Thể thao Việt Nam:

Phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic, ASIAD

THU SÂM; ảnh: Cục TDTT Việt Nam

VHO - Sáng 28.3, Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 đã được tổ chức tại Hà Nội.

Phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic,  ASIAD - ảnh 1
Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Đặng Hà Việt chủ trì Hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu cả nước, các nhà quản quản lý thể thao, lãnh đạo các Sở Văn hóa và Thể thao trên cả nước, đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương, thành tích của Thể thao Việt Nam đã có sự tiến bộ, đạt nhiều kết quả tại các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), các kỳ Đại hội thể thao trẻ, Giải vô địch thể thao quốc tế.

Dù đã có bước tiến và sự tiến bộ về thành tích, song kết quả của chúng ta ở những kỳ Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD) và Đại hội thể thao thế giới (Olympic) còn khiêm tốn, có dấu hiệu tụt hậu trước nhiều nền thể thao mạnh của châu lục, trên thế giới.

Nguyên nhân chính là Thể thao Việt Nam thiếu một chương trình cấp quốc gia về đào tạo lực lượng vận động viên tập trung nâng cao thành tích môn thể thao trọng điểm chuẩn bị cho Olympic và ASIAD. Trong khi đó tại nhiều nền thể thao mạnh ở châu Á, việc đầu tư lực lượng vận động viên trọng điểm thi đấu Olympic và ASIAD được phát triển theo chương trình riêng.

Phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic,  ASIAD - ảnh 2
Phó Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Nguyễn Hồng Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

"Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục, thể thao (TDTT) trong giai đoạn mới, trong đó đã xác định 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân đối với phát triển sự nghiệp TDTT. Thứ hai là công tác quản lý nhà nước đối với sự nghiệp TDTT. Thứ ba là công tác phát triển TDTT cho mọi người và thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp. Thứ tư là các nguồn lực cho việc phát triển TDTT", ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đã xác định rõ 5 quan điểm, 6 mục tiêu cụ thể, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà ngành TDTT cần phải cụ thể hóa để thực hiện.

Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền thể dục thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp” đến năm 2045.

Trong Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL, trực tiếp là Cục Thể dục thể thao Việt Nam xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn 2026-2046.

Trong thời gian qua, Cục Thể dục thể thao Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn 2026-2046.

Dự thảo Chương trình đã được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo các nhóm vấn đề và tổ chức lấy ý kiến góp ý của cơ quan, đơn vị, Hội thể thao quốc gia.

Phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic,  ASIAD - ảnh 3
Hội thảo được tổ chức vào sáng 28.3 tại Hà Nội

Thay mặt ban soạn thảo, trình bày tóm tắt dự thảo Chương trình, ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao - Cục Thể dục thể thao Việt Nam cho biết, Chương trình được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, đối tượng là các vận động viên trẻ, tài năng ở các đội tuyển trẻ quốc gia và những vận động viên trẻ có thành tích.

Phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic,  ASIAD - ảnh 4
Ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng thể thao thành tích cao cho biết, Chương trình sẽ được triển khai trên toàn quốc

Cùng các vận vận động viên trẻ có quốc tịch Việt Nam hoặc đủ điều kiện nhập tịch được đánh giá có tiềm năng phát triển trong tương lai hiện đang tập luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao, trường năng khiếu thể thao, cơ sở đào tạo thể thao, trung tâm đào tạo vận động viên thuộc 63 tỉnh/thành phố, Quân đội và Công an.

Chương trình đề ra các mục tiêu tổng quát như phát triển lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài chuyên môn trình độ cao trên toàn quốc đáp ứng được nhiệm vụ giành huy chương tại các kỳ Olympic, ASIAD theo Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

Phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic,  ASIAD - ảnh 5
Ông Phạm Hoàng Tùng - Giám đốc Trung tâm huấn luyện vận động viên trẻ quốc gia trình bày tham luận

Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị, dụng cụ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ, đảm bảo cho việc tập luyện và thi đấu của vận động viên thể thao thành tích cao. Xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù của thể thao thành tích cao.

Về mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn từ 2026-2030, Chương trình nhắm đến mục tiêu duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD; Bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á.

Giai đoạn 2030 – 2036, mục tiêu là duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD; Tiếp tục ổn định nhóm các môn thể thao trọng điểm đã có sự đầu tư đào tạo ở giai đoạn 2026-2030 và bổ sung thêm nội dung mới có sự đột phá.

Giai đoạn 2036 – 2046, mục tiêu là duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic. Bóng đá nam tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ top 8 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.