Tiền đạo Tiến Linh:

Tài năng hiếm có của bóng đá Đông Nam Á

KHẢI HƯNG

VHO - Nhiều lần trò chuyện cùng người viết, chuyên gia kỳ cựu Steve Darby luôn đánh giá cao tài năng và cống hiến của tiền đạo Nguyễn Tiến Linh. Sau trận ra quân suôn sẻ của đội tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, cựu HLV đội tuyển nữ Việt Nam càng nhấn mạnh tầm quan trọng của Tiến Linh, thậm chí đánh giá chân sút đang khoác áo Bình Dương là “của hiếm” trong làng cầu Đông Nam Á.

Tài năng hiếm có của bóng đá Đông Nam Á - ảnh 1
Tiến Linh đang đạt hiệu suất ghi bàn ấn tượng

Bền bỉ lĩnh ấn tiên phong

Tiến Linh năm nay 27 tuổi, độ tuổi được xem chín muồi nhất đối với cầu thủ chuyên nghiệp. Sự chín muồi ấy được thể hiện rõ qua những con số. Chân sút của Bình Dương đang dẫn đầu danh sách ghi bàn tại V.League với 7 pha lập công sau 9 trận đấu. Trong màu áo ĐTQG, Tiến Linh cũng là tay săn bàn số một dưới thời HLV trưởng Kim Sang-sik. Từ thời điểm nhà cầm quân người Hàn Quốc được bổ nhiệm, đội tuyển Việt Nam đã tham dự 6 trận đấu, ghi được 10 bàn thắng và 4 trong số đó do công của Tiến Linh, gần nhất là pha lập công nhân đôi cách biệt ở trận thắng Lào 4-1.

Tuy giành chiến thắng cách biệt nhưng thầy trò Kim Sang-sik không hề có một trận đấu dễ dàng trong ngày ra quân tại ASEAN Cup 2024. Và như ban tổ chức ngợi khen khi đưa tiền đạo của đội tuyển Việt Nam vào danh sách cầu thủ xuất sắc nhất lượt trận đầu tiên: “Đội bóng của HLV Kim Sang-sik đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bàn thắng trước đội chủ nhà tại sân vận động Quốc gia KM16 và phải đến phút 58 mới phá vỡ được thế bế tắc nhờ công Nguyễn Hai Long. Tuy nhiên, chính Tiến Linh là người làm dịu tâm lý đội nhà với pha dứt điểm vào góc thấp chỉ 7 phút sau đó, giúp nâng tỷ số lên 2-0”.

Hiệu suất ghi bàn của Tiến Linh thật đáng nể, nhưng đóng góp của tiền đạo này càng không thể đong đếm qua những con số. Chuyên gia Darby thừa nhận ông là “fan” của tiền đạo người Hải Dương vì ngoài tài săn bàn, cầu thủ này luôn nỗ lực hết mình vì đội bóng trong mọi hoàn cảnh. Có những tiền đạo tự cho mình đặc quyền ích kỷ để xử lý bóng cá nhân hay thậm chí lười tham gia hỗ trợ đồng đội trong tấn công lẫn phòng ngự. Tiến Linh hoàn toàn khác, ở tiền đạo này có đức tính hy sinh. Anh chịu khó tham gia các đợt pressing cũng như tích cực phối hợp cùng đồng đội. Trong bàn thắng thứ ba của Văn Toàn, Tiến Linh chủ động lùi về làm tường để Quang Hải tung đường chọc khe. Trông có vẻ đơn giản nhưng với vai trò trung phong, Tiến Linh hoàn toàn có thể “cắm” cao hơn để chờ cơ hội ghi bàn thay vì di chuyển ra biên hỗ trợ đồng đội như vậy.

Và một phẩm chất đáng quý khác ở Tiến Linh nhưng ít được đề cập là sự bền bỉ và chuyên nghiệp. Nhiều người hâm mộ sẽ có cảm giác tiền đạo của Bình Dương đã luống tuổi vì nhiều năm qua luôn hiện diện tại ĐTQG. Thực tế, Tiến Linh đã có 6 năm “ăn cơm tuyển” (lần đầu được triệu tập vào năm 2018), ghi được 22 bàn thắng sau 51 lần ra sân. Trong 6 năm ấy, đội tuyển Việt Nam trải qua đủ mọi thăng trầm, lứa cầu thủ vàng làm nên kỳ tích tại Thường Châu rụng rơi không ít, ngay cả những ngôi sao sáng nhất vẫn trải qua biến cố lớn về chấn thương hoặc phong độ, nhưng Tiến Linh vẫn bền bỉ lĩnh ấn tiên phong trong mọi cuộc chiến chinh. Và như chuyên gia Darby khẳng định: “Bóng đá Việt Nam phải cần cầu thủ như Tiến Linh!”.

Bài toán kết hợp Tiến Linh - Xuân Son

Một trong những đề tài được bàn luận sôi nổi trong cộng đồng người hâm mộ bóng đá nước nhà thời gian qua, là sự xuất hiện của tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son trong danh sách đội tuyển Việt Nam tham dự ASEAN Cup 2024. Đẳng cấp của chân sút ghi tới 27 bàn thắng tại V.League mùa trước là miễn bàn và chắc chắn HLV Kim Sang-sik không triệu tập tiền đạo đang khoác áo Nam Định chỉ để cất trên băng ghế dự bị.

Bài toán đặt ra là nếu sử dụng Xuân Son, vị trí của Tiến Linh ở đâu? Bóng đá không phải phép toán cộng trừ đơn giản để có thể thêm người này, bớt người kia. Hơn nữa, cả hai đều đang có được phong độ cao. Một khía cạnh khác, Tiến Linh đang là tấm gương cho đàn em noi theo, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam khan hiếm tiền đạo vì chân sút nội khó lòng cạnh tranh được với ngoại binh tại V.League. Thực trạng là vậy nhưng không phải lỗi hệ thống hay quy định. Người viết từng đặt câu hỏi làm sao để tạo cơ hội cho các tiền đạo nội cho HLV Hoàng Anh Tuấn, và câu trả lời của nhà cầm quân nhiều năm dẫn dắt các đội tuyển trẻ quốc gia này rất thẳng thắn: “Các anh (cầu thủ trẻ) muốn phát triển phải chấp nhận cạnh tranh vị trí chứ. Việc đối đầu hoặc cạnh tranh vị trí cùng cầu thủ ngoại là động lực để các anh phải cố gắng hơn nữa để hoàn thiện, từ đó mới có hy vọng giành suất đá chính”. Tiến Linh chính là minh chứng cho nỗ lực không ngừng ấy để hiện tại sánh ngang Xuân Son trong danh sách vua phá lưới V.League 2024/2025.

Về lý thuyết, Tiến Linh và Xuân Son hoàn toàn có thể sát cánh cùng nhau trên hàng công đội tuyển Việt Nam vì sở hữu những phẩm chất tương hỗ. Tiến Linh là mẫu tiền đạo tĩnh, chủ yếu hoạt động trong vòng cấm và thường nhận bóng trong thế quay lưng, tận dụng khả năng che chắn để làm tường. Xuân Son hoạt động ở phạm vi rộng hơn. Với phẩm chất của một tiền đạo gốc Brazil, chân sút này tạo sự bùng nổ bằng cách cầm bóng đột phá và kỹ năng dứt điểm đa dạng, đặc biệt những tình huống bắn phá tầm xa. Về phần HLV Kim Sang-sik, qua những lần cầm quân, vị chiến lược gia này thường sử dụng sơ đồ 3 tiền đạo, với Tiến Linh chơi ở vị trí cao nhất. Xuân Son hoàn toàn có thể chơi ở vị trí tiền đạo lệch trái, nơi cái chân phải của tiền đạo này có thể bùng nổ nhất. Tất nhiên, không loại trừ khả năng vị chiến lược gia người Hàn Quốc sẽ điều chỉnh để sử dụng bộ đôi này đá cặp tiền đạo song song. Ở trận ra quân, đội tuyển Việt Nam sử dụng lực lượng gồm nhiều gương mặt mới, cho thấy ông Kim vẫn còn nhiều phương án khác chưa tung ra.