Kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi (1.6.1950 - 1.6.2024):

“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”

PHẠM BÁ NHIỄU

VHO - Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam của nhạc sĩ Phong Nhã vẫn vang vọng mỗi dịp Tết thiếu nhi. Sinh thời, cứ đến ngày 1.6 và Trung thu (15.8 âm lịch), Bác thường cho mời các bạn nhỏ vào Phủ Chủ tịch vui chơi và cùng cất lên những khúc ca rộn rã…

“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” - ảnh 1
Bác Hồ và các cháu thiếu niên - nhi đồng tại Phủ Chủ tịch (ảnh tư liệu)

Ngày Quốc tế Thiếu nhi bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử đáng buồn song rất khó quên của nhân loại. Sự kiện xảy ra những năm 1942-1944. Rạng sáng ngày 1.6.1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), bắt đi 173 đàn ông, 196 phụ nữ và trẻ em. Sau đó, chúng đã tàn sát 66 người và đưa 104 trẻ em vào trại tập trung. Hai năm sau, ngày 10.6.1944, chúng lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), dồn hơn 400 người vào một nhà thờ, trong số đó có hơn 100 trẻ em rồi phóng hỏa. Đó là những tội ác không thể tha thứ của bọn phát xít khiến toàn nhân loại căm phẫn.

Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc xã sát hại, năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế quyết định lấy ngày 1.6 hằng năm làm Ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm để chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống trẻ em, giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Và kể từ năm 1950, 1.6 hằng năm được lấy là Ngày của thiếu nhi.

“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” - ảnh 2
Bác Hồ và các cháu thiếu niên - nhi đồng tại Phủ Chủ tịch (ảnh tư liệu)

Ngày Quốc tế thiếu nhi ở Việt Nam

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình thương yêu, sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt cho sự nghiệp trồng người. Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1.6 và Tết Trung thu hằng năm thật sự trở thành ngày hội vui chung của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế thiếu nhi đầu tiên ở Việt Nam 1.6.1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc đang bước vào thời kỳ cam go, ác liệt nhất, nhưng Bác vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu. Từ đó, hằng năm cứ đến ngày này, thiếu nhi cả nước lại hân hoan đón đọc thư chúc mừng của Bác Hồ.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Người đã hai lần nhắc đến thiếu nhi. Đoạn mở đầu Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta!...”. Đoạn kết Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”.

Hiện tại, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về trẻ em ngày càng được hoàn thiện. Luật Trẻ em do Quốc hội thông qua, quy định 25 điều về quyền trẻ em, thuộc 4 nhóm: Quyền sống còn; Quyền được bảo vệ; Quyền được phát triển; Quyền được tham gia. Quyền trẻ em là tất cả những gì các em cần có để được sống, lớn lên lành mạnh, an toàn. Không chỉ về mặt pháp lý, mà thực tế những hoạt động chăm lo cho lứa tuổi thiếu nhi đã được Bác Hồ cũng như chính quyền từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là tạo môi trường học tập và rèn luyện ở mức tốt nhất để các cháu học tập, rèn luyện và trưởng thành.

Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh

Năm 1961, tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã cho mời 2.000 cháu nhỏ lần lượt đến vui chơi nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6. Bác dành phòng khách sang trọng nhất tại Phủ Chủ tịch để làm nơi các cháu đưa tranh ảnh của mình vào triển lãm. Bác cho trang trí vườn hoa và trang bị âm thanh tốt nhất để cho các cháu ca hát, biểu diễn văn nghệ. Các cháu thích thú nhảy múa, nô đùa rồi nằm lăn ra bãi cỏ xanh mát rượi trước sân nhà sàn…

Tại những lần gặp gỡ như thế, Người luôn xúc động khi nghe các em đồng ca bài: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam. Nhạc sĩ Phong Nhã đã nói thay lời con trẻ khi lặp lại 4 lần câu “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”... như để nhắc nhớ mãi về tình cảm Người dành cho thiếu nhi và tình yêu của thiếu nhi dành cho Người: “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài/ Bác chúng em nước da nâu vì sương gió/ Bác chúng em thề cương quyết trả thù nhà/ Hồ Chí Minh kính yêu, chúng em kính yêu Bác Hồ Chí Minh trọn một đời/ Hồ Chí Minh kính yêu, Bác đã bao phen bôn ba nước ngoài vì giống nòi...”.

Tình yêu thương vô bờ bến được Bác thể hiện bằng tất cả tấm lòng của người ông, người bác, người cha và với tầm nhìn của một lãnh tụ thiên tài chăm lo cho thế hệ tương lai của nước nhà. Trong hoàn cảnh nào, và ở bất cứ đâu, Người cũng luôn nghĩ về con trẻ, hướng các em vào những hoạt động vui chơi bổ ích và nề nếp, kỷ cương. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn dành thời gian đi thăm các trường học, lớp mẫu giáo... để động viên, khuyên nhủ và cùng vui chơi với các cháu.

Cả cuộc đời hy sinh cho đất nước, cho nhân dân, nhưng trong sâu thẳm trái tim, những gì tốt đẹp nhất Người dành riêng cho thiếu niên, nhi đồng. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Người đã bày tỏ mong muốn: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không? Chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”… Và từ đó về sau, cứ đến ngày khai giảng là Bác lại gửi thư khen ngợi những tấm gương thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên khắp hai miền Nam - Bắc.

Trong thư gửi các cháu vào dịp Trung thu 1961, Bác viết: “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hòa bình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh!”.

Bác luôn mong mỏi: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác dạy chúng ta:“Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”… Dù đã đi xa, nhưng những lời căn dặn và tình cảm của Người mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu nhi nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung. Thấm đẫm tư tưởng của Người “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ quyền lợi trẻ em. Từ các bản Hiến pháp, các Bộ luật, Luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành hệ thống bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.