Xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch trở lại Hà Giang
VHO - Ngày 14.10, tại Hà Nội, Sở VHTTDL Hà Giang đã tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp và cơ quan truyền thông nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang.
Nâng cao vị thế điểm đến Hà Giang
Hoạt động này nhằm gặp gỡ, trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 (Yagi), tăng cường kết nối doanh nghiệp và truyền thông để thu hút khách du lịch quay trở lại Hà Giang.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang cho biế: Mặc dù là tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Hà Giang cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch, cơ quan truyền thông, du lịch Hà Giang đã có bước phát triển vượt bậc.
Vị thế của Hà Giang được khẳng định qua các danh hiệu quốc tế như “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023” và “Điểm đến du lịch văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024” do Tổ chức World Travel Awards (WTA) vinh danh.
Vừa qua, hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại cho hạ tầng du lịch của Hà Giang, khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở, các điểm du lịch nổi tiếng phải đóng cửa tạm thời, nhiều tour du lịch bị hoãn huỷ.
Ngành Du lịch Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục hậu quả và đón du khách quay trở lại. Các tuyến đường sạt lở nhanh chóng được sửa chữa, cải tạo cơ sở hạ tầng, đảm bảo thông tin liên lạc và vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, các khu vực trồng hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang và các điểm tham quan lịch sử, danh lam thắng cảnh... cũng được tổ chức lại (muộn hơn so với mọi năm) để tạo sức hút mới cho du khách.
Dự và phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã gửi lời hỏi thăm và chia sẻ sâu sắc đến Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh Hà Giang cũng như các tỉnh miền Bắc về những thiệt hại nặng nề mà các địa phương đã trải qua do ảnh hưởng của cơn Bão số 3 trong thời gian vừa qua.
Tại Hà Giang, cơn bão đã mang theo mưa lớn và lũ quét, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng dẫn đến các điểm du lịch như: Cao nguyên đá Đồng Văn, Mã Pì Lèng, hay Quản Bạ đã bị sạt lở, tắc nghẽn nghiêm trọng.
Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ và các cơ sở lưu trú khác khi đó cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình đón tiếp du khách, do cơ sở vật chất bị hư hỏng hoặc nguồn cung cấp điện nước bị gián đoạn.
Đặc biệt, cơn bão đã làm ảnh hưởng đến các sự kiện văn hóa, lễ hội du lịch quan trọng của tỉnh, vốn là những dịp để thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
“Sự gián đoạn này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp du lịch mà còn tác động trực tiếp đến đời sống của cộng đồng cư dân địa phương đang trực tiếp tham gia kinh doanh, khai thác các hoạt động dịch vụ du lịch”, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hà Giang vẫn là một điểm sáng của Du lịch Việt Nam, vững vàng vươn lên sau đại dịch Covid-19.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2024, Hà Giang đã đón trên 2,45 triệu lượt du khách (trong đó: 290 nghìn khách quốc tế và 2,17 triệu lượt), tăng 14,3% so với cùng kỳ; đạt 77,1% so kế hoạch năm; tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 6.120 tỉ đồng.
Kết quả này đã góp phần vào thành tích chung của ngành Du lịch cả nước, tháng 9.2024, cả nước đón gần 1,3 triệu lượt khách quốc tế, 6 triệu khách nội địa.
Tính chung 9 tháng 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 12,7 triệu lượt, khách nội địa đạt 95,5 triệu. Tổng doanh thu từ khách du lịch 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 637,7 nghìn tỉ đồng.
Điểm đến “hot” với du khách quốc tế
Những con số còn ấn tượng hơn khi Hà Giang đã chuyển mình từ một điểm chủ yếu hấp dẫn khách nội địa trong những năm qua nhưng đã thành một điểm đến rất “hot” của khách du lịch quốc tế sau đại dịch Covid-19.
Cơ sở hạ tầng lưu trú đã được quan tâm, có sự phát triển và đạt kết quả ấn tượng, tính đến tháng 9.2024, toàn tỉnh có 982 cơ sở lưu trú, tăng 108 cơ sở so với cùng kỳ.
Với những nỗ lực vượt bậc của ngành Du lịch Hà Giang trong những năm gần đây cả về công tác xúc tiến quảng bá và phát triển sản phẩm, thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang và nhất là Sở quản lý chuyên ngành với người đứng đầu là Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang Nguyễn Hồng Hải.
Để ngành Du lịch Hà Giang tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trên tầm cao mới, với giai đoạn phát triển mới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị tỉnh Hà Giang tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.
Có kế hoạch chủ động về nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường trọng điểm nối liền các điểm du lịch, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách trong mùa mưa bão.
Triển khai các chương trình hỗ trợ và khôi phục nhanh chóng các cơ sở lưu trú, các điểm tham quan du lịch bị ảnh hưởng. Đây là những hoạt động cần thiết để sớm ổn định tình hình, khôi phục niềm tin của du khách đối với Hà Giang như một điểm đến an toàn và hấp dẫn.
Thường xuyên vận động, tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp đoàn kết, chung tay dọn dẹp vệ sinh đường phố, làm mới cảnh quan bản làng, khu, điểm du lịch, di tích, cơ sở lưu trú trên địa bàn sau bão lũ để sẵn sàng mọi điều kiện sớm đón khách du lịch trong và ngoài nước.
Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh các điểm đến, các sản phẩm du lịch Hà Giang trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội và coi đây là biện pháp tối ưu.
Trong đó, nhấn mạnh chủ đề “Hà Giang - Điểm đến mới nổi hàng đầu Châu Á’’ và “ Hà Giang - Điểm đến Văn hóa khu vực hàng đầu Châu Á” gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng và vẻ đẹp của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Qua đó, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hà Giang.
Chủ động và tăng cường kết nối hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong khu vực và các địa phương trong cả nước, tiếp tục tham gia và chủ động trong các sự kiện của chương trình hợp tác 6 tỉnh Việt Bắc, khối hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM, với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long….
Tiếp tục chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đây chính là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho du lịch địa phương và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương, Cục Du lịch Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Du lịch Hà Giang để hỗ trợ tối đa các hoạt động của du lịch Hà Giang.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp du lịch cùng chung tay đưa Hà Giang sớm trở thành một điểm đến văn hóa, sinh thái hàng đầu trong khu vực ASEAN và Việt Nam.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp đã tập trung vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Giang, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và xây dựng các sản phẩm du lịch mang bản sắc địa phương.
Các đại biểu cũng cho rằng, để thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế và trong nước, Hà Giang cần tiếp tục cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nhằm đón tiếp các đoàn khách lớn; đầu tư phát triển hệ thống khách sạn 4-5 sao và thu hút các dòng khách cao cấp. Tăng cường xúc tiến, quảng bá tại thị trường quốc tế nhằm nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đặc trưng và mang đậm bản sắc văn hoá.
Trước đó, từ ngày 6-9.10, Sở VHTTDL Hà Giang phối hợp với Hội Lữ hành G7 tổ chức đoàn khảo sát và toạ đàm “Văn hóa, sức mạnh nội sinh gắn với phát triển du lịch bền vững” với sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc.
Đoàn đã khảo sát các tuyến, điểm chính của Hà Giang, đặc biệt là khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Sau chuyến khảo sát, các doanh nghiệp du lịch đánh giá, giao thông và dịch vụ du lịch ở Hà Giang hiện nay đã thông suốt, hoạt động bình thường và sẵn sàng đón khách trở lại.