"Săn vàng" tại ASIAD và Olympic:

Tăng cường liên kết vùng

THU SÂM

VHO - Như Văn Hóa đã đề cập, một trong những nguyên nhân khiến thành tích của thể thao Việt Nam chưa được như mong muốn tại đấu trường ASIAD và Olympic, là chúng ta thiếu một chiến lược quốc gia về đào tạo VĐV để các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể, triển khai thực hiện.

Tăng cường liên kết vùng - ảnh 1
Với sự đồng lòng của toàn xã hội, thể thao Việt Nam sẽ hiện thực được khát vọng vươn tầm ASIAD, Olympic trong tương lai gần. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 Thiếu chiến lược quốc gia

Theo Trưởng phòng Thể thao thành tích cao, Cục Thể dục thể thao Việt Nam Hoàng Quốc Vinh, hiện chúng ta đang thiếu một định hướng mang tầm chiến lược quốc gia trong công tác huấn luyện, đào tạo dẫn đến việc đầu tư cho các môn còn chưa thống nhất, nguồn lực đầu tư bị phân tán.

Tuy nhiên tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó vẫn phụ thuộc vào điều kiện về kinh phí, dân số, đặc điểm địa lý, cơ sở vật chất tại các địa phương.

Tăng cường liên kết vùng - ảnh 2
Ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao - Cục Thể dục thể thao Việt Nam

“Bấy lâu nay các tỉnh, thành đưa ra định hướng, chiến lược phát triển thể thao riêng dựa trên điều kiện về ngân sách, dụng cụ, sân bãi tập luyện… Chẳng hạn các tỉnh miền núi, dân số ít, ít VĐV, kinh phí hạn hẹp nên chỉ tập trung đào tạo VĐV ở những môn, nội dung cá nhân và ít cần dụng cụ hiện đại, tốn kém. Các tỉnh này cũng gần như không có khả năng đầu tư cho môn Đua thuyền vì không có biển, hồ nước hoặc mặt nước rộng. Thêm vào đó là thuyền và chèo rất đắt. Tương tự, những địa phương này cũng ít đầu tư cho những môn như Bắn súng, Bắn cung vì súng và cung tên đạt chuẩn sẽ lên đến hàng trăm triệu đồng/bộ. Hay như dù có muốn nhưng họ cũng khó lòng đầu tư được cho các môn tập thể như bóng đá, bóng chuyền vì không có sân bãi đạt chuẩn rồi vướng mắc về kinh phí. Nguyên nhân này dẫn đến việc chúng ta chưa có sự thống nhất trên toàn quốc về đào tạo VĐV ở những nhóm môn, nội dung thi đấu của Olympic hay ASIAD”, vị chuyên gia đầu ngành phân tích.

Cũng theo ông Hoàng Quốc Vinh, hiện chỉ có các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và các tỉnh như Thanh Hóa hay Hải Dương là tương đối đồng bộ về hệ thống đào tạo VĐV để phát triển thể thao thành tích cao.

Vừa qua Cục Thể dục thể thao Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046.

Chương trình cũng đề ra giải pháp nhằm quy hoạch cho các vùng, các địa phương, các trung tâm huấn luyện thể thao tập trung phát triển, đào tạo các VĐV ở các môn có ưu thế tại địa phương gắn với các trung tâm đào tạo VĐV quốc gia tại khu vực.

Tăng cường liên kết vùng - ảnh 3
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bình Dương Cao Văn Chóng

Cùng quan điểm với ông Hoàng Quốc Vinh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương Cao Văn Chóng cho rằng, mỗi địa phương có nguồn lực khác nhau về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất... và có định hướng đầu tư phát triển khác nhau.

Vì thế ở cấp trung ương cần phải nắm rõ thế mạnh của từng nơi, nhất là sắp tới sau khi sáp nhập, cơ cấu các địa phương sẽ có nhiều thay đổi. Từ đó đề ra chiến lược hợp tác cụ thể, thậm chí giao nhiệm vụ cho từng địa phương trong việc phát triển các môn thể thao nhằm nâng cao thành tích tại ASIAD và Olympic.

“Nếu áp dụng cơ chế bình quân thì nơi mạnh, nơi yếu, sẽ khó phát huy tối đa tiềm năng từng địa phương. Theo đó, với các môn Olympic thì Nhà nước (cấp trung ương) nên mạnh dạn đầu tư và có chiến lược, lộ trình rõ ràng. Đồng thời có chính sách khuyến khích các địa phương đầu tư cho các môn Olympic bằng cách tính hệ số thành tích tại các Đại hội thể thao toàn quốc, như quy đổi 1 HCV môn Olympic bằng 2 HCV các môn khác để làm cơ sở xếp hạng chung cuộc”, TS Cao Văn Chóng phân tích.

Lấy ví dụ từ việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (tương tự cấp trung ương), có định hướng đầu tư tập trung từ rất sớm nên bóng đá nữ và futsal của chúng ta mới phát triển, có cơ hội thi đấu ở World Cup như vừa qua, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương cho rằng muốn phát triển các môn nào thì cấp trung ương phải có định hướng tập trung đào tạo VĐV môn đó cho tới nơi, tới chốn.

Còn địa phương thì mang tính chất hưởng ứng, phối hợp, vừa làm theo định hướng của trung ương vừa chủ động phát triển các môn thế mạnh, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Các địa phương tập trung vào những môn phù hợp

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù cần có hệ thống thống nhất toàn quốc nhưng việc triển khai phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Mỗi tỉnh, thành phố đều có thế mạnh riêng về thể thao tùy theo truyền thống, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và đặc thù văn hóa - xã hội.

Do đó, thay vì áp dụng rập khuôn một mô hình cho tất cả, chúng ta cần linh hoạt trong việc phân công và khuyến khích mỗi địa phương tập trung vào các môn phù hợp nhất.

Chẳng hạn, Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm thể thao hàng đầu, có điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí dồi dào, nên thường phát triển đa dạng các môn thể thao Olympic.

Đây là nơi đặt các Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao quốc gia, quy tụ nhiều VĐV tài năng từ khắp cả nước. Hai thành phố này có thể xem như đầu tàu, đảm nhận việc huấn luyện nâng cao cho nhóm môn mũi nhọn như điền kinh, bơi lội, bắn súng, TDDC, cử tạ, võ thuật... và cung cấp khoa học thể thao, chuyên gia cho các địa phương khác.

Thực tế, nhiều tuyển thủ quốc gia hiện nay trưởng thành từ lò đào tạo của Hà Nội, TP.HCM, hoặc được gửi về đây tập huấn do điều kiện tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc huấn luyện đỉnh cao, Hà Nội và TP.HCM cũng chú trọng phối hợp với các tỉnh trong việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng trẻ, tạo thành mô hình liên kết vùng trong nhiều môn thể thao.

Ngoài ra chúng ta cũng cần chú trọng liên kết các cấp đào tạo từ trường học, địa phương đến trung tâm đào tạo, huấn luyện quốc gia; ứng dụng khoa học công nghệ trong huấn luyện đào tạo; tăng cường phát huy vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia…

Để nâng cao thành tích tại các đấu trường ASIAD và Olympic, thể thao Việt Nam cần một hệ thống đào tạo thống nhất, liên thông từ trung ương đến địa phương. Hệ thống ấy phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, kế hoạch dài hạn và đặc biệt là phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Việc xác định rõ các môn thể thao mũi nhọn để tập trung đầu tư đã cho thấy quyết tâm của ngành Thể thao trong giai đoạn tới . Nhưng quyết tâm đó chỉ trở thành hiện thực khi có sự chung tay của toàn bộ hệ thống.

Trong đó trung ương hoạch định chiến lược, địa phương tích cực triển khai theo thế mạnh, các cấp đào tạo gắn kết chặt chẽ và VĐV được hỗ trợ tối đa cả về chuyên môn lẫn đời sống.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc