Hướng tới Lễ kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024):
Tấm lòng của Bác với thương binh, gia đình liệt sĩ
VHO - Tấm lòng của vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước dành cho thương binh và gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng được thể hiện nhất quán, cụ thể, thiết thực, với những lời nói và hành động cụ thể, xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”; đồng thời nhắc nhở: “Chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”.
Những quyết sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ
Trong suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhiều người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã anh dũng hy sinh cả tuổi thanh xuân hoặc một phần thân thể cho sự nghiệp cao cả vì độc lập - tự do. Kế thừa, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và những giá trị đạo đức cách mạng tốt đẹp, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng hiểu rõ giá trị nhân văn của sự hy sinh lớn của các liệt sĩ, thương binh đối với dân tộc, với đất nước.
Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn phải đối phó với “thù trong giặc ngoài” để bảo vệ nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ mới thành lập sau Cách mạng tháng Tám, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng để ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh và gia đình liệt sĩ. Ngày 16.2.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20 đặt ra “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Đây là văn bản đầu tiên về chế độ, chính sách đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ. Tiếp đó, ngày 19.7.1947, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Bộ Thương binh, cựu binh (nay là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Ngày 3.10.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 101 về thành lập Sở, Ty thương binh, cựu binh ở khu, tỉnh. Sắc lệnh này là cơ sở để thực hiện đồng bộ trên cả nước chế độ, chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với những người có công với cách mạng. Thương binh, gia đình liệt sĩ phần nào được động viên, chia sẻ và bớt đi những mất mát mà họ đã, đang phải trải qua.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh toàn quốc để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh Thái Nguyên đã họp ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ và nhất trí lấy ngày 27.7 hằng năm làm ngày “Thương binh toàn quốc”.
Nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên (27.7.1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Thường trực của BTC Ngày thương binh toàn quốc, nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh. Chính Bác đã nêu gương hành động khi gửi tặng một chiếc áo lụa của chị em phụ nữ biếu Người, một tháng lương của Người, tiền một bữa ăn của Người và của các nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch, tổng cộng là 1.127 đồng (trích Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021).
Hành động của Bác đã khởi đầu cho những nghĩa cử cao đẹp nhân ngày “Thương binh - Liệt sĩ” hằng năm của đất nước. Năm nào cũng vậy, gần đến ngày 27.7, Bác lại viết thư kêu gọi đồng bào sẵn lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, và Bác luôn đóng góp phần mình, khi là chiếc áo, khi là tấm khăn, khi là trọn một tháng lương... Những bức thư, những lời kêu gọi của Bác trong ngày này nói riêng, các ngày lễ, ngày Tết nói chung đều giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc, trở thành những bài học quý báu cho các đồng chí thương binh: Dù có thương tật nhưng vẫn phải tùy sức mình mà đóng góp với đất nước, không được ỷ lại, công thần; Phải làm sao xứng đáng là những “người con trung hiếu” của đất nước, những “công dân kiểu mẫu”... Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn nhắc nhở lãnh đạo quân đội, lãnh đạo ngành Lao động phải coi trọng công tác thương binh, biết rõ tình hình thương binh, xúc tiến tổ chức an dưỡng cho thương binh, chăm lo cho gia đình liệt sĩ...
Phát huy truyền thống tốt đẹp, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Không những thế, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến thăm anh chị em thương binh tại các trại điều dưỡng, bệnh viện hoặc đón tiếp họ tại nơi ở và làm việc của Người. Đêm Giao thừa năm 1956, Bác đến thăm Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội, động viên anh em “tàn nhưng không phế”. Lời động viên của Bác đã trở thành khẩu hiệu hành động, phương châm sống để nhiều người quên đi những suy nghĩ tiêu cực, chán nản, nỗ lực phấn đấu vượt lên hoàn cảnh, học tập, nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tốt nghiệp cấp III, đại học...
Rất nhiều thương binh, anh hùng dũng sĩ, gia đình liệt sĩ được gặp Bác, được Bác động viên, thăm hỏi đã ghi nhớ không bao giờ phai mờ tình yêu thương và sự quan tâm của vị lãnh tụ tối cao nhưng lại gần gũi như người cha, người ông trong gia đình. Tháng 1.1947, khi nghe tin chiến sĩ tự vệ thủ đô Vũ Văn Thành, con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng đã anh dũng hy sinh, Bác gửi thư thăm hỏi tới gia đình, chia sẻ nỗi đau mất mát như chính con ruột của mình. Năm 1950, gặp gỡ anh hùng La Văn Cầu lên báo cáo thành tích sau Chiến dịch Biên giới, thấy anh bỡ ngỡ, lúng túng, thỉnh thoảng Bác dùng xen tiếng dân tộc cho thêm gần gũi. Bác dặn đồng chí anh nuôi nhớ nấu bát canh ngon để anh La Văn Cầu bồi dưỡng. Biết anh bị thương mất nhiều máu, bị sức ép của bộc phá, lại đi đường xa còn yếu nên không nói được to, Bác nhắc mọi người trong cơ quan ngồi nhích lại để nghe cho rõ, để anh nói đỡ mệt...
Rất nhiều chi tiết nhỏ, câu chuyện ngắn nhưng ý nghĩa lớn lao nhưng đã thể hiện sự quan tâm, tình cảm lớn lao của một vị lãnh tụ lớn, một nhân cách cao cả, “Ôm cả non sông, mọi kiếp người”!
Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người và gia đình có công với đất nước, đảm bảo đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú”. Đó cũng là điều mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Bộ trưởng Bộ thương binh - Cựu binh (tháng 7.1951) là làm cho thương binh, gia đình liệt sĩ được “Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”.