Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang năm 2024:

Tôn vinh những giá trị đặc sắc của Cao nguyên đá Đồng Văn

THỦY TRÚC; ảnh: LÊ VIỆT KHÁNH

VHO - Nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ của núi non và những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số ở vùng cực Bắc Tổ quốc, nhiều năm nay Hà Giang được du khách lựa chọn là điểm đến hấp dẫn.

Tôn vinh những giá trị đặc sắc của Cao nguyên đá Đồng Văn - ảnh 1
Mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang

 Kết nối văn hóa và du lịch

Một trong những sự kiện văn hóa nổi bật ở Hà Giang là Lễ hội hoa tam giác mạch, diễn ra hằng năm vào khoảng tháng 10 và tháng 11, khi những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ khắp các thung lũng, triền đồi. Lễ hội không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa biểu tượng của miền biên viễn này, mà còn là dịp để quảng bá du lịch và giới thiệu bản sắc văn hóa của Hà Giang đến du khách trong và ngoài nước.

Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên đá Hà Giang, miền đất khắc nghiệt nhưng đầy thơ mộng, mang trong mình câu chuyện về sức sống mãnh liệt của người dân vùng cao. Hoa tam giác mạch có vòng đời ngắn nhưng nở rực rỡ, mang sắc tím hồng lãng mạn và đốn tim hàng triệu du khách.

Từ loài cây cứu đói, hoa tam giác mạch đã trở thành biểu tượng của miền đá Hà Giang, Lễ hội hoa tam giác mạch sau hàng chục lần được tổ chức đã trở thành sản phẩm đặc trưng, thương hiệu của du lịch Hà Giang. Cây tam giác mạch cũng trở thành một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hà Giang, được sử dụng để sản xuất bột làm bánh, bia và nhiều sản phẩm khác. Nhờ vào sự phát triển của du lịch, các sản phẩm từ tam giác mạch đã được biết đến rộng rãi và trở thành một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Hằng năm, khi đến mùa hoa nở, các thung lũng, sườn đồi ở Hà Giang khoác lên mình một tấm áo rực rỡ với sắc hồng phớt, hồng tím nhẹ nhàng, lãng mạn của hoa tam giác mạch, tạo nên một cảnh quan kỳ ảo mà hiếm nơi nào có được. Đối với những người yêu thích thiên nhiên, mùa hoa tam giác mạch là thời điểm lý tưởng để hòa mình vào vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa mềm mại của sông núi Hà Giang và cảm nhận sự bình yên của những ngôi làng bản nằm lưng chừng núi.

Bức tranh văn hóa rực rỡ

Lễ hội hoa tam giác mạch không chỉ đơn thuần là một dịp để ngắm hoa, mà còn là một sự kiện văn hóa quy mô lớn, nơi các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Hà Giang được tôn vinh và phát huy. Lễ hội thu hút sự tham gia của nhiều cộng đồng dân tộc như Mông, Dao, Tày, Lô Lô… với nhiều hoạt động đặc sắc từ biểu diễn nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian, đến các phiên chợ vùng cao, tất cả tạo nên một không gian văn hóa sôi động và hấp dẫn.

Đại diện Sở VHTTDL Hà Giang khẳng định: “Lễ hội hoa tam giác mạch không chỉ là cơ hội để quảng bá du lịch, mà còn là dịp để giới thiệu và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại đây. Sự kiện này cũng góp phần mang lại lợi ích về kinh tế và đóng góp quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh Hà Giang như một điểm đến du lịch văn hóa độc đáo”.

Lễ hội hoa tam giác mạch vừa là dịp để giới thiệu vẻ đẹp của thiên nhiên Hà Giang vừa là cầu nối quan trọng giữa văn hóa và du lịch. Sự kiện đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách từ khắp nơi đến với Hà Giang, đặc biệt là trong bối cảnh du lịch bền vững và du lịch trải nghiệm đang ngày càng phát triển.

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, tỉnh Hà Giang đã không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, từ hệ thống giao thông, khách sạn, nhà nghỉ đến các dịch vụ du lịch như hướng dẫn viên bản địa, các tour du lịch khám phá văn hóa và thiên nhiên. Sự phát triển này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm của du khách, mà còn tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch.

Lễ hội hoa tam giác mạch ngoài quảng bá văn hóa và hình ảnh điểm đến còn là động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là ngành Du lịch và ngành Nông nghiệp. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng du khách, người dân tại các bản làng đã có cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch, từ việc mở homestay, nhà hàng, đến việc bán các sản phẩm nông sản địa phương như rượu ngô, mật ong, thảo dược, các sản phẩm từ hoa tam giác mạch…

Tôn vinh những giá trị đặc sắc của Cao nguyên đá Đồng Văn - ảnh 2
Từ loại cây cứu đói, hoa tam giác mạch trở thành biểu tượng của miền đá Hà Giang

Sự kiện này cũng đã góp phần quan trọng trong việc khẳng định thương hiệu du lịch văn hóa của Hà Giang. Với những nỗ lực không ngừng trong việc tổ chức và quảng bá lễ hội, Hà Giang đã trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà còn với du khách quốc tế.

Thể hiện sự kết nối mạnh mẽ giữa văn hóa và du lịch, Lễ hội hoa tam giác mạch cho thấy Hà Giang không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn có những giá trị văn hóa độc đáo. Đây là yếu tố quan trọng giúp tỉnh Hà Giang nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế thời gian gần đây. Ngoài việc tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng, đây còn là biểu tượng cho sự phát triển bền vững và sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, văn hóa và kinh tế. Mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho du khách, Lễ hội hoa tam giác mạch còn đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phát huy hiệu quả giá trị di sản

Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ X, năm 2024 được tổ chức nhằm phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Đồng Văn.

Đồng thời, đây là dịp để tôn vinh những giá trị đặc sắc, hình ảnh đẹp về cuộc sống, con người và các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có, phát huy hiệu quả giá trị di sản danh thắng cũng như tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Đồng Văn đến với du khách trong nước và quốc tế, giới thiệu tới đông đảo du khách khi đến với Đồng Văn để trải nghiệm và khám phá. Sự kiện này cũng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bắt đầu từ tháng 9.2024 đến hết tháng 12.2024, Lễ hội năm nay được tổ chức tại các điểm tham quan và trung tâm thị trấn Đồng Văn. Công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ sớm, trong đó huyện Đồng Văn đã quy hoạch trồng hoa tam giác mạch, lựa chọn giống hoa và đảm bảo thời gian hoa nở kéo dài từ đầu tháng 10 cho đến hết tháng 12, chia làm 3 trà trên diện tích hơn 200 ha.

Chương trình khai mạc Lễ hội dự kiến diễn ra tháng 11.2024 với chủ đề “Miền hoa thương nhớ” tại Quảng trường Thanh niên huyện Đồng Văn. Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra hoạt động: Trưng bày hoa tam giác mạch; trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, nông sản, ẩm thực và dược liệu địa phương; trình diễn và trải nghiệm các công đoạn dệt lanh; thêu tay trang phục truyền thống; chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ dân tộc truyền thống; hoạt động giao lưu giữa người dân địa phương và du khách; tổ chức hội thi văn nghệ, thể thao truyền thống, hoạt động tại sân phố cổ Đồng Văn…

Ngoài ra, có các hoạt động phụ trợ trong khuôn khổ Lễ hội như: Khánh thành các công trình hạ tầng du lịch tại thị trấn Đồng Văn; tổ chức Lễ cúng thần rừng và công bố Quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ cúng rừng dân tộc Cờ Lao xã Sính Lủng; tổ chức Lễ Chùa Quan Âm thị trấn Phố Bảng; hoạt động tại các điểm dừng chân, các làng văn hóa du lịch tiểu biểu…

Du khách có thể tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần (bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 12.2024). Người dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc tại địa phương để hướng dẫn và chụp hình cùng du khách; du khách cùng với người dân tham gia các hoạt động trải nghiệm, tham quan tại các khu, điểm du lịch; bố trí các dịch vụ sinh hoạt cần thiết cho du khách.

Với vẻ đẹp mê hoặc của hoa tam giác mạch, những hoạt động văn hóa đặc sắc và sự phát triển du lịch bền vững, lễ hội này đã trở thành một sự kiện không thể thiếu trong hành trình khám phá miền Bắc Việt Nam.