Hơn 400 xe hoa rước Phật mừng Đại lễ Vesak
VHO-Chiều 11.5 (tức 7.4 âm lịch), Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Nam đã tổ chức lễ rước với hơn 400 xe hoa và tắm Phật theo nghi thức phật giáo truyền thống. Đây là hoạt động lớn nhất từ trước tới nay của Phật giáo Hà Nam chào mừng Đại lễ Vesak 2019.
Một trong những hoạt động nổi bật nhất vào ngày Phật Đản hay lễ Vesak chính là thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa dân gian, hoa đăng có nghĩa là đèn hoa. Lễ hội thả hoa đăng là lễ hội thắp đèn được trang trí bằng những chiếc đèn hoa. Hoa đăng được thắp sáng nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam vào những ngày lễ lớn.
Hàng trăm xe hoa rước Phật mừng Đại lễ Vesak 2019 khởi hành từ chùa Bầu
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hà Nam cho biết, để góp phần thành công chung của Đại lễ Vesak 2019, ngoài hoạt động thả hoa đăng Ban Trị sự Phật giáo Hà Nam còn tổ chức hơn 400 xe hoa rước tượng Phật, diễu hành từ chùa Bầu đến chùa Tam Chúc, qua các tuyến phố chính và các ngôi chùa trong tỉnh. Các xe hoa được kết bằng hàng vạn bông hoa tươi, hoa lụa các đạo tràng của các chùa thực hiện: Đạo tràng chùa Bầu, chùa Hoa Lại, chùa Phú Viên, chùa Châu Xá, chùa Bầu Bảo Lộc… cùng Phật tử các địa phương trên toàn quốc.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện nghi thức tắm Phật
Bên cạnh đó, các ngôi chùa trong tỉnh cũng tổ chức lễ tắm Phật truyền thống, treo cờ hoa, băng rôn. Các chùa còn tổ chức giảng những bài Kinh của Đức Phật dạy về đạo hiếu, về tình gia đình, nghĩa dân tộc…
Chùa Bầu tên chữ là Thiên Bảo Tự, tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Gần đây, chùa được trùng tu và tôn tạo trên diện tích 4.000m2 của chùa Bầu cũ, có sự kết hợp lối kiến trúc cổ truyền với kiến trúc mới, và sự giao thoa giữa đạo pháp dân tộc và thời đại.
Đoàn xe hoa rước tượng Phật diễu hành từ chùa Bầu đến chùa Tam Chúc
Chùa Bầu đã có trên 1.000 năm tuổi nằm trong quần thể làng Bầu, vực Bầu và chợ Bầu ngày nay. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhiều thế hệ phật tử xã Châu Cầu (xưa) và thành phố Phủ Lý, Hà Nam (ngày nay). Chùa Bầu hiện vẫn lưu giữ nhiều hiện vật quý từ triều Vĩnh Thịnh năm thứ 6 (1663) với 28 đạo sắc phong về Đức Pháp Vân Phật và đạo sắc phong cuối cùng vào năm thứ 9 vua Khải Định.
Chùa Bầu, một trong những trung tâm của Phật giáo Hà Nam, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhiều thế hệ Phật tử địa phương và cả nước
Nơi đây cũng lưu giữ một quả chuông với kích thước 0,95m, đường kính 0,57m được đúc vào mùa xuân năm thứ 3 Hoàng triều Minh Mệnh (1822) và một tấm bia đá xanh cao 1,25m; rộng 0,8m. Chùa Bầu là một trong những trung tâm của Phật giáo Hà Nam, đây cũng là nơi thường diễn ra các sự kiện quan trọng của Phật giáo Hà Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, đặc biệt trong dịp Đại lễ Vesak 2019.
HÀ PHƯƠNG