Xây dựng Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư
VHO-Ngày 10.11.2022, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, khoản 4 Điều 23 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở giao “Chính phủ quy định chi tiết ...việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư”.
Hội thảo đánh giá việc thực hiện Đề án tăng cường thực thi pháp luật về thực hiện, xây dựng hương ước, quy ước giai đoạn đến năm 2021
Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật giao, ngày 12.12.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1529/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4. Theo đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước quy ước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Qua đánh giá tổng kết có thể nhận thấy thời gian qua việc xây dựng và thực hiện hương ước đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính tự chủ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy được dân chủ tại cơ sở, hạn chế được các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự, an ninh tại địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước đã phát sinh một số hạn chế còn tình trạng rập khuôn, máy móc, chạy theo số lượng khi xây dựng, nội dung còn chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng dân cư, còn hạn chế trong bảo đảm thực hiện hương ước, quy ước sau khi được công nhận.
Để quy định chi tiết Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, đặt ra yêu cầu cho việc xây dựng Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Theo đó dự thảo Nghị định phải bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; kế thừa các quy định còn giá trị tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg; bảo đảm phù hợp với thực tiễn xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại các địa phương; khắc phục một số tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Trên cơ sở mục đích, yêu cầu, Ban Soạn thảo đã xây dựng dự thảo Nghị định gồm 4 chương với 22 Điều. Theo đó có một số quy định mới, khác so với quy định hiện hành về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Đó là bổ sung thêm 2 nguyên tắc về bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và chỉ có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố; tách phạm vi nội dung và hình thức để quy định chi tiết hơn nội dung của hương ước, quy ước; tách riêng đề xuất với soạn thảo hương ước, quy ước, mở rộng các nhóm đối tượng được đề xuất ngoài trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, còn có công dân cư trú tại thôn, tổ dân phố; bổ sung hình thức thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội, hoạt động hợp pháp khác theo quy định;thay đổi thẩm quyền công nhận từ UBND cấp huyện, xuống UBND cấp xã, bổ sung làm rõ trình tự, thủ tục công nhận, hồ sơ đề nghị công nhận; phân định rõ trường hợp hương ước, quy ước vi phạm thì UBND cấp xã quyết định sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, tạm ngừng thực hiện, trường hợp cộng đồng thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, trình tự, thủ tục chặt chẽ, rõ trách nhiệm; bổ sung quy định về nội dung, trình tự, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện chế độ báo cáo, thống kê;bổ sung làm rõ các trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước là UBND cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, tổ chức, cá nhân liên quan; bổ sung kinh phí hỗ trợ việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư từ nguồn ngân sách của địa phương, phù hợp với điều kiện ngân sách ở địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Ban Soạn thảo mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cộng đồng dân cư đã, đang xây dựng và nỗ lực thực hiện các hương ước, quy ước với tinh thần thượng tôn pháp luật, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó hương ước như sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử văn hóa giữ gìn nét đẹp truyền thống của cộng đồng dân cư, tích ứng, góp phần xây dựng cuộc sống mới, thực hành dân chủ ở cơ sở đã và đang được pháp luật công nhận và từng bước hoàn thiện các quy định để thực sự phát huy trong đời sống văn hóa xã hội. Ban Soạn thảo xin gửi kèm theo dự thảo Nghị định và tiếp nhận mọi góp ý gửi về Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc theo địa chỉ hòm thư điện tử: vpc@bvhttdl.gov.vn trước ngày 30.3.2023.
Xin xem toàn văn dự thảo Nghị định: [EasyDNNnewsDocument|205]
VỤ PHÁP CHẾ (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)