Đắk Lắk:

Tập huấn di sản cồng chiêng gắn với hành trình di sản Tây Nguyên

NGUYÊN ĐỨC

VHO - Trong 2 ngày 21 và 22.11, Sở VHTTDL Đắk Lắk phối hợp với Cục Di sản văn hóa tổ chức đợt tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

 Đây là lần đầu tiên, địa phương tổ chức tập huấn chuyên đề gắn với di sản văn hóa phi vật thể Tây Nguyên, trên tinh thần thực hiện Quyết định 2539 phê duyệt Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ “Dự án Mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng”;  một phần chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tập huấn di sản cồng chiêng gắn với hành trình di sản Tây Nguyên - ảnh 1
Đắk Lắk đang tập trung phát triển thế mạnh văn hoá gắn với di sản cồng chiêng

Ông Lại Đức Đại, Phó giám đốc Sở nhìn nhận, phát triển văn hóa làm cơ sở giúp đỡ người dân các dân tộc thiểu số tại địa phương, hỗ trợ các thôn buôn tự lực vươn lên, xây dựng những giải pháp kinh tế hiệu quả, là định hướng đã được Sở VHTTDL Đắk Lắk đặt ra từ lâu.

Sở đã phối hợp các cấp chính quyền cơ sở, tổ chức nhiều mô hình xây dựng nếp sống mới, giải pháp làm ăn kinh tế trong người dân. Đặc biệt, với di sản cồng chiêng, vận động các thôn buôn tích cực tham gia bảo vệ, tôn tạo, gắn kết với hoạt động du lịch, xây dựng bền vững các tập tục, nghi lễ… đã được địa phương chú ý xúc tiến trong thời gian qua.

Theo đó, đợt tập huấn này sẽ là cơ hội tốt để giúp cộng đồng người dân tự hào hơn về giá trị di sản họ đang nắm giữ, qua đó thúc đẩy họ tích cực bảo vệ, phát huy giá trị di sản, trao truyền chia sẻ tri thức, kỹ năng chế tác và sử dụng nhạc cụ trong các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, tiến đến xây dựng các điểm đến du lịch, hỗ trợ đời sống cho cộng đồng chủ thể.