"Lỗ hổng" kịch bản trong phim truyền hình Việt:
Biên kịch thiếu trải nghiệm cuộc sống?
VHO - Phim truyền hình Việt những năm trở lại đây thực sự sôi động khi nhiều tác phẩm mới, hấp dẫn được sản xuất, lên sóng liên tục. Dám dấn thân vào những đề tài gai góc, mới lạ là điều dễ nhận thấy trong các bộ phim. Tuy vậy, để có được một cái tên khiến khán giả “tâm phục khẩu phục” không phải chuyện dễ dàng…
Một số phim vì biên kịch không tìm hiểu kỹ kiến thức chuyên môn nên khán giả đã phải nhăn nhó “nhằn sạn” trong lúc thưởng thức món ăn tinh thần. Sau không ít lùm xùm, công chúng cho rằng, biên kịch hiện là khâu yếu nhất của phim truyền hình Việt.
Vội làm khi chưa tìm hiểu kỹ
Đi giữa trời rực rỡ đang nhận được nhiều sự quan tâm khi khắc họa cuộc sống của Pu, cô gái 18 tuổi người Dao đỏ đang trên con đường trưởng thành. Trong phim, người được ghép đôi với Pu là Chải, một thanh niên giàu nhất bản. Chải yêu Pu say đắm và tìm đủ cách để cưới cô. Điều này cũng gây không ít cản trở đối với Pu trên con đường “tìm cái chữ”.
Bên cạnh những lời khen về cảnh quay hùng vĩ và nên thơ của non nước Cao Bằng, kết hợp với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào, mạch phim gần gũi với giới trẻ, khán giả nhận thấy phim có một số điểm không đúng với thực tế, trong đó có vấn đề về trang phục và cách sử dụng trang phục, tập quán của người Dao đỏ.
Cụ thể, trang phục đồng bào sẽ có thường phục và lễ phục. Thế nhưng trong Đi giữa trời rực rỡ, ê kíp sáng tạo chưa phân biệt được sự khác biệt của hai loại trang phục này nên đã để Pu mặc… lễ phục đi chăn trâu. Còn nhân vật Chải thì mặc yếm đỏ và hai mảnh vắt sau lưng, thuộc bộ lễ của phụ nữ Dao. Cùng với đó, thái độ của một số nhân vật cũng bị đánh giá là phản ánh sai lệch văn hóa ứng xử của đồng bào, khi xưng hô “mày - tao” với cán bộ. Nhiều người khẳng định, ngoài đời bà con ứng xử rất lịch sự, văn minh với cán bộ, có sự kính trên, nhường dưới chứ không “bỗ bã” như vậy.
Một bộ phim khác cũng khiến khán giả không tiếc lời chê là Biệt dược đen. Nằm trong series Cảnh sát hình sự vốn rất được mong chờ, thế nhưng những gì Biệt dược đen đem đến lại khiến người xem hoàn toàn thất vọng. Xây dựng kịch bản trong 2 năm, trải qua nhiều thay đổi nhưng phim vẫn có những tình tiết khó hiểu, phi lý. Trong đó, phân cảnh điều tra viên Dương tỏ ra thương xót thủ phạm thái quá, thậm chí còn có ý định bao che, không báo cáo về những manh mối mình có được cho tổ điều tra là “sạn” lớn khi xây dựng kịch bản. Là một cảnh sát, Dương phải “công tư phân minh”, việc thiếu lý trí, quyết đoán là điều cấm kỵ trong chuyên môn…
Thành bại tại kịch bản
Từ lâu ở mảng truyền hình, phim Hàn đã thể hiện sự vượt trội khi khai thác nhiều thể loại, đề tài khó như khoa học viễn tưởng, điều tra phá án, bạo lực học đường, bí mật ở giới giải trí, hậu trường trong đời sống quan chức... Càng khó, đội ngũ biên kịch phim truyền hình xứ sở Kim chi càng khiến khán giả ngạc nhiên khi “xoáy” rất sâu vào vấn đề, khai thác triệt để các nút thắt. Hơn nữa, họ luôn nhớ nằm lòng “sáng tạo phải đi đôi với thực tế” nên các bộ phim hiếm khi bị chê phi lý.
Ngược lại ở ta, cứ động đến đề tài khó là sẽ ít nhiều bộc lộ những “lỗ hổng” trong khâu kịch bản. Cũng vì “ngại” động chạm đến yếu tố “nhạy cảm” nên nhà đài chỉ chú mục làm phim gia đình… cho lành. Không thể phủ nhận, chúng ta đã và đang làm rất tốt ở mảng này. Song, khán giả mong muốn thấy được ở phim nhiều góc cạnh hơn, chuyển tải hơi thở cuộc sống nóng hổi thay vì chỉ xoay quanh những mâu thuẫn vụn vặt cứ lặp đi lặp lại…
Theo TS Bàn Tuấn Năng, Ủy viên Ban thường vụ Hội Trí thức khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng ban đại diện nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc”, làm phim truyền hình về đề tài DTTS, không thể chỉ đến tìm hiểu “qua” rồi về viết kịch bản, ngoài đi thực tế thì biên kịch phải kết hợp với tham khảo ý kiến chuyên gia. “Có khi phải sinh hoạt hàng tháng trời với bà con mới có thể phản ánh đúng về văn hóa, tập tục sinh hoạt của họ. Đồng bào luôn chào đón, mong muốn giúp đỡ các đoàn đến làm phim. Thế nhưng, đã làm thì phải làm cho đúng rồi mới tính đến chuyện hay”, TS Bàn Tuấn Năng bày tỏ.
Hiện nay, biên kịch phim truyền hình có nhiều phương tiện để học hỏi, tham vấn kiến thức chuyên môn. Vấn đề đặt ra là họ dành bao nhiêu thời gian nghiên cứu để có thể cho ra một kịch bản chỉn chu, logic. Rút kinh nghiệm từ những bộ phim trước, Độc đạo thuộc series Cảnh sát hình sự đang phát sóng trên VTV3 đã có sự tham khảo ý kiến từ cơ quan chuyên môn. Theo đạo diễn Trần Trọng Khôi, đây là bộ phim đề tài phòng chống tội phạm nên nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ và tư vấn của Bộ Công an. Thế nhưng vì phim mới phát sóng, khán giả cũng chưa thể nhận xét liệu Độc đạo có đi vào “vết xe đổ” của đàn anh Biệt dược đen hay không.
Thực tế, chỉ khi trong tay có kịch bản tốt, nhà sản xuất mới “liệu cơm, gắp mắm”, tìm cách thể hiện hấp dẫn để thu hút khán giả. Kịch bản dở thì diễn viên dù có nhập vai hay đến mấy, bối cảnh đầu tư kỳ công đến đâu cũng không thể “cứu” được bộ phim.