Phê quyệt giai đoạn I Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

VHO- Ngày 14.10.2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Phê quyệt giai đoạn I Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi - Anh 1

Đồng bào dân tộc Mông tại chợ phiên Cán Cấu (Bắc Hà - Lào Cai)

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Phê quyệt giai đoạn I Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi - Anh 2

Các em nhỏ dân tộc Dao (Mộc Châu - Sơn La) tham gia tìm hiểu về Tết Trung thu

Chương trình đưa ra mục tiêu đến năm 2025 góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18.11.2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và tập trung thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên đến năm 2025 theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội.

Phê quyệt giai đoạn I Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi - Anh 3

Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn (Hà Giang) quảng bá văn hóa dân tộc mình qua những bộ trang phục truyền thống

Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông. 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%. Người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%. 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%. 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Phê quyệt giai đoạn I Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi - Anh 4

Đồng bào dân tộc Chăm (Ninh Thuận) tái hiện, quảng bá Lễ hội Ka Tê

Chương trình trên được thực hiện trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn), xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phê quyệt giai đoạn I Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi - Anh 5

Đồng bào dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế gìn giữ nghề dệt Zèng

Đối tượng của Chương trình là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (HTX), các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Dự kiến tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là trên 137 nghìn tỷ đồng.

 

Một số chỉ tiêu chủ yếu:

- Nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa tối thiểu 3.250 km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân; giải quyết nước sinh hoạt cho hơn 268.860 hộ; xây dựng hơn 800 công trình nước sinh hoạt tập trung. Xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho hơn 320 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, hơn 1.100 trường Phổ thông Dân tộc bán trú; 07 cơ sở dự bị đại học và đại học, 03 trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú khu vực.

- Giải quyết nhu cầu cấp thiết của hộ dân tộc thiểu số, trong đó:

+ Giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ;

+ Giải quyết nhà ở cho hơn 18.300 hộ;

+ Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ;

+ Giải quyết sinh kế cho hơn 271.800 hộ;

+ Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 236.700 hộ;

+ Hỗ trợ xây dựng hơn 800 công trình nước sinh hoạt tập trung với hơn 32.200 hộ thụ hưởng.

- Sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 81.500 hộ, bao gồm:

+ Bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do cho hơn 17.400 hộ;

+ Bố trí định canh, định cư cho hơn 9.300 hộ dân tộc thiểu số;

+ Bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng biên giới cho hơn 8.400 hộ;

+ Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn và khu vực cần thiết khác cho hơn 46.400 hộ.

- Thực hiện chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” cho hơn 5.000 em học sinh dân tộc thiểu số khó khăn/năm;

- Tối thiểu 80% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

- Đào tạo nghề cho khoảng 2,25 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 4 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;

- Tổ chức khoảng 320 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ 200 dự án sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; bảo tồn 120 lễ hội, 80 làng bản, buôn truyền thống phục vụ phát triển du lịch; xây dựng 240 mô hình văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số, 800 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư xây dựng 3.590 thiết chế văn hoá, thể thao thôn; hỗ trợ đầu tư xây dựng 80 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho khoảng 30.000 cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho hơn 60.000 người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức về chính sách dân tộc, công tác dân tộc cho hơn 224.900 cán bộ, công chức, viên chức.

10 dự án trọng tâm

Từ năm 2021 đến hết năm 2025, Chương trình sẽ triển khai 10 dự án.

Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.

Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.

Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Bài & ảnh: Vũ Mừng

Ý kiến bạn đọc