Ai có thể lãng quên di sản?
VH- Không ai có thể! Bởi di sản là hồn cốt của quá khứ, là tinh hoa tích tụ từ ngàn đời mà làm nên lịch sử của mỗi cộng đồng quốc gia, dân tộc.
Chính vì thế mà UNESCO, tổ chức cao nhất của Liên Hợp Quốc về văn hóa, giáo dục và khoa học đã bỏ ra bao công sức để bình chọn và công nhận nhiều di sản của nhiều quốc gia là di sản văn hóa của nhân loại. Việc công nhận những di sản của các dân tộc là di sản văn hóa thế giới không chỉ tôn vinh giá trị các di sản ấy mà còn là tuyên ngôn về tính nhân văn như là đặc hữu của loài người cần phải được gìn giữ và trân trọng.
Trân trọng di sản là trân trọng lịch sử phát triển của loài người, là gìn giữ nền tảng của quá trình phát triển chung của nhân loại. Việt Nam là một trong những nước có nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Một gia tài quý giá như thế ai có thể lãng quên. Đương nhiên là không thể! Như để nhắc nhở mọi người về di sản văn hóa, Việt Nam đã chọn ngày 23 tháng 11 hằng năm là Ngày Di sản. Tiếc rằng Ngày Di sản vẫn chưa được cộng đồng biết đến một cách rộng rãi! Và dẫu không có ai tự mình có thể coi thường di sản văn hóa, nhưng cuộc sống vận động với muôn vàn yêu cầu bức thiết nhiều khi đã lấn át vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhiều di sản vật thể xuống cấp nghiêm trọng! Nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã bị lãng quên bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan đến mức có những giá trị khó có khả năng phục dựng lại! May thay công cuộc đổi mới đất nước đã cho ta một cách nhìn mới, một nhận thức mới toàn diện hơn, đúng đắn hơn. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng đã được quan tâm hơn. Hàng trăm di sản vật thể đã được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện tại. Hàng chục di sản văn hóa phi vật thể đã được lưu giữ và phát huy hiệu quả trong nước cũng như quốc tế. Ngày nay, cộng đồng quốc tế càng ngày càng hiểu sâu sắc hơn, càng có thiện cảm lớn hơn đối với Việt Nam, một phần bởi họ hiểu và khâm phục văn hóa Việt Nam. Như vậy di sản văn hóa còn có vai trò rất quan trọng trong mở cửa, hợp tác quốc tế. Những ngày Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Việt Nam quan khách dễ cảm nhận một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện, đáng tin cậy thông qua con người và văn hóa Việt Nam. Rõ ràng di sản không chỉ là chuyện của quá khứ mà còn là chuyện của hiện tại và tương lai. Và với nhận thức như vậy, Việt Nam trở thành đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế. Vậy là, văn hóa không chỉ là văn hóa mà còn là chính trị, kinh tế một cách tự nhiên nhất, sâu sắc và bền vững nhất.
Ngày 23 tháng 11 hằng năm không chỉ là ngày để kỷ niệm mà là ngày để chúng ta hành động, hành động kết nối cộng đồng, kết nối quá khứ - hiện tại – tương lai dân tộc trên con đường phát triển thịnh vượng, vững bền. Chúng ta học tập và làm theo Bác Hồ, chúng ta mãi mãi ghi nhớ lời Bác dạy: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Trong sự nghiệp xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc, ngọn đuốc văn hóa càng cần được thắp sáng, giương cao hơn nữa để đường đi của dân tộc hiện rõ cho toàn xã hội hướng về một hướng, đồng tâm, hợp lực làm nên những kỳ tích của thời đại mới. Những kỳ tích ngày hôm nay lại sẽ là di sản cho đời sau, truyền lại mãi mãi thành mạch nguồn vô tận sự phát triển trường tồn của dân tộc. Vậy là: Không một ai, không bao giờ lãng quên di sản!
TS. Nguyễn Viết Chức