Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ tại TP.HCM
VHO - Ngày 6.9, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ tại TP.HCM. Cùng dự có lãnh đạo các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ VHTTDL.
Chương trình làm việc tập trung vào tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo, huấn luyện 8 tháng đầu năm; đánh giá những hạn chế, khó khăn và định hướng giải pháp trong thời gian tới.
Qua thông tin từ các cơ sở đào tạo cho thấy, công tác tuyển sinh ở hầu hết các đơn vị gặp thuận lợi, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và dự thi năng khiếu tăng cao, chỉ tiêu tuyển sinh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ở một số trường, điểm chuẩn tăng cao vọt so với các năm trước…
Đây là dấu hiện đáng mừng cho thấy xã hội ngày càng quan tâm đến lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật - thể thao. Bên cạnh đó, chất lượng và thương hiệu của các trường đào tạo khối ngành văn hóa - nghệ thuật - thể thao ngày một nâng cao, phụ huynh và học sinh quan tâm, an tâm lựa chọn.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo, giao lưu biểu diễn, hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả nổi bật, qua đây góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng mối quan hệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành, nhất là trong giai đoạn hội nhập
Tuy nhiên, khó khăn chung lớn nhất là tình trạng đội ngũ cán bộ, giảng viên còn thiếu nhiều, chưa được chuẩn hóa trình độ, khuyết các vị trí lãnh đạo phòng, khoa, thậm chí ban giám hiệu.
Tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo xuống cấp, chưa đồng bộ… dẫn đến chất lượng đào tạo chưa đạt như mong muốn.
Một số quy định hiện hành về tuyển sinh, tuyển dụng còn bất cập, dẫn đến những hạn chế, khó khăn cho các đơn vị đào tạo trong tuyển sinh, chuẩn hóa đội ngũ. Công tác kiểm định chất lượng đào tạo ở một số đơn vị còn chậm.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cho biết, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, quy định trường chỉ được tuyển sinh ngành sư phạm khi có đơn đặt hàng của các địa phương hoặc cơ quan chủ quản giao nhiệm vụ.
Do vậy, năm 2024, nhà trường phải dừng tuyển sinh ngành Sư phạm Mỹ thuật do không có đặt hàng từ các địa phương.
“Rất mong Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ vấn đề này. Vì thực tế cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực mỹ thuật và sư phạm mỹ thuật tại các địa phương rất lớn, nhưng với quy định hiện hành gây nhiều khó khăn cho công tác tuyển sinh, đào tạo”, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM tâm tư với Bộ trưởng.
TS Phạm Huy Quang, Quyền Hiệu trường Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM báo cáo Bộ trưởng, trường đang vô cùng khó khăn về đội ngũ giảng viên. Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, trình độ tiến sĩ trong trường còn thấp so với yêu cầu. Hiện nhà trường đang nỗ lực triển khai các bước để thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục.
TS.NSƯT Hoàng Ngọc Long, Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cũng cho hay, Nhà trường đang thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu cho các ngành.Bên cạnh đó, Nhạc viện cũng đang thiếu nhạc cụ, gây ảnh hưởng đến phục vụ công tác đào tạo - biểu diễn thực hành.
Trong khi đó, Phòng hòa nhạc đã xây dựng trên 30 năm đến nay đã xuống cấp… TS Long cũng cho biết Nhạc viện TP.HCM đang chuẩn bị các bước để triển khai thực hiện công tác kiểm định chất lượng.
Về công tác hợp tác quốc tế, Nhạc viện đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào khi thường xuyên biểu diễn giao lưu, trao đổi học thuật với nhiều đoàn đến từ nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Pháp, Hàn Quốc, Hungary, Nhật Bản, Ba Lan, Đức, Trung Quốc, Mỹ, Áo, Nga,…
Trường cũng vừa tổ chức thành công Liên hoan Guitar quốc tế 2024, thu hút 120 thí sinh đến từ nhiều nước trên thế giới…
Theo TS Võ Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm 2024, Nhà trường đã đón tiếp và làm việc với 6 đoàn là các trường đại học và các tổ chức quốc tế đến làm việc, kí kết 4 biên bản ghi nhớ với các đối tác Hàn Quốc. Nhà trường đã cử 3 đoàn công tác sang làm việc tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp.
PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết trường đã triển khai các nhiệm vụ khoa học cấp Bộ, cấp trường và các chương trình, dự án liên quan. Đặc biệt, hoàn thành 1 dự án cấp Quốc gia: “Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam” (tỉnh An Giang) trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhà trường cũng triển khai đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025.
Trong tháng 9.2024, trường sẽ rà soát trình độ ngoại ngữ trong đội ngũ viên chức để có hình thức bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ phù hợp, chọn đơn vị thực hiện tổ chức giảng dạy. Cũng như một số đơn vị đào tạo, trường đang thiếu cán bộ, giảng viên so với nhu cầu công tác.
NSƯT Lương Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM cho hay trường còn thiếu nhân sự, rất cần được bổ sung đội ngũ để có thể hoàn thành tốt các mặt nhiệm vụ.
Ông Phạm Thanh Tú, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM nói rằng đơn vị còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cho các đội tuyển thể thao quốc gia. Bên cạnh đó, nhân sự của Trung tâm còn hạn chế, biên chế được giao thấp chưa đáp ứng nhu cầu đơn vị.
Trình bày cùng Bộ trưởng, ông Tú nói thêm: Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 152/2018/NĐ-CP về việc một số chế độ tiền lương đối với HLV và VĐV trong thời gian tập trung tập huấn thi đấu, đến nay đã 6 năm chưa được điều chỉnh.
“Do đó đã tác động gây khó khăn ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của HLV, VĐV… Kiến nghị lãnh đạo Bộ có ý kiến đến Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều bất cập tại Nghị định nói trên”, ông Tú bày tỏ.
Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn, Cục trưởng Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Đức Trung, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Lê Hồng Phong và Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt đã thông tin, giải đáp những thắc mắc, đề xuất từ các đơn vị, xung quanh các quy định hiện hành, qua đó hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo, huấn luyện…
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thời gian qua, các cơ sở đào tạo và các đơn vị của Bộ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ; bám sát chức năng, nhiệm vụ đã được giao.
“Các đồng chí triển khai công việc khá toàn diện, và kết quả đạt được cũng đáng ghi nhận, cần tiếp tục duy trì và phát huy, đặc biệt đối với công tác tuyển sinh.
Qua tuyển sinh vào các ngành văn hóa - nghệ thuật cho thấy, ngày càng nhiều người yêu văn hóa, đến học văn hóa và thực hành văn hóa tốt hơn, tạo ra nguồn nhân lực văn hóa tốt hơn cho xã hội”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong cơ sở đào tạo, dù chưa đồng đều nhưng bước đầu cũng đã tập trung nghiên cứu khoa học, có những đề tài khoa học ứng dụng có sức lan tỏa và vận dụng vào thực tế cuộc sống.
Các đơn vị cũng đã chủ động hợp tác quốc tế và đạt được nhiều “điểm sáng” rất đáng ghi nhận, bắt đầu xây dựng được thương hiệu cho công tác hợp tác này.
Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chú trọng nhiều hơn cho công tác tổ chức bộ máy, kịp thời giải quyết những bất cập và từng bước có những điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống tổ chức trong cơ quan, đơn vị…
“Đề nghị các đơn vị xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ, giảng viên. Chú ý công tác xây dựng Đảng, bởi suy cho cùng bản chất của xây dựng Đảng chính là xây dựng con người.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát nâng cao chất lượng giao dục, triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới, hoàn thành công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục”, Bộ trưởng chỉ đạo.