Phim Việt trên sóng giờ vàng:

Khán giả cần được… cười nhiều hơn

ĐÌNH TOÁN

VHO - Thị hiếu của công chúng đang thay đổi khi những bộ phim ôm đồm drama đã dần mất đi chỗ đứng. Thay vào đó, sản phẩm mang lại tiếng cười cùng thông điệp sâu lắng mới thực sự chiếm được cảm tình của người xem.

Khán giả cần được… cười nhiều hơn - ảnh 1

Những bộ phim mang tinh thần lạc quan, vui vẻ đang được lòng khán giả. Ảnh: Cảnh trong phim “Vui lên nào, anh em ơi”

 Thực tế, phim truyền hình nặng drama thời gian qua không những không được lòng khán giả mà còn nhận về phản ứng gay gắt vì cố “gò” tình tiết cho thành phân cảnh gây sốc, dẫn đến phim trở nên phi lý, thiếu thực tế.

Bi kịch hóa phim

Ngược trở về quá khứ, từ năm 2007, phim Việt giờ vàng trên sóng truyền hình bắt đầu nhận được nhiều hơn sự quan tâm của khán giả với các đề tài về nông thôn, tâm lý xã hội, gia đình, tình cảm… vì cách làm gần gũi, phản ánh đúng những gì diễn ra trong cuộc sống và pha chút kịch tính. Ở giai đoạn sau, khi nhắc đến những bộ phim thể loại này, không thể không kể đến Sống chung với mẹ chồng, Về nhà đi con - hai bộ phim thuộc dòng tâm lý, tình cảm nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Dẫu vẫn có drama nhưng ở mức vừa phải, như một thứ “gia vị” đậm đà giúp bộ phim có thêm những thông điệp sâu sắc.

Thế nhưng, thấy khán giả yêu thích, các nhà làm phim lại đua nhau khai thác đề tài này, dẫn đến quá lạm dụng khiến không ít bộ phim kéo dài lê thê, giảm chất lượng, khán giả mất kiên nhẫn. Cư dân mạng thường đùa nhau, Dưới bóng cây hạnh phúc xem mãi chưa thấy hạnh phúc đâu; Nơi giấc mơ tìm về chính là “ru ngủ” khán giả vì đã hết phim mà chẳng ai hiểu được ý nghĩa phim muốn chuyển tải. Đỉnh điểm, ở phần 2 của Chúng ta của 8 năm sau, người xem thực sự “tức điên” khi phim sa đà vào drama, “đầu voi, đuôi chuột”, phi lý đến không thể chấp nhận...

Hay gần đây nhất, Trạm cứu hộ trái tim được công chúng kỳ vọng là bộ phim giúp “nâng cao tư duy, chữa lành tâm hồn”. Thế nhưng, “nâng cao tư duy” lại là những cách thức các nhân vật sử dụng để lừa lọc, hãm hại lẫn nhau; còn “chữa lành tâm hồn” chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối sau hàng chục tập phim nhan nhản các tình huống “căng não” như cố ý bỏ thuốc tránh thai vào sữa của vợ, lừa nhau thế chấp sổ đỏ… Thậm chí, vì cố đẩy lên cao trào, biên kịch còn khiến phim trở nên xa rời thực tế, điển hình như trong một chi tiết, nhân vật Vũ (Trương Thanh Long) thân là bác sĩ nhưng lại bỏ rơi bệnh nhân đang chờ mổ vì nghe tin con gái người yêu gặp nạn. Cũng vì tình tiết này mà phim hứng chịu không ít chỉ trích và khiến thông điệp mà Trạm cứu hộ trái tim muốn truyền tải trở nên sai lệch, kệch cỡm.

Khán giả cần được… cười nhiều hơn - ảnh 2

 Cách đầu tư vào nhạc phim cũng từng giúp “Nhà trọ Balanha” gặt hái thành công

Cười… nhưng phải sâu cay

Nhìn lại thực trạng trên, có thể khẳng định khán giả đã dần quay lưng với sản phẩm truyền hình khiến họ phải căng thẳng, stress. Không thể phủ nhận về mặt truyền thông, những bộ phim “vừa xem, vừa tức” đều tạo được hiệu ứng, nhưng sau khi phim kết thúc, khán giả lại chẳng nhớ gì nhiều. Ngược lại, một số phim tâm lý xã hội, tình cảm gắn với yếu tố hài hước lại lấy lòng được khán giả, có thể kể đến Nhà trọ Balanha, Cuộc đời vẫn đẹp sao hay Vui lên nào, anh em ơi, Sao Kim bắn tim sao Hỏa… Dù có kịch tính nhất định, song đều “cài cắm” yếu tố hài hước để tránh bi kịch hóa và giúp người xem có được tiếng cười thoải mái sau một ngày học tập, làm việc mệt mỏi.

Bên cạnh đó, công thức chung dẫn đến thành công của một số phim có yếu tố hài hước là sử dụng chất liệu từ chính cuộc sống, nói không với triết lý “đao to, búa lớn”, nhưng lại không kém phần sâu cay. Để hút khán giả hơn, hướng đi mới được một số nhà làm phim áp dụng là đầu tư hơn cho mảng nhạc phim. Vui lên nào, anh em ơi là một trong số sản phẩm đang đi theo hướng này. Nhạc phim được sáng tác dựa trên thang âm ngũ cung, kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại, truyền tải thông điệp về sự lạc quan, vực dậy sau những vấp ngã. Cách đầu tư vào nhạc phim cũng từng giúp Nhà trọ Balanha gặt hái thành công.

Thực tế, những tựa phim gần gũi, mang hơi thở cuộc sống, ít drama không phải là bài toán khó đối với biên kịch Việt. Vẫn biết phim phải đầy đủ “hỉ, nộ, ái, ố”, nhưng nếu quá tập trung vào “nộ” và “ố”, phim ít nhiều sẽ mất chất và đôi khi mất đi cả tính logic. Điều này đến từ việc một số tay bút viết theo bản năng cái tôi của chính mình, nhưng lại quy chụp rằng càng gay cấn thì khán giả càng khoái.

Thực tế đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại, hướng người xem vào thông điệp ý nghĩa, tích cực, biết tạo ra những thước phim từ cảm xúc chân thật, tạo sự đồng cảm qua từng nhân vật thì dù là phản diện hay chính diện, phim vẫn có được sức hút. Ngoài ra, sản phẩm cũng cần có sự thống nhất trên trục từ đầu đến cuối, không quá sa đà vào drama, mọi “nút thắt” cần được giải quyết gọn gàng, mang tính nhân văn mới là món ăn tinh thần được người xem đón nhận.