"Săn vàng" tại ASIAD và Olympic:

Cần một hệ thống đào tạo thống nhất

VÂN SA

VHO - Trước thực trạng thành tích của thể thao Việt Nam thường tốt ở SEA Games nhưng lại thua kém ở ASIAD và Olympic, các chuyên gia chỉ ra rằng, chúng ta đang thiếu một chương trình định hướng, một hệ thống đào tạo thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Cần một hệ thống đào tạo thống nhất - ảnh 1
Các chuyên gia cho rằng thể thao Việt Nam cần có định hướng, chương trình đào tạo thống nhất từ trung ương đến địa phương. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

 Vì thế dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, chưa tập trung được sức mạnh tổng thể để phát triển các môn thể thao thế mạnh “tấn công” vào các đấu trường lớn.

 Bài học từ các nước

Trên thế giới, khi nói đến thể thao Hàn Quốc, người ta sẽ nghĩ ngay đến môn Taekwondo, được xem là quốc võ và xứ sở kim chi đã có một chiến lược bài bản, từ trung ương đến địa phương để phát triển môn này.

Trong hệ thống đào tạo, ở cấp độ phổ thông Taekwondo được giảng dạy tại các trường từ tiểu học đến đại học. Ở cấp độ chuyên nghiệp, các trường trung học và đại học chuyên thể thao đều có đội tuyển Taekwondo, việc tuyển sinh sẽ dựa trên thành tích.

Trong quân đội, Taekwondo là môn bắt buộc, góp phần rèn luyện thể lực và tinh thần cho chiến sĩ. Về thể thao đỉnh cao, các VĐV sẽ được đào tạo tại trung tâm thể thao quốc gia.

Với một hệ thống đồng bộ như vậy nên Taekwondo Hàn Quốc luôn giữ vị trí số 1 thế giới và trở thành niềm tự hào của thể thao nước này tại các đấu trường quốc tế.

Đó là ví dụ về chiến lược và hệ thống đào tạo bài bản từ trung ương đến địa phương của một môn thể thao cụ thể, ở một đất nước cụ thể. Còn với chiến lược chung để phát triển nền thể thao chuyên nghiệp của các nước phát triển thì sao?

Với Nhật Bản, quốc gia này đã xây dựng một mô hình đào tạo VĐV dựa trên liên kết chặt chẽ giữa hệ thống trường học, đại học, các CLB thể thao và trung tâm huấn luyện quốc gia. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) phối hợp cùng các liên đoàn thể thao để phát hiện và phát triển tài năng từ sớm.

Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Ajinomoto National Training Center không chỉ là nơi rèn luyện mà còn là trung tâm phân tích khoa học thể thao, y sinh học và tâm lý học thể thao. Tất cả dữ liệu VĐV từ địa phương đến quốc gia đều được kết nối và giám sát tập trung tại đây.

Tại Anh, UK Sport là cơ quan phát triển thể thao thành tích cao, đã xây dựng chương trình World Class Performance Pathway, xác định rõ lộ trình từ cấp cơ sở đến đỉnh cao Olympic.

Họ hỗ trợ tài chính, công nghệ và chuyên gia cho từng môn thể thao trọng điểm. Đồng thời, Sport England tập trung phát triển phong trào và các trung tâm địa phương, với cơ chế chuyển tiếp tài năng rõ ràng. Mô hình này giúp VĐV từ các CLB địa phương có thể từng bước tiến vào hệ thống đào tạo quốc gia.

Thể thao Trung Quốc lại vận hành theo cơ chế “trung ương định hướng - địa phương phát triển”. Theo đó Trung Quốc vận hành một hệ thống phân cấp đào tạo VĐV rất rõ ràng, trong đó Bộ Tổng cục Thể thao quốc gia quyết định chiến lược, nhưng các tỉnh, thành phố có trách nhiệm đào tạo theo chỉ tiêu.

VĐV giỏi ở cấp tỉnh sẽ được chuyển về trung tâm huấn luyện quốc gia. Mỗi tỉnh như một “cánh tay nối dài” của trung ương, vừa tự chủ trong đào tạo, vừa liên kết theo tiêu chuẩn chung. Trung Quốc cũng ứng dụng rất mạnh AI, khoa học dữ liệu và y sinh học trong giám sát tiến độ và hiệu quả tập luyện.

Và thực trạng của thể thao Việt Nam

Hệ thống đào tạo thể thao tại Việt Nam hiện nay dù đã được cải thiện, nhưng vẫn cho thấy còn tồn tại nhiều điểm thiếu liên kết và thiếu đồng bộ.

Chẳng hạn như nhiều địa phương, các ngành Quân đội, Công an đều có trung tâm hoặc các cơ sở đào tạo VĐV, nhưng thiếu một hệ thống chuẩn hóa xuyên suốt về chương trình huấn luyện, giáo trình, công nghệ ứng dụng hay đánh giá hiệu quả.

Bên cạnh đó là việc thiếu một chiến lược tổng thể mang tính dài hạn nên việc đào tạo VĐV đôi khi mang tính chất tự phát, mỗi địa phương làm một kiểu, tập trung cho các kỳ thi đấu trước mắt mà thiếu chiến lược phát triển, đào tạo VĐV trẻ theo chu kỳ Olympic hoặc dài hạn hơn.

Thực tế cũng cho thấy, một số nơi thiếu liên kết giữa thể thao phong trào và thành tích cao. Vì thế nhiều địa phương có phong trào thể thao mạnh, nhưng không có cơ chế phát hiện và chuyển tiếp tài năng vào các trung tâm huấn luyện chuyên sâu để phát triển. Ngược lại, các trung tâm đào tạo đỉnh cao lại ít liên kết với nguồn lực tại các địa phương.

Chính vì thế nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cần một hệ thống đào tạo thống nhất từ trung ương tới địa phương mới có thể nâng cao thành tích tại ASIAD và Olympic.

Theo Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, căn cứvào thực trạng thể thao Việt Nam hiện nay, chúng ta cần sớm trình Chính phủ ban hành Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046.

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng bởi khi được Chính phủ thông qua, Chương trình sẽ trở thành nguồn lực mạnh mẽ để phát triển các môn thể thao, góp phần nâng cao thành tích của Việt Nam tại đấu trường ASIAD và Olympic.

Khi đã xác định được nhóm các môn trọng điểm, thì việc đầu tư cần phải được triển khai có hệ thống, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, các Liên đoàn, Hiệp hội cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò, hoạt động hiệu quả hơn để phát huy sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ cho các môn thể thao trọng điểm phát triển.

Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng, chúng ta cần có một chiến lược quốc gia về đào tạo thể thao như Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046.

Trong đó trung ương đóng vai trò kiến tạo định hướng, ban hành các chính sách phát triển thể thao quốc gia, xác định các môn thể thao trọng điểm, giai đoạn đầu tư và mục tiêu cụ thể cho từng kỳ Olympic, ASIAD.

Chiến lược này cần được truyền tải xuống địa phương với sự hỗ trợ cụ thể về tài chính, công nghệ, con người, để địa phương không chỉ là nơi phát triển phong trào mà còn là “vườn ươm” cho thể thao thành tích cao.

Bên cạnh đó chúng ta cũng cần chuẩn hóa quy trình huấn luyện, tuyển chọn và đánh giá bằng việc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về quy trình tuyển chọn, đào tạo và đánh giá VĐV, HLV.

Điều này giúp mọi cơ sở đào tạo trên toàn quốc có cùng một hệ quy chiếu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển chọn, đào tạo, phát triển VĐV theo lộ trình phù hợp.

“Chúng ta cũng cần ứng dụng công nghệ vào quản lý và huấn luyện. Sử dụng công nghệ trong phân tích kỹ - chiến thuật, thể lực, tâm lý, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và hồi phục cho VĐV... tất cả cần được áp dụng một cách nhất quán và kết nối dữ liệu từ các cơ sở địa phương đến trung tâm quốc gia, giúp theo dõi tiến trình phát triển và điều chỉnh huấn luyện hiệu quả hơn. Đồng thời tăng cường liên kết giữa nhà trường - địa phương - trung tâm huấn luyện quốc gia.

Đó là một tam giác kết nối hiệu quả giữa trường học (phát hiện sớm), CLB địa phương (đào tạo nền tảng) và trung tâm huấn luyện quốc gia (đào tạo chuyên sâu) sẽ tạo nên chuỗi giá trị bền vững.

Mỗi mắt xích trong chuỗi phải được đầu tư đúng mức và có cơ chế chuyển tiếp thông suốt. Khi làm được những điều đó chắc chắn thành tích của thể thao Việt Nam sẽ được cải thiện”, Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Long phân tích.