Bắc Giang đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về bầu cử
VHO- Từ nay đến ngày bầu cử (23.5), tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan, Ủy ban Bầu cử các huyện, thành phố và cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin.
Ảnh minh họa
Theo thông tin từ Ủy ban Bầu cử tỉnh Bắc Giang, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn đang được tỉnh triển khai tích cực; đảm bảo dân chủ, an toàn, đúng luật.
Từ nay đến ngày bầu cử (23.5), tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan, Ủy ban Bầu cử các huyện, thành phố và cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng thời lượng phát sóng tin, bài về bầu cử; chỉ đạo tuyên truyền trực quan qua hệ thống pano, áp phích, khẩu hiệu tại các địa điểm công cộng và khu vực bỏ phiếu.
Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử để cử tri nắm được chương trình hành động của ứng cử viên, trên cơ sở đó lựa chọn đúng, trúng đại biểu.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang, Ban Tuyên giáo tỉnh, cơ quan tuyên truyền ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, đặc biệt tuyên truyền về chương trình hành động các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội; đa dạng hóa kênh thông tin, tuyên truyền, chú trọng hướng tới vùng sâu, vùng xa.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để tìm hiểu, nghiên cứu công tác bầu cử.
Ủy ban Bầu cử các cấp đẩy mạnh tuyên truyền trực quan tại khu đông dân cư, nhà văn hóa, nơi công cộng.
Ủy ban Bầu cử các cấp ở tỉnh Bắc Giang tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử; kiểm tra việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp; phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân cùng cấp trong việc giám sát, kiểm tra.
Các thành viên Ủy ban Bầu cử tỉnh phụ trách cơ sở thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo và kiểm tra, giám sát công tác bầu cử theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Ủy ban Bầu cử tỉnh thành lập 10 đoàn kiểm tra trực tiếp cơ sở, từ ngày 6/5 đến ngày bầu cử 23.5.2021...
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở tỉnh Bắc Giang tổ chức tốt hội nghị tiếp xúc cử tri, có các biện pháp bảo đảm an toàn an ninh trật tự và phòng, chống dịch Covid-19 tại các nơi tiếp xúc cử tri; quan tâm làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bầu cử tại cơ sở.
Ủy ban Bầu cử các cấp chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức tốt cuộc bầu cử; chú ý rà soát, nắm chắc biến động cử tri; tất cả cử tri sinh năm 2003 phải có ngày, tháng, năm sinh; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, vướng mắc trong công tác bầu cử; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn an ninh mạng, bảo đảm tổ chức cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, bầu một lần đủ số lượng, đảm bảo cơ cấu, đạt được chất lượng yêu cầu; không để xảy ra vi phạm, sai sót...
Sau hiệp thương lần thứ 3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, cụ thể: 15 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV để bầu 9 đại biểu; 128 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh để bầu 75 đại biểu; 580 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện để bầu 350 đại biểu; 8.606 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã để bầu 5.165 đại biểu.
Tỉnh Bắc Giang đã thành lập các Tiểu ban giúp việc Ủy ban Bầu cử gồm: Tiểu ban An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Tiểu ban Tuyên truyền; Tiểu ban Giúp việc; Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo. Toàn tỉnh có 1.948 khu vực bỏ phiếu.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ấn định và công bố 3 đơn vị bầu cử khu vực tỉnh Bắc Giang gồm: Đơn vị bầu cử số 1 là các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam; đơn vị bầu cử số 2 là: thành phố Bắc Giang, các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Yên Thế; đơn vị bầu cử số 3 là các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa.
Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành niêm yết danh sách cử tri, niêm yết danh sách và tiểu sử tóm tắt người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các khu vực bỏ phiếu.
Việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử được Ủy ban Nhân dân tỉnh, cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện nhanh, đảm bảo đúng quy định về số lượng và thời gian theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Dự kiến cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu Hội đồng Nhân dân được Thường trực Hội đồng Nhân dân các cấp chủ động triển khai, cơ bản đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14.
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở triển khai đồng bộ, phát huy dân chủ, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
TTXVN