Công đoàn Khối tham mưu quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL:
Sôi động Gala Hài kịch chào mừng Ngày quốc tế thiếu nhi 1.6
VHO - Thiết thực hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, vừa qua tại Hà Nội, Công đoàn Khối tham mưu quản lý nhà nước (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát kịch Việt Nam tổ chức chương trình Gala Hài kịch đặc biệt dành tặng các cháu thiếu niên và nhi đồng là con em của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Khối.
Dự đêm Gala Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL Quản Văn Hải; Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ, Phó Chánh Văn phòng, Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Bộ Nguyễn Hữu Ngọc; đại diện lãnh đạo và Chủ tịch Công đoàn các đơn vị tham mưu quản lý nhà nước thuộc Bộ; các công đoàn viên, đặc biệt các cháu là con của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Khối tham mưu quản lý nhà nước Bộ VHTTDL.
Tại chương trình, đại biểu và các em thiếu nhi cùng nhau nhìn lại về lịch sử và bối cảnh ra đời của Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6. Theo đó, rạng sáng ngày 1.6.1942, phát xít Đức bao vây làng Lidice (Tiệp Khắc cũ, nay là Cộng hòa Séc), bắt 173 đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. 66 người đã bị sát hại và 104 trẻ em bị đưa vào trại tập trung, 88 em bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho phát xít.
Hai năm sau, ngày 10.6.1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Oradour (Pháp), dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt nhà thờ khiến những người bên trong thiệt mạng.
Để tưởng nhớ hàng trăm trẻ em vô tội bị phát xít Đức tàn nhẫn sát hại, năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế đã quyết định lấy ngày 1.6 hằng năm là ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm yêu cầu Chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống của thiếu nhi, yêu cầu giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1.6 trở thành Ngày Quốc tế thiếu nhi.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em, văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các cháu thiếu niên, nhi đồng. Người dạy rằng: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải kiên trì, bền bỉ. Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các bé cho tốt”.
Thực hiện lời căn dặn của Người, trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm rất đặc biệt cho thế hệ trẻ, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng. Nhất là trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã triển khai rất nhiều chính sách pháp luật đồng bộ, cụ thể tạo môi trường cho trẻ em được phát triển toàn diện, giúp cho trẻ em Việt Nam có nhiều điều kiện tốt hơn và thuận lợi hơn để học tập, vui chơi, rèn luyện, tu dưỡng và trưởng thành.
Cùng với cả hệ thống chính trị, Bộ VHTTDL đã có nhiều hoạt động thực chất để hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em, thông qua việc tham gia hoàn thiện về chính sách pháp luật về trẻ em; tổ chức các hoạt động chăm lo, đồng hành với trẻ em như: Các cuộc thi, liên hoan văn hóa, nghệ thuật tuổi thơ; các ngày hội văn hóa, thể thao, trại sáng tác được tổ chức trên khắp mọi miền Tổ quốc… qua đó đóng góp một phần quan trọng vào việc hình thành tính cách, lối sống văn hóa cho trẻ em, nâng cao thể chất và kỹ năng sống cho trẻ em.
Hòa vào dòng chảy chung của Bộ và ngành, các đơn vị tham mưu Khối quản lý nhà nước thời gian qua đã tổ chức được một số hoạt động sôi nổi, thực chất. Chương trình Gala hài kịch do Công đoàn Khối tham mưu quản lý nhà nước (Bộ VHTTDL) tổ chức, với sự hỗ trợ của Nhà hát Lớn Hà Nội, sự quan tâm đầu tư công phu của Nhà hát kịch Việt Nam, nhất là của NSND Xuân Bắc, người nghệ sĩ mà các em thiếu niên và nhi đồng vô cùng yêu mến đã mang những khoảnh khắc vui nhộn và tiếng cười sảng khoái cho các em thiếu nhi.