Muốn vươn xa phải nâng cao phương pháp huấn luyện
VHO - Trước thực tế thành công tại các đấu trường khu vực, nhưng lại nhọc nhằn khi vươn ra đấu trường châu lục và thế giới, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, một trong những vấn đề cốt lõi của thể thao Việt Nam hiện nay là phải thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào công tác đào tạo, huấn luyện.

Hàm lượng còn khá thấp
PGS.TS Đặng Hà Việt - một trong những nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực thể dục thể thao cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng mà ngành thể thao cần phải triển khai trong thời gian tới, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
“Chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu giúp cho các nhà quản lý thể thao giảm bớt công sức thủ công, tăng tính chính xác và tiết kiệm thời gian. Còn đối với các huấn luyện viên và vận động viên, việc ứng dụng KHCN sẽ giúp phân tích hiệu suất thông qua các thiết bị đo lường, cảm biến và phần mềm phân tích dữ liệu. Từ đó hạn chế tối thiểu nguy cơ chấn thương trong tập luyện và thi đấu cũng như tăng cường tính minh bạch và công bằng trong việc quyết định kết quả”, PGS.TS Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
Việc chuyển đổi số cũng sẽ giúp đưa các hoạt động TDTT đến gần hơn với cộng đồng bằng các ứng dụng thiết bị di động, thiết bị công nghệ thông minh. Dựa vào đó người dân có thể tham gia tập luyện thể dục thể thao theo cách riêng của mình và phù hợp với điều kiện, thời gian cho phép.
Các chuyên gia của thể thao Việt Nam cũng cho rằng, thực tế cho thấy hàm lượng công nghệ trong huấn luyện của ngành thể thao Việt Nam hiện nay khá thấp. Đó là lý do mà thông số thành tích khi thi đấu có độ vênh khá lớn so với thông số lúc VĐV tập luyện, cũng như việc không thể dự báo một cách chính xác thành tích ở các đấu trường lớn là ASIAD hay Olympic, dù chúng ta dễ dàng vượt chỉ tiêu huy chương tại SEA Games.
Khi việc thu thập và khai thác dữ liệu không được đầu tư đúng mức dễ dẫn đến bỏ sót tài năng trẻ, hoặc không đầu tư một cách đúng mức cho những VĐV có các chỉ số chuyên môn vượt trội. Trong khi ở các nước phát triển, việc ứng dụng KHCN, đặc biệt là AI và nền tảng dữ liệu lớn (big data) đang giúp thay đổi cuộc chơi.
Ứng dụng AI và big data để nâng cao thành tích
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng AI vào phân tích hiệu suất vận động viên đã mang lại hiệu quả lớn. Các đội thể thao chuyên nghiệp trên khắp thế giới đang sử dụng các công cụ phân tích hiệu suất dựa trên AI để theo dõi và cải thiện hiệu suất của VĐV trong thời gian thực.
Các cảm biến và thiết bị đeo tay thu thập dữ liệu về nhịp tim, khoảng cách di chuyển và mức độ mệt mỏi, sau đó AI phân tích để đưa ra những hiểu biết sâu sắc nhằm tối ưu hóa việc huấn luyện.
AI, big data và ứng dụng công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành TDTT. Ông Phan Văn Hưng, Giám đốc công nghệ Công ty cổ phần công nghệ Dreamax cho rằng, nền tảng big data và ứng dụng công nghệ có vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành TDTT.
Cụ thể như đối với hoạt động huấn luyện và thi đấu của vận động viên, huấn luyện viên; hoạt động quản lý và tổ chức giải đấu; hoạt động truyền thông và huy động nguồn lực xã hội.
Cũng theo ông Hưng, các nguồn dữ liệu phát sinh trong ngành TDTT rất đa dạng, bao gồm: Dữ liệu từ cảm biến (IoT, wearables), video phân tích trận đấu, dữ liệu thống kê, thông tin từ mạng xã hội và dữ liệu kinh doanh như bán vé, marketing.
Những dữ liệu này đòi hỏi một hệ thống có khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý theo thời gian thực, đồng thời đưa ra các dự đoán và hỗ trợ ra quyết định.
“Cùng với big data, ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực thể thao sẽ giúp phân tích hiệu suất vận động viên, phòng ngừa chấn thương, tối ưu hóa chiến thuật và huấn luyện, phát hiện và bồi dưỡng vận động viên tiềm năng, nâng cao trải nghiệm người hâm mộ. Đồng thời giúp nâng cao thành tích thể thao và thay đổi cách người hâm mộ tương tác với môn thể thao yêu thích. Tuy nhiên, việc áp dụng cần đi kèm với các quy định đạo đức và kỹ thuật để đảm bảo tính minh bạch và công bằng”, ông Phan Văn Hưng nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên đây cho thấy việc ứng dụng bigdata, AI cùng với các ứng dụng công nghệ trong quá trình thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp ngành TDTT tối ưu hóa công tác quản lý thể thao; nâng cao năng lực phân tích và tăng cường ứng dụng khoa học thể thao và y tế.
Theo GS.TS Lâm Quang Thành, cần phải ứng dụng tổng hợp các giải pháp khoa học trong phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD, từ đó sẽ giúp thể thao Việt Nam nâng cao thành tích tại đấu trường này.
Các giải pháp này bao gồm: Giải pháp khoa học về chuyên môn là quá trình kiểm tra đánh giá trình độ tập luyện của VĐV qua từng giai đoạn huấn luyện theo hệ thống khoa học thông qua các test sư phạm đặc trưng của từng môn thể thao; tiếp theo là giải pháp khoa học về y sinh học; giải pháp khoa học về tâm lý; giải pháp khoa học về hồi phục; giải pháp khoa học về dinh dưỡng; giải pháp khoa học về kỹ thuật; về quản lý; về công nghệ thông tin…
Trong đó giải pháp khoa học về công nghệ thông tin là phương tiện thông qua đó các nhà quản lý có thể nhìn rõ được thực trạng đào tạo, huấn luyện một cách nhanh chóng, chính xác, theo nhiều khía cạnh, theo nhiều phân đoạn thời gian bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đào tạo, huấn luyện.
Thực hiện các giải pháp khoa học trong xây dựng lực lượng vận động viên thể thao đỉnh cao luôn gắn liền và không thể thiếu hai lĩnh vực: “Giám định khoa học đối với vận động viên” và “Phòng chống sử dụng doping trong thể thao”. Khi áp dụng được đồng bộ các giải pháp, chắc chắn thành tích của thể thao Việt Nam tại ASIAD và Olympic sẽ được cải thiện.