỗi lối kiến trúc có phong cách riêng, bởi vậy không thể cóp nhặt các tinh hoa mỗi nơi một ít rồi “lắp ghép” cái nọ với cái kia sẽ thành tác phẩm nghệ thuật, kiểu như cái hình hộp vuông đội cái chóp củ tỏi. Nghệ thuật kiến trúc cần mang bản sắc dân tộc, nhưng cũng không nên máy móc bảo mọi công trình đều phải mang bản sắc dân tộc. Đến như kiến trúc cầu Long Biên ở Hà Nội được xây dựng từ thời Pháp thuộc, do kiến trúc sư Pháp vẽ ra, hỏi bản sắc dân tộc ở đâu, mà ngày nay ta phải vắt óc để tính chuyện bảo tồn?

Lấy cái cùng loại, như nhà với nhà, cầu với cầu, gắn kết nhau đã khó, cái khác loại gắn với nhau càng khó hơn. Chẳng hạn ở dân tộc Cor nguồn Trà Bồng có cái gou là miếng gỗ chữ nhật dài, được khắc vạch treo cúng trong lễ hội ăn trâu, hai đầu tròn khắc hoa văn, bên ngoài có hai “sừng”, người ta bèn mô phỏng hình thù ấy trong bảng cổng làng. Lại có nơi thiết kế cầu, mượn hình guồng xe nước áp vào. Guồng xe nước xưa đặt trên sông, các bánh xe đặt tiếp liền nhau thành hình trụ tròn kiểu như lon sữa, đặt nằm. Mượn hình tượng ấy, kiến trúc chiếc cầu người ta lại vẽ hình ba bánh xe đơn lẻ, thành các vòng tròn lồng vào cầu, hai cái ở hai đầu một cái ở giữa, tựa như ba con số O to tướng. Có đẹp giữa không gian tự nhiên? Có hợp lý với cấu kiện? Các thanh sắt, vòng chữ O (như hình guồng xe nước “bung” ra) liệu có cảm giác dư thừa? Đến khi nào đó, nếu được thực hiện, sự thật ắt sẽ rõ. Ở đây không ai bắt phải có “bản sắc” cả, chỉ là do tự tác giả sáng tác. Nếu không đẹp, nó giống như sự ép duyên, như râu ông cắm cằm bà!

Bản sắc dân tộc, địa phương trong kiến trúc là điều quá tốt, nhưng không phải dễ thể hiện, và có nhiều cách, nhiều nơi để thể hiện, không nhất thiết công trình nào cũng phải như vậy để dẫn đến những gán ghép gượng gạo. 

MINH TUỆ

 

Ý kiến bạn đọc