Đón bằng công nhận lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VHO - Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trình diễn lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình.
Lãnh đạo Sở VHTT Quảng Bình trao chứng nhận lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Chiều 18.11, tại bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã diễn ra lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trình diễn lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy và tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày 6.3.2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 471 công nhận lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy là nét văn hóa đặc sắc, được đồng bào gìn giữ và duy trì trong cộng đồng từ xưa đến nay. Mục đích tổ chức lễ hội là để cám ơn các vị thần linh đã cho dân làng một mùa màng bội thu; đồng thời là dịp để cầu phúc, cầu sức khỏe cho dân làng được an bình, hạnh phúc.
Tổ chức phần lễ mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy phải có cột nêu. Cột nêu thường được đặt ở vị trí trung tâm tại địa điểm tổ chức lễ hội. Cột nêu trang trí hình cây lúa, có buộc các túm lúa sai hạt vào cột. Trên cột nêu trang trí hình học đơn giản, hình chim muông, mặt trăng, mặt trời… với các đường nét thanh thoát. Người Bru-Vân Kiều ở Ngân Thuỷ thường dùng 2 màu đen, đỏ để trang trí các họa tiết trên cột nêu.
Trình diễn lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy
Điều bắt buộc tại lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ phải có một dĩa cơm nếp mới do chính gia đình, dòng họ làm ra. Cùng với đó là các ống cơm nếp trắng và cơm nếp than đựng trong ống lồ ô nướng trên bếp than. Trên mâm lễ còn có bát nước trong và những bông hoa được làm từ cây tre tượng trưng cho những bông lúa để cúng Giàng. Lễ vật còn có thịt của một con vật 4 chân (bò, dê, hoặc lợn) và ché rượu cần được ủ lâu năm.
Khi phần lễ được tổ chức xong, đồng bào hào hứng tham gia phần hội với các điệu hát o oát, sa nớt, chà chấp… và những trò chơi dân gian như chơi xà hùa, bóng má, cháy xà rì. Trong bữa cơm mới đầm ấm, sum vầy, bà còn chúc nhau sức khỏe, cầu mong về một vụ mùa bội thu, mưa thuận gió hoà.
Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, cầu mong cuộc sống bình an, sản xuất thắng lợi, mùa màng bội thu. Thông qua lễ hội góp phần nâng cao nhận thức của chủ thể văn hóa trong việc giữ gìn, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp thu, kế thừa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Quang cảnh buổi hội thảo khoa học
Cùng ngày, Sở VHTT Quảng Bình đã tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.
Hội thảo tập trung trao đổi, đề xuất các giải pháp xây dựng, thực hiện các chính sách để huy động nguồn lực; động viên, tôn vinh những nghệ nhân và chủ thể đang bảo tồn, thực hành lễ hội và xây dựng các chương trình, kế hoạch; xác định, đề cao, phát huy vai trò cộng đồng; nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động liên quan đến lễ hội để phục vụ khai thác, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch.
TÂN BÌNH