Sáng mai, Quốc hội sẽ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

TÙNG QUANG; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Theo chương trình dự kiến, sáng mai 27.11, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Sáng mai, Quốc hội sẽ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa - ảnh 1

Trong các lần  phát biểu tại Tổ và Hội trường nhằm làm rõ thêm các nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Việc xây dựng Chương trình với tinh thần vượt qua tư duy nhiệm kỳ, đồng thời luôn bám sát quan điểm xây dựng Luật không chỉ để quản lý nhà nước và còn kiến tạo cho sự phát triển. Trong quá trình triển khai thực  hiện sẽ phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 có 7 mục tiêu tổng quát, 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2035.

Trong đó, có một số chỉ tiêu đặt ra với mức phấn đấu tuyệt đối 100% như: Đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện).

Cũng theo Chương trình, đến năm 2035, phấn đấu 100% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; phấn đấu 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện; hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia...

Trong các lần phát biểu thảo luận tại Tổ và Hội trường nhằm làm rõ thêm các nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Việc xây dựng Chương trình với tinh thần vượt qua tư duy nhiệm kỳ, đồng thời luôn bám sát quan điểm xây dựng Luật không chỉ để quản lý nhà nước và còn kiến tạo cho sự phát triển. Trong quá trình thực hiện sẽ phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Chương trình đã đáp ứng yêu cầu bức thiết về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Văn hóa giữ vị trí đặc biệt vô cùng quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội. Văn hóa là động lực trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.

Trong thời kỳ mới, văn hóa lại càng cần được khẳng định vị trí hơn bao giờ hết, nhất là khi phát triển bền vững đã trở thành một nhu cầu tất yếu của mọi quốc gia.

Để đạt được điều đó, chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn vai trò của văn hóa vào sự phát triển, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội và mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững đất nước.

Trước đó, chiều 23.11, với 86,22% tỉ lệ đại biểu tán thành, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội chính thức thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Đồng thời giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Sáng mai, Quốc hội sẽ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa - ảnh 2

Việc Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa và chuẩn bị xem xét, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 đã một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa.

Việc Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa và chuẩn bị xem xét, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 đã một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa.

Đây cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội trong việc bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc cũng như tạo bước chuyển toàn diện trong phát triển văn hóa, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Quốc hội cũng đang thảo luận, cho ý kiến dự thảo Luật Quảng cáo. Việc xây dựng dự án Luật Quảng cáo là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, với việc thay đổi tư duy “làm văn hoá” sang “quản lý nhà nước về văn hoá”, đặc biệt được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các “điểm nghẽn” về thể chế tiếp tục được tháo gỡ.

Từ đầu năm, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 991/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1189/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Cùng với sự nỗ lực của toàn ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch với phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, việc tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực là cơ sở để sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch tiếp tục được khơi thông, thêm sức bật mới, chung sức, đồng lòng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.