Nhớ một vị tướng, một người anh...
VHO- Lần đầu gặp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, chắc nhiều người sẽ ấn tượng và có đôi chút e dè trước cặp mắt sắc lẹm, như nhìn thấu tâm can người đối diện. Nhưng ngược với đôi mắt có uy ấy, mỗi khi ông cười thì đó là một nụ cười thật hiền. Giọng ông trầm, ấm áp, toát lên sự thẳng thắn, cởi mở nhưng chừng mực, chứa đựng năng lực thu phục người đối thoại…
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Chất “con nhà lính”
Tướng Vịnh là người quảng giao. Hằng năm nhà ông có hai dịp lễ trọng thường mời rất đông anh em, bạn bè tới dự. Đó là mùng 1 Tết dương lịch (kỷ niệm ngày sinh nhật) và đầu tháng Bảy (ngày giỗ của cha ông, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh). Những dịp này, khách mời lên tới hàng trăm người, ngoài các vị tướng, bạn đồng ngũ, đồng nghiệp, bạn thời đi học… còn có rất đông các văn nghệ sĩ, nhà báo, phóng viên. Có vẻ như ông luôn dành tình cảm đặc biệt trân quý với họ, điều này thể hiện khía cạnh khác của con người ông, bên cạnh một cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, một vị tướng tình báo và một người nhiều năm phụ trách lĩnh vực đối ngoại quốc phòng của quân đội ta. Tôi nghĩ, tính cách này ông thừa hưởng từ cha ông. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị đã rất quan tâm, am hiểu văn nghệ và văn nghệ sĩ, được giới văn nghệ sĩ yêu mến, kính trọng.
Tôi được gặp “anh Năm Vịnh” từ nhiều năm trước, nhưng chỉ thực sự được trò chuyện kỹ với ông trong khoảng 10 năm trở lại đây khi tôi tham gia giúp thầy tôi, võ sư, nhà văn Trần Việt Trung, một người bạn chí cốt của ông, hoàn thiện cuốn sách Quyền sư và tiếp theo là cuốn Sư đệ.
Trong cuốn Sư đệ có nhiều trang viết về tuổi học trò của các ông, con người thực và con người văn học hư cấu như hòa vào làm một, sinh động, mang những tính cách riêng khác của “con nhà lính”, dù hai ông đều là con của những vị tướng cao cấp trong quân đội. Ông Trung là con Thiếu tướng Trần Tử Bình, còn ông Vịnh là con Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, hai gia đình có mối quan hệ thân thiết từ lâu. Hai ông vừa là bạn đồng tuế, đồng học, lại cùng cảnh mồ côi cha khi mới lên 8 tuổi (tướng Trần Tử Bình và tướng Nguyễn Chí Thanh cùng qua đời vào năm 1967), từ đó hình thành khí chất quật cường, ngang tàng nhưng nghĩa khí, làm nên tình bạn đặc biệt giữa các ông. Cá nhân tôi nếu có nhận được sự tin cậy trìu mến của ông, có thể cũng vì là cùng chất “con bộ đội”.
Qua những lần gặp gỡ, trò chuyện, tôi ngạc nhiên khi biết một người bận bịu như ông hóa ra lại rất chăm đọc sách. Ông kể, khi đi công tác dài ngày, trên các chuyến bay xuyên quốc gia, xuyên đại dương, ông luôn mang theo chiếc máy đọc sách điện tử bỏ túi trong đó chứa những cuốn sách văn học mà ông yêu thích. Ông bảo, trên máy bay ông thường không ngủ mà đọc sách liên tục cho tới khi đến nơi. Ông có gu đọc riêng, ví dụ với truyện chưởng, chỉ đọc tiểu thuyết của Cổ Long chứ không thích Kim Dung. Ông cũng đọc nhiều văn học trong nước, có những lần gặp nhau, ông hỏi độp về một vài cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn mới xuất bản mà chính tôi còn chưa kịp cập nhật; hoặc chia sẻ về tác giả, tác phẩm mà ông quan tâm.
Trong những lần đó, ông thường hé lộ dự định viết sách của mình và nhắc tới nhiều nhất là sẽ viết về “ông Ba Quốc, ông thầy của anh”. Ông nói một cách chân thành, da diết, dường như nếu chưa hoàn thành cuốn sách này thì ông còn mắc một món nợ ân tình với thầy của mình. Và như chúng ta đã biết, tháng Ba năm nay, cuốn Người thầy đã ra mắt bạn đọc. Đọc sách, độc giả mới hiểu thêm về ông Ba Quốc (nhà tình báo Đặng Trần Đức), người thầy có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời binh nghiệp của “Năm Vịnh” cùng những chiến công của các chiến sĩ tình báo ở chiến trường K, ở biên giới phía Bắc hay các nước Đông Âu… vào những thời điểm đặc biệt khó khăn của cách mạng Việt Nam. Thời điểm ra mắt sách, chưa nhiều người biết ông đã lâm bệnh trọng, việc hoàn thành Người thầy là một nỗ lực phi thường của ông và công việc được tiến hành rất khẩn trương như là “sợ thời gian không còn kịp”.
Bao dự định còn dang dở…
Từ khi nghỉ hưu, theo quan sát của tôi, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là viết sách. Có thông tin nói rằng ông đã hoàn thành và dự định công bố hai cuốn sách nữa. Theo tôi nghe được từ ông thì còn khá nhiều dự định, đó là cuốn sách tập hợp hơn 100 truyện ông viết về người cha (đã cơ bản hoàn thành); sách viết về thời gian hoạt động chính trường; sách viết về người mẹ yêu thương của ông… Bên cạnh đó là những cuốn sách tổng kết về quân sự, chiến tranh, đối ngoại quốc phòng, chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới…
Viết đến đây, tôi bồi hồi nhớ lại lần ngồi riêng hàng giờ với ông tại trụ sở Công ty truyền thông Media 21, để nghe ông kể về mẹ - bà Nguyễn Thị Cúc. “Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể quên cái lần đi học về nhìn thấy một bà mẹ dừng xe bên đường mua cho con một que kem. Ánh mắt hân hoan sung sướng của đứa bé cầm que kem, cử chỉ trìu mến và yêu thương của người mẹ khiến lòng tôi nhói đau. Sự tủi thân, cô độc khiến nước mắt ứa ra lúc nào không biết. Tôi đã ước mình có thể làm bất cứ điều gì để được thế vào chỗ đứa bé”. Ấy là thời điểm cha ông vừa qua đời. Mẹ ông vốn là một phụ nữ nghiêm khắc, cứng cỏi, nhưng sự ra đi của chồng đã đánh gục bà, khiến bà không thiết sống nữa. Nếu bà có gắng gượng sống, thì chỉ vì thương ông, đứa con trai duy nhất còn quá nhỏ. Niềm vui của bà là con trai có thành tích học giỏi hay phấn đấu tốt, nhưng hồi nhỏ ông vốn nghịch ngợm, học hành chểnh mảng nên chẳng bao giờ có được giấy khen. Những lần được khen đều do ông “đi xin” cô giáo hoặc cấp trên mang về cho mẹ vui.
Mẹ ông là người nguyên tắc, không biết thỏa hiệp, không biết xin xỏ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Là Phó phòng chăm sóc sức khỏe cán bộ của Cục Chính sách, được giao quản lý những đồ sơn hào hải vị, quý hiếm dành cho cán bộ cấp cao, nhưng đến một giọt mật ong bà cũng không cho các con đụng đến. Sau khi cha ông mất, gia cảnh rất khó khăn, không phải là do Trung ương thiếu quan tâm mà lý do chính là mẹ ông luôn khước từ mọi sự ưu đãi, cho dù với hoàn cảnh lúc ấy, nếu bà đề nghị điều gì sẽ dễ dàng được đáp ứng.
Tuy nghiêm khắc như vậy, nhưng bà chưa hề đánh con cái bao giờ. Chỉ duy nhất một lần khi ông trèo lên cây gạo trong vườn lấy mắt gạo để làm tranh khắc gỗ, bà sợ con bị ngã nên đã đánh mấy gậy cho chừa tiệt nọc. Vừa đánh bà vừa khóc. Ba năm cuối đời, từ 1977-1980, mẹ ông lâm bệnh nặng, tâm thần phân liệt, phải chịu bao đau đớn, khổ sở. Ông mới bước vào tuổi đôi mươi, đóng quân xa nhà, chẳng làm được gì cho mẹ. Lúc ấy cũng không dám trách ai, chỉ nghĩ đó là số phận. Ông bùi ngùi: “Bây giờ nhớ lại càng thương mẹ nhiều. Khi mình đã hơn 60 tuổi, đã có tất cả rồi, thì lại chỉ thiếu mỗi mẹ thôi. Những ai còn bố, còn mẹ trên đời để được hầu hạ, để được nghe mắng mỏ, để được chiều theo những mong muốn cho dù bất thường nhất của người già… thì đó là những người hạnh phúc”.
Nhiều tính cách làm nên con người ông bây giờ dường như được thừa hưởng từ mẹ ông. Vì vậy tôi tin rằng, cuốn sách về mẹ của ông sẽ rất hay, không chỉ bởi tình mẫu tử sâu sắc, mà đây sẽ là chân dung con người, nhân cách và số phận cuộc đời phu nhân của một đại tướng với những thăng trầm thời cuộc…
Cuộc đời binh nghiệp với những thành công và đóng góp quan trọng của tướng Nguyễn Chí Vịnh từ một chiến binh đến một vị tướng tình báo, một người phụ trách đối ngoại quốc phòng của quân đội, thì có nhiều người đã viết, đã kể. Nhưng chắc chắn là chưa thể đủ và còn lâu mới đầy đủ. Chứng kiến ông nhiều lần trao đổi, tôi thấy ông là người cởi mở có nguyên tắc. Có nhiều câu hỏi, ông thẳng thắn trả lời: “Lúc này chưa nói được”. Có những câu ông hẹn: “Vào dịp thích hợp sẽ được đọc hồ sơ, tự tìm hiểu”. Lại có những câu, ông dặn: “Cái này trao đổi riêng để biết thôi, chưa viết được”... Với đặc thù công việc của mình, cho dù ông là người được các phóng viên báo chí đánh giá là rất “cởi mở và thẳng thắn với truyền thông” thì cũng chỉ là phần nào đó mà thôi. Lẽ ra nó sẽ xuất hiện trong những cuốn sách của ông, nhưng hỡi ôi, căn bệnh hiểm nghèo đã ngăn bao dự định còn dang dở!
Với cá nhân tôi, ông luôn là anh Năm Vịnh trong sinh hoạt đời thường, hoàn toàn không liên quan đến công việc gì cụ thể, để tôi được lắng nghe và quan sát, khám phá những góc riêng của con người ông. Những lúc bên bạn cũ, ông ôm đàn đệm và hát hồn nhiên, say sưa những ca khúc Nga phổ biến ở nước ta những năm 60-70 của thế kỷ trước. Thế hệ các ông gắn bó với nhau bằng tình bạn rất lạ, thân thiết nhưng rõ ràng, luôn chia sẻ khó khăn, hoạn nạn với nhau. Với thế hệ đàn em sau này cũng vậy. Có lần người em ít tuổi làm trong lĩnh vực truyền thông gặp tai nạn nghề nghiệp, ông đã gặp một cán bộ cấp cao và nói “cả đời tôi chưa nhờ anh việc gì, nay có việc như thế như thế, anh xem xét, cho nó cơ hội sửa chữa”. Việc sau đó được xử lý đúng người, đúng việc; kể ra chuyện này để hiểu thêm và cái tình của ông với anh em, bè bạn.
Nhà văn HỮU VIỆT