Các trường khối Bộ VHTTDL thi năng khiếu sớm

VHO- Theo thông tin tuyển sinh từ các trường khối Bộ VHTTDL, năm nay hầu hết các trường đều tổ chức kỳ thi năng khiếu sớm, diễn ra vào tháng 7 thay vì kéo dài sang đến tháng 8 như một số năm. Mùa tuyển sinh 2023 cũng cho thấy các đơn vị đào tạo chú trọng nội dung thi năng khiếu để chọn lựa kỹ hơn mặt bằng thí sinh đầu vào.

Các trường khối Bộ VHTTDL thi năng khiếu sớm - Anh 1

Thí sinh thi tuyển năng khiếu vào Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM

 Thí sinh phải “thuộc lòng tác phẩm dự thi”

Thông báo tuyển sinh năm học 2023-2024 của Nhạc viện TP.HCM cho biết, Nhà trường tuyển 410 chỉ tiêu cho bậc Đại học (4 năm và 2 năm) và hệ Trung cấp (4, 6, 7 và 9 năm). Hệ Đại học 4 năm tuyển sinh các ngành: Âm nhạc học, Sáng tác âm nhạc, Chỉ huy âm nhạc, Thanh nhạc, Piano, Biểu diễn nhạc cụ phương tây và Biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Đối với tất cả các ngành, thí sinh thi năng khiếu kiến thức (hệ số 1) và chuyên môn (hệ số 2). Nhà trường nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết trong nội dung thi tuyển là thí sinh phải “thuộc lòng tác phẩm dự thi”. Trong đó, đối với các ngành Âm nhạc học, Sáng tác âm nhạc và Chỉ huy âm nhạc, phần thi kiến thức có các nội dung: Viết bài ghi âm, viết bài phối hòa âm và kiến thức tổng hợp (vấn đáp, xướng âm, đàn Piano). Nội dung thi kiến thức của các ngành còn lại gồm vấn đáp kiến thức tổng hợp và xướng âm. Ở năng khiếu chuyên môn, ngành Âm nhạc học thi viết tiểu luận; ngành Sáng tác âm nhạc thi viết bài sáng tác; ngành Chỉ huy âm nhạc thi chỉ huy; ngành Thanh nhạc thi hát; các ngành còn lại thi diễn tấu.

Nếu như năm trước, kỳ thi diễn ra từ ngày 8-15.8, thì năm nay trường tổ chức thi sớm hơn khoảng một tháng, dự kiến từ ngày 11-18.7. Ông Hoàng Ngọc Long, Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho biết, việc điều chỉnh kỳ thi năng khiếu một phần do các em thi tốt nghiệp THPT sớm hơn năm trước khoảng 1 tuần (từ 28-29.6). Việc tổ chức thi năng khiếu sau khoảng 10 ngày khi thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT là thời gian vừa đủ để các em có thể ôn luyện, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất.

“Để giúp các thí sinh tự tin, hoàn chỉnh kiến thức và chuyên môn đáp ứng yêu cầu kỳ thi, Nhạc viện TP.HCM có tổ chức các lớp bồi dưỡng nếu thí sinh có nhu cầu, còn những bạn đã tự tin rồi thì không cần tham gia lớp này. Khi thí sinh, phụ huynh đến mua hồ sơ đều được bộ phận tuyển sinh hướng dẫn chi tiết”, ông Hoàng Ngọc Long thông tin thêm.

Nhạc viện TP.HCM thực hiện xét tuyển thẳng (Đại học hệ 4 năm) trong trường hợp thí sinh đoạt giải chuyên nghiệp cấp quốc gia, quốc tế từ giải Ba trở lên (đơn ca, độc tấu) đúng chuyên ngành dự thi - thời gian không quá 4 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ; tốt nghiệp bậc Trung cấp tại Nhạc viện TP.HCM, có điểm thi tốt nghiệp chuyên môn từ 9,0 trở lên, xếp loại tốt nghiệp Giỏi từ (8,0) trở lên, quá trình rèn luyện toàn khóa từ Tốt (8.0) trở lên và thi bậc Đại học đúng chuyên ngành đã tốt nghiệp.

Thí sinh được xét tuyển thẳng vẫn phải thi năng khiếu

Năm 2023, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM tuyển sinh 95 chỉ tiêu cho 4 ngành bậc Đại học gồm: Đạo diễn Sân khấu; Diễn viên Kịch, Điện ảnh - Truyền hình; Đạo diễn Điện ảnh - Truyền hình và Quay phim. Năm nay, trường cũng sẽ tổ chức thi sớm, dự kiến ngay vào những ngày đầu tháng 7. Theo đó, thí sinh thi sơ tuyển ngày 2-3.7, thi chung tuyển 4-6.7. Cụ thể, vòng sơ tuyển chỉ dành cho thí sinh thi vào ngành Diễn viên Kịch, Điện ảnh - Truyền hình. Ở vòng thi này thí sinh trải qua các nội dung: Kiểm tra tiếng nói trên hình thức đọc thơ hoặc đọc một đoạn văn; kiểm tra thẩm âm (hát 1 bài hoặc 1 đoạn bài hát); kiểm tra năng khiếu diễn xuất, yêu cầu thí sinh tự biểu diễn và chuẩn bị một tình huống kịch không có nhân vật thứ hai. Đây là điểm mới so với các năm trước, bắt buộc thí sinh biểu diễn một mình (trước đây tiểu phẩm có thể 1-2 nhân vật). Tương tự, ở vòng chung tuyển, thí sinh biểu diễn một tiểu phẩm sân khấu theo đề thi, không có người thứ hai (trước đây thí sinh biểu diễn tiểu phẩm tự chọn). Cùng với đó, thí sinh thể hiện các tình huống theo yêu cầu của Ban giám khảo và trả lời các câu hỏi liên quan đến đề thi.

Trong khi đó, các ngành còn lại không thi sơ tuyển. Tuy nhiên, ở vòng chung tuyển, các thí sinh thi 2 môn năng khiếu, trong đó có phân tích tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, đối với mỗi ngành học, tùy đặc thù sẽ thi các nội dung khác nhau. Ngành Đạo diễn Điện ảnh - Truyền hình xem và dựng ảnh liên hoan theo một chủ đề dựa vào ảnh do Ban giám khảo cung cấp, đồng thời trả lời các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực Điện ảnh - truyền hình. Ở ngành Đạo diễn Sân khấu, thí sinh trình bày một tiểu phẩm theo chủ đề, tình huống, đạo cụ do Ban giám khảo quy định. Thí sinh có thể tham gia 1 vai diễn hoặc không tham gia diễn; đồng thời trả lời các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực Sân khấu. Ngành Quay phim, thí sinh chụp ảnh, sau đó thi vấn đáp về kiến thức tạo hình, phân tích ảnh đã chụp. Ngoài các môn năng khiếu, thí sinh thi vào trường phải có điểm môn Ngữ văn lớp 12 đạt từ 5 điểm trở lên.

Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM lưu ý, do là trường đào tạo năng khiếu, thí sinh bắt buộc phải dự thi năng khiếu, đủ điều kiện mới được vào học. Vì vậy, các em thuộc chính sách ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành đào tạo Giáo viên mầm non của Bộ GD&ĐT chỉ được miễn thi vòng sơ tuyển, vòng chung tuyển bắt buộc vẫn phải dự thi.

Tương tự, các trường năng khiếu còn lại thuộc khối Bộ VHTTDL năm nay cũng dự kiến tổ chức thi sớm. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức thi ngày 13- 14.7 với 910 chỉ tiêu, tăng khoảng 14% so với năm trước; Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM tổ chức kỳ thi năng khiếu từ ngày 6-8.7 với 239 chỉ tiêu; Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM cũng tổ chức thi vào ngày 6.7. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc