Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo:

Đảm bảo điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến

TÙNG QUANG; ảnh: Q.H

VHO - Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, sáng ngày 6.9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp.

Đảm bảo điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến - ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp

Tham dự Phiên họp có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương.

Theo dự thảo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo. Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội…

Đảm bảo điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Phiên họp

Dự án Luật quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời. Đối tượng áp dụng của dự án Luật gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam khi thực hiện hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam; Các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.

Báo cáo về một số nội dung chính của dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có bố cục gồm 3 điều. Các quy định của dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012.

Đảm bảo điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến - ảnh 3
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tại khoản 8 Điều 2 để bảo đảm bổ sung các hình thức chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới hiện nay; sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 10 về trách nhiệm của Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo; bổ sung Điều 15a quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; bổ sung khoản 1a vào Điều 18 quy định về việc sử dụng từ ngữ bằng tiếng Việt trong sản phẩm quảng cáo; sửa đổi, bổ sung Điều 19 về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo; sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 20 về điều kiện quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, phân bón để bảo đảm cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với thủ tục và tên gọi của các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định...

Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 với những lý do được nêu tại Tờ trình số 350/TTr-CP ngày 4.7.2024 của Chính phủ; đồng thời cho rằng, việc sửa đổi Luật ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học; góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo; xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, vì lợi ích chung của xã hội.

Đảm bảo điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến - ảnh 4
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng

Tuy nhiên qua rà soát, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, một số nội dung trong dự thảo Luật chưa thực sự thống nhất với một số luật có liên quan. Vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật với quy định của các luật khác có liên quan, trường hợp cần thiết có quy định khác trong dự thảo Luật này, cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định trong các luật có liên quan hoặc nghiên cứu phương án dẫn chiếu đối với những quy định lặp lại trong dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, các ý kiến tán thành với việc bổ sung quy định cụ thể những yêu cầu mà hoạt động quảng cáo trên mạng và người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ để khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ một số vấn đề về: Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng; xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài…

Đảm bảo điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến - ảnh 5
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Bùi Hoài Sơn

Về quy hoạch quảng cáo ngoài trời, dự thảo Luật quy định: “Đất đã được phê duyệt cho vị trí quảng cáo ngoài trời được sử dụng cho mục đích quảng cáo theo quy định của pháp luật về đất đai”. Về nội dung này, các đại biểu cho rằng, về những nội dung sửa đổi liên quan đến Luật Đất đai, đề nghị chỉ quy định: “Việc sử dụng đất để thực hiện các công trình quảng cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai".

Nhấn mạnh thực tế hiện nay, tình trạng quảng cáo rao vặt vi phạm quy định của Luật Quảng cáo diễn ra phổ biến, làm mất mỹ quan đô thị, trong khi nhu cầu quảng cáo rao vặt cũng như sử dụng các dịch vụ của quảng cáo rao vặt như sửa chữa nhà cửa, điện nước, vệ sinh…trong gia đình của người dân là rất lớn. Do đó, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện quy định về quảng cáo rao vặt, về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí địa điểm để quảng cáo rao vặt, tạo hành lang pháp lý cho việc quảng cáo, rao vặt, vừa văn minh, vừa hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị…

Đảm bảo điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến - ảnh 6
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Đỗ Chí Nghĩa

Về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo (khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 31), các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có quy định hợp lý trên cơ sở có căn cứ thuyết phục, bảo đảm an toàn của công trình quảng cáo, công trình lân cận và sự an toàn của cộng đồng nói chung.

Lưu ý việc xây dựng công trình quảng cáo trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đang chịu sự điều chỉnh của 03 luật: Luật Quảng cáo, Luật Xây dựng, Luật Đường bộ, các đại biểu đề nghị, vấn đề cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở tham chiếu Luật Xây dựng và Luật Đường bộ nhằm hạn chế sự mâu thuẫn, chồng chéo, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Đảm bảo điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến - ảnh 7
Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương

Ngoài ra, hiện nay, xuất hiện các loại hình quảng cáo mới như quảng cáo dạng 3D gồm nhiều mặt, đa giác, gắn với công trình xây dựng sẵn có, nếu áp dụng quy định của dự thảo luật về diện tích một mặt thì không phù hợp. Do đó, các đại biểu đề nghị nghiên Cơ quan soạn thảo cần cứu để có quy định phù hợp với thực tiễn phát triển của hoạt động quảng cáo…

Cho rằng hoạt động quảng cáo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ, tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, quảng cáo đang ngày càng chứng tỏ mình là một ngành kinh tế tiềm năng. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, các ý kiến đóng góp của Bộ TT&TT cũng đã cơ bản được tiếp thu ở trong dự thảo Luật.

Đảm bảo điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến - ảnh 8
Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu kết thúc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện một số tài liệu của hồ sơ dự án Luật như đã trao đổi trong cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban trước đó.

Cho biết thời gian để hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo còn nhiều, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ hôm nay. Theo đó, với những nội dung mới, cần nghiên cứu thận trọng; quy định cụ thể, chi tiết hơn một số nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí nhằm bảo vệ quyền lợi của độc giả, người xem, người tiêu dùng. Đặc biệt, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, cần lưu tâm đến các yếu tố về nguồn lực, kinh phí để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật.