Nhớ lần nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm bà con bị lũ lụt ở Quảng Trị
VHO - Tôi được vinh dự theo Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm đồng bào Hải Hòa, Hải Lăng (Quảng Trị) sau trận đại hồng thủy miền Trung năm 1999. Nguyên là anh lính cụ Hồ từng hoạt động ở mặt trận Quảng Trị, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi về chia mưa sẻ lũ với đồng bào Hải Lăng cũng chính là cuộc trở về của ông với tư cách một người lính thực sự.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ân cần thăm hỏi, động viên đồng bào lũ lụt xã Hải Hòa 1999
Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là khi ông nhìn thấy tôi đang “lý do lý trấu” với các anh em bảo vệ để được bám theo đoàn về vùng lũ tác nghiệp, ghe tôi trình bày là phóng viên Báo Văn Hóa muốn theo đoàn về vùng lũ Hải Lăng, nơi tôi từng chiến đấu để tác nghiệp như một sự sẻ chia, ông cười hiền lành bảo: Tớ cũng từng là lính giải phóng hoạt động ở đây. Tướng ngoài biên ải, cậu chọn thêm Quảng Trị để bổ sung vào lịch tác nghiệp cũng phải thôi. Vậy là tôi nghiễm nhiên trở thành “thành viên” nhập đoàn về xã Hải Hòa ngay khi trận đại hồng thủy vẫn lưu dấu ngổn ngang trên mọi nẻo đường làng. Để rồi sau ấn tượng đầu tiên khi nhập đoàn, lại thêm một ấn tượng khắc sâu trong tôi về ông, ấy là khi ông phăm phăm bước lên thuyền một cách nhanh nhẹn, dứt khoát và chính xác mà không cần đến sự trợ giúp của hai sĩ quan công an khi họ muốn dìu ông lên thuyền cùng mọi người dọc theo nhánh nối dòng Ô Lâu tìm về với dân làng Phú Kinh - nơi bị lũ tàn phá nặng nề.
Tới Phú Kinh, vừa bước lên bờ, lặng nhìn căn nhà bên đường tả tơi, Tổng Bí thư phăm phăm rẽ vào. Bởi không nằm trong kế hoạch của xã sắp xếp đón Tổng Bí thư, nên chị nông dân Nguyễn Thị Linh hoàn toàn bất ngờ và không hề biết về bác cán bộ già, đầu trần, chân dép, mắt rơm rớm hỏi:
-Nhà còn gì ăn nữa không?
-Dạ trôi hết bác ơi. Chừ chỉ trông vào cứu trợ.
-Vậy đã nhận được gạo chưa?
-Dạ rồi, cũng được mấy lần, tạm ăn đỡ qua lụt bác ơi.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ân cần thăm hỏi, động viên đồng bào lũ lụt xã Hải Hòa 1999
Không chỉ chị Linh, mà còn nhiều người dân làng Phú Kinh, tay cắp rổ rá quanh điểm cấp hàng chờ đến lượt mình cũng không thể nghờ rằng, người đàn ông có phong thái nhanh nhẹn, phăm phăm bước trên đường làng kia lại là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và chính ông cũng lại là vị tướng lĩnh của bộ đội cụ Hồ, một thời cầm súng, cơm vắt, ngủ hầm đánh giặc trên chính đôi bờ sông Ô Lâu những năm binh lửa của cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiếp tới đầu thôn, chủ động vào thăm cụ Ngyễn Thanh Tâm, bố của 3 liệt sĩ, Tổng Bí thư ân cần hỏi:
-Thưa cụ, mấy ngày lũ cụ ở đâu?
-Thưa nước lũ to quá, may được bà con dìu lên chỗ cao. Còn ít gạo gác trên xà nhà nên cũng còn có ấy ăn, cụ Tâm nghẹn ngào.
Nhìn cụ Tâm nhận từ tay Tổng Bí thư món quá rồi dâng lên bàn thờ tạm thắp hương, bất chợt tôi nhận ra ngấn mắt người lính Lê Khả Phiêu rưng rưng. Và như cố không để những cảm xúc bất chợt chi phối, Tổng Bí thư quay sang anh Phạm Ngọc Ái - Bí thư chi bộ thôn Phú Kinh hỏi thăm về việc bỏ lúa cho nhẹ thuyền để cứu dân qua lũ lớn. Nghe chính Tổng Bí thư hỏi chuyện, Bí thư chi bộ thôn cứ ngớ người, không biết từ đâu chuyện anh bỏ của cứu dân mà từ trung ương đồng chí Tổng Bí thư cũng biết.
Vâng, mọi điều tận cùng từ vùng trũng lụt Hải Hòa đều được Tổng Bí thư biết một cách cặn kẽ với niềm cảm thông sâu nặng, chân thực. Dù có những điều, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chưa biết, ấy là hai hôm sau, khi tôi một mình trở lại Hải Hòa, dẫu bốn bề sau lụt vẫn còn dấu tan hoang, nhưng đến đâu cũng nghe những người nông dân kể lại rằng, có một anh bộ đội cụ Hồ thời chiến tranh từng chia bom sẻ đạn ở quê mình. Mấy chục năm sau, trở lại với cương vị Tổng Bí thư, ông vẫn nhớ như in những Hải Hòa, Hải Tân, Hải Dương… những xóm Thị, càng An Thơ, càng Cây Đa… và người Tổng Bí thư gốc lính ấy vẫn đầu trần, chân dép trên lối quen về làng.
Tác giả tác nghiệp tại vũng lũ Hải Hòa năm 1999
Lại kể thêm rằng, mấy ngày sau khi cùng Tổng Bí thư về thăm, chia mưa, sẻ lũ với đồng bào, đồng đội Hải Hòa, tôi với tư cách một người lính từng chiến đấu trên đất Hải Hòa, trở lại với tư cách nhà báo gốc lính, mang tặng toàn bộ số ảnh chụp đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với cô bác Hải Hòa. Và tôi đã không cầm lòng được khi khi nghe các đồng chí lãnh đạo xã và những người được tặng ảnh trải lòng: Chúng tôi sẽ lưu giữ những tấm ảnh này như kỷ vật truyền thống cho con cháu nhớ.
Và với riêng tôi, dẫu câu chuyện đã qua hơn hai mươi năm vẫn còn nguyên giá trị bài học về phẩm cách một người lính tận trung với nước, tận hiếu với dân mà tôi nhận được từ ông ông, người Tổng Bí thư chân chất ngày về với đồng bào, đồng đội.
Nay trong ngày nhận được tin ông qua đời, xin chép lại thành một kỷ niệm thay nén hương vọng tiễn ông về với các bậc tiền hiền.
LÊ BÁ DƯƠNG