Bóng đá Việt Nam:
Tận dụng cơ hội vàng để tăng tốc
VHO - Dự kiến từ tháng 9 tới, đất nước ta sẽ chính thức thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập nhiều tỉnh, thành phố nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Sự thay đổi này không chỉ mang ý nghĩa hành chính mà còn mở ra một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ cho lĩnh vực thể thao, đặc biệt là bóng đá.
Trong bối cảnh đó, bóng đá Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ. Tận dụng thời cơ để phát triển vững mạnh, đó sẽ là cái đích mà bóng đá nước nhà hướng tới.

Thời cơ
Khi các tỉnh, thành sáp nhập, quy mô dân số, kinh tế địa phương tăng lên, nguồn tài trợ, quỹ đất cho hạ tầng bóng đá cũng mở rộng. Các CLB có cơ hội trở thành đại diện cho những tỉnh, thành phố lớn mạnh hơn, có đủ tiềm lực xây dựng học viện, sân vận động, trung tâm huấn luyện đạt chuẩn.
Thay vì những đội bóng nhỏ, manh mún, Việt Nam có thể hình thành các câu lạc bộ chuyên nghiệp đúng nghĩa, với mô hình kinh doanh bóng đá bền vững.
Khi quy mô tỉnh, thành lớn hơn, giá trị thương hiệu bóng đá địa phương cũng tăng lên, trở thành “món hàng hấp dẫn” với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Các tập đoàn như Vingroup, T&T Group… hoặc những nhà đầu tư quốc tế có thể “nhảy” vào đầu tư các CLB theo mô hình chuyên nghiệp hóa cao hơn. Điều này cũng phù hợp với định hướng của FIFA và AFC: Bóng đá phải gắn với sức mạnh tài chính và mô hình kinh doanh chuyên nghiệp.
Điểm đáng chú ý khi sáp nhập các tỉnh, thành sức mạnh và thương hiệu của nhiều đội bóng sẽ tăng lên. Chẳng hạn như Hải Phòng - địa phương giàu truyền thống bóng đá sẽ có cơ hội gia tăng sức mạnh khi sáp nhập thêm cùng Hải Dương.
Tuy Hải Dương hiện không có đội bóng chơi ở V.League, nhưng đây lại là quê hương của nhiều cầu thủ giỏi, hiện đang chơi cho các CLB ở nhiều địa phương khác như Hoàng Đức, Tiến Linh, Văn Toàn, Văn Thanh, Đức Chiến, Đức Huy.
Khi 2 tỉnh, thành về “một nhà”, có thể tình yêu quê hương vẫy gọi, các cầu thủ xuất thân từ Hải Dương sẽ về chung tay để xây dựng đội bóng Hải Phòng vững mạnh.
Hay như Nam Định, đang vững vàng trên ngôi đầu V.League và là nhà vô địch của mùa giải năm ngoái. Hiện Ninh Bình cũng đang dẫn đầu giải hạng Nhất và cơ hội thăng hạng lên tới 99%.
Như thế khi 2 tỉnh này sáp nhập làm một thì tỉnh Ninh Bình mới sẽ có tới 2 đội bóng chơi ở V.League. Và nếu như các “đại gia” của Ninh Bình, Nam Định vẫn còn nhiệt huyết với bóng đá quê hương, chắc chắn đây sẽ là hai đội bóng được đầu tư mạnh ở V.League.
TP.HCM - Trung tâm kinh tế lớn nhất nước, hiện đang có đội bóng chơi ở V.League. Nếu sau sáp nhập thêm Bình Dương thì thành phố này sẽ có 2 đội chơi ở V.League.
Tin rằng với một thành phố trẻ, cùng những khát khao của những người làm thể thao nơi đây, 2 đội bóng sẽ tiếp tục được đầu tư để thành phố mang tên Bác quay trở về thời bóng đá đỉnh cao với biểu tượng quen thuộc là sân Thống Nhất và sân Gò Đậu.
Hiện tỉnh Bắc Giang không có đội bóng chơi ở V.League hay các hạng Nhất, Nhì, Ba nên khi sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh, 2 tỉnh này sẽ có một đội bóng hiện chơi ở giải hạng Nhì.
Dù chơi ở giải hạng Nhì nhưng đội bóng tỉnh Bắc Ninh hiện nay luôn nhận được sự quan tâm lớn từ lãnh đạo tỉnh. Vì thế khi 2 tỉnh có truyền thống vùng Kinh Bắc sáp nhập, chắc chắn sẽ gia tăng sức mạnh cho đội bóng được xem là bộ mặt của bóng đá tỉnh nhà.
Những ví dụ trên cho thấy chắc chắn khi sáp nhập, các đội bóng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, nếu biết phát huy sức mạnh tổng hợp và được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.
Và thách thức
Tuy nhiên khi sáp nhập tỉnh, chắc chắn các đội bóng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Chẳng hạn như việc sáp nhập có thể làm xáo trộn sự gắn kết địa phương - một yếu tố rất quan trọng đối với bóng đá, nơi đội bóng đại diện cho niềm tự hào của vùng đất đó.
Những đội bóng gắn liền với tên tuổi địa phương như CLB Bình Dương, CLB Quảng Nam, CLB Nam Định... sẽ phải điều chỉnh lại hình ảnh, thương hiệu để phù hợp với địa danh mới.
Vì thế nguy cơ mất đi bản sắc truyền thống hoặc chưa có được sự gắn kết với người hâm mộ các địa phương khác khi sáp nhập sẽ hiển hiện, đòi hỏi các câu lạc bộ cần giải quyết khéo léo.
Việc sáp nhập cũng sẽ làm thay đổi cấu trúc giải đấu bởi khi số lượng tỉnh, thành giảm xuống cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống giải đấu quốc nội như V.League 1, V.League 2, giải hạng Nhì, hạng Ba.
Một số đội bóng có thể phải sáp nhập, đổi tên hoặc điều chỉnh cơ cấu tổ chức. Việc xác định suất thăng hạng, xuống hạng cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp.
Điều này đòi hỏi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng cập nhật, quy hoạch lại hệ thống giải đấu một cách bài bản.
Nhiều khả năng các hệ thống đào tạo trẻ cũng gặp xáo trộn khi sáp nhập tỉnh. Các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, các giải U11, U13, U15 cấp tỉnh/thành cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi thay đổi địa giới.
Việc xác định địa phương đại diện thi đấu, phân chia nguồn lực đầu tư sẽ cần một lộ trình rõ ràng để tránh lãng phí hoặc thiệt thòi cho một bộ phận cầu thủ trẻ.
Đây là những thách thức mà có thể bóng đá Việt Nam sẽ phải đối mặt. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, cơ hội để bóng đá Việt Nam tận dụng thời cơ này để phát triển sẽ nhiều hơn.
Để tận dụng tối đa cơ hội này, bóng đá Việt Nam cần xây dựng lại bản đồ bóng đá quốc gia. Trong đó cần xác định rõ các vùng trọng điểm đầu tư (Bắc, Trung, Nam), lựa chọn các CLB đầu tàu.
Đồng thời đổi mới hệ thống giải đấu, nghiên cứu các mô hình giải đấu phù hợp với số lượng tỉnh, thành mới, tăng sức cạnh tranh và quy mô.
Chú trọng đào tạo trẻ bằng cách đầu tư trung tâm đào tạo cấp vùng, tuyển chọn quy mô rộng hơn nhưng tinh hoa hơn; mỗi CLB cần có chiến lược truyền thông mới, gắn bó với bản sắc vùng mới mà không làm mất đi cốt lõi truyền thống; thu hút nhà đầu tư chiến lược bằng cách tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các tập đoàn đầu tư vào bóng đá dài hạn.
Việc sáp nhập các tỉnh, thành không chỉ là thay đổi hành chính, mà còn là cơ hội vàng để bóng đá Việt Nam vượt khỏi những giới hạn cũ, nâng tầm quy mô, chuyên nghiệp hóa mô hình và vươn mình ra khu vực.
Nếu tận dụng tốt, đây sẽ là bệ phóng để giấc mơ World Cup 2034, 2038 của bóng đá Việt Nam không còn quá xa vời.