Chuyện về những người "gieo hạt" (Bài 2):

Nơi nảy mầm xanh tươi tốt

THU SÂM – LÊ HOÀN

VHO - Ngoài những người “vác tù và hàng tổng” đang hằng ngày, hằng giờ phát triển phong trào thể thao cho mọi người tại các địa phương, trong hành trình của mình, P.V Văn Hoá cũng đã có chuyến đi thực tế đến các mô hình điểm về thể thao mà nhờ đó đã góp phần giảm thiểu được nạn đuối nước, giúp người dân địa phương rèn luyện thể thao nâng cao sức khoẻ.

Từ mong muốn giảm thiểu tai nạn đuối nước

 Nơi nảy mầm xanh tươi tốt - ảnh 1
Một buổi học bơi của các em nhỏ tại hồ bơi Tiên phong

Tại Bình Dương, chúng tôi đến trung tâm thể thao của Công ty cổ phần phát triển Tiên Phong. Từ mô hình này và nhiều mô hình tiêu biểu khác đã giúp cho việc phổ cập bơi, phòng chống đuối nước và phong trào tập luyện thể thao của người dân địa phương phát triển. Giám đốc của Công ty này còn rất trẻ, từ hướng dẫn viên bơi tự do, Cao Sỹ Hồng Quang đã thắp lên mong muốn thành lập được một CLB dạy bơi để giảm thiểu tai nạn thương tâm vì đuối nước ở địa phương.

“Bình Dương với nhiều khu công nghiệp nên cũng có nhiều người dân từ nơi khác đến đây làm công nhân, sinh sống. Vì thế điều kiện chăm sóc các em còn chưa tốt. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ đuối nước mà nạn nhân là các em còn đeo khăn quàng đỏ. Thông tin về các vụ việc đau lòng đó cứ “ám ảnh” và tôi mong ước làm được điều gì đó để giảm thiểu được các vụ đuối nước. Khi làm hướng dẫn bơi, tôi cũng thấy được rằng khả năng đuối nước với trẻ em tự kỷ là khá cao nên ban đầu tôi bắt đầu dạy bơi miễn phí cho nhóm này. Nhưng nhiều hồ bơi không cho tôi thuê địa điểm vì việc dạy cho trẻ tự kỷ khá khó khăn nên sau này tôi quyết tâm tìm hồ bơi thuê riêng để dạy rồi từ đó phát triển dần lên và dạy bơi cho cộng đồng”, Cao Sỹ Hồng Quang chia sẻ câu chuyện.

Tuy nhiên khó khăn đã đến với Hồng Quang khi anh vừa thuê được địa điểm thì cũng là lúc đại dịch Covid ập đến. Lao đao trong khó khăn mất mấy năm vì đại dịch nhưng nhiệt huyết và quyết tâm không làm Quang bỏ cuộc. Đại dịch suy giảm, Hồng Quang tiếp tục tìm kiếm thêm các nhà đầu tư để cùng nhau gây dựng hồ tập bơi phòng chống đuối nước, bắt đầu dạy cho các em từ 3 tuổi. Thu hút được nhiều trẻ em đến học, mô hình đào tạo này cũng nhận được sự hỗ trợ của Sở VHTTDL, Sở GDĐT tỉnh Bình Dương để phối hợp phổ cập bơi cho các em học sinh. Giờ thì CLB bơi của Tiên Phong đã thu hút được đông đảo học sinh; mỗi tháng có từ 1.600-2.000 học sinh phổ cập bơi trường học đến CLB tập luyện và phong trào tập bơi, phòng chống đuối nước của tỉnh Bình Dương cũng ngày càng phát triển từ những mô hình như này.

Thành công với mô hình dạy bơi, Hồng Quang quyết định mở thêm các CLB dạy Vovinam, Kickboxing và Taekwondo. Hiện có khoảng 100 em theo học tại các CLB này. Ngoài việc dậy kỹ năng bơi, các đòn thế, đến với CLB, các em còn được học thêm về cách ứng xử, giao tiếp và nhất là với các em học võ sẽ được học thêm võ đạo để biết tôn sư, trọng đạo, kính trên, nhường dưới.

Như vậy, từ mong muốn góp phần phát triển phong trào thể thao tại địa phương, Hồng Quang cũng đã “thắp” lên mơ ước của nhiều em nhỏ để sau này thể thao Việt Nam sẽ có thêm nhiều tài năng đóng góp cho các đội tuyển quốc gia.

Đến quyết tâm nâng cao sức khoẻ cho công nhân tại các khu công nghiệp   

 Nơi nảy mầm xanh tươi tốt - ảnh 2
Việc tập luyện tại Trung tâm thể thao cộng đồng thành phố mới Bình Dương góp phần nâng cao sức khoẻ cho người dân địa phương

Đến Bình Dương, nhóm PV Báo Văn Hoá cũng đã có sự ngạc nhiên đầy thú vị khi đến với Trung tâm thể thao cộng đồng thành phố mới Bình Dương. Đây là một khu phức hợp thể thao hiện đại có nhiều bể bơi, sân tennis, sân bóng rổ, sân bóng đá mini, sân cầu lông… Theo ông Lằm Vĩnh Phí – Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Thể thao Bình Dương, Trung tâm này do Becamex đầu tư nhằm phục vụ cho cộng đồng, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp có điều kiện tập luyện thể thao, tăng cường sức khoẻ sau những giờ lao động căng thẳng.

“Vì dân cư xung quanh trung tâm thể thao đa số là các anh chị em công nhân có mức thu nhập chưa cao nên chúng tôi đã lựa chọn các môn và đưa ra các mức giá phù hợp để họ có thể đáp ứng được. Chẳng hạn như với môn bóng đá, tiền thuê sân chỉ là 200 ngàn/tiếng, mỗi sân có ít nhất 10 người cùng chơi, chia ra tối đa chỉ là 20 ngàn đồng/người; hồ bơi cũng phục vụ khách với mức giá chỉ từ 25-30 ngàn đồng/lượt; sân bóng rổ 20 ngàn đồng/lượt, giá thuê cho sinh viên là 15 ngàn đồng/lượt không giới hạn thời gian tập luyện nên dù có thu nhập chưa cao, các anh chị em công nhân vẫn có thể thuê được. Khoảng 3 năm trước, Trung tâm cũng bắt đầu chương trình phổ cập môn quần vợt trong cộng đồng và miễn phí toàn bộ trong 2 năm.

Chúng tôi muốn mọi người thấy rằng quần vợt không phải là môn thể thao tốn kém, chỉ người giàu mới chơi được mà chỉ cần một cây vợt cũ, thanh lý khoảng 100 ngàn/cây, 1 đôi giầy tập và 1 bộ quần áo thể thao bình thường không cần đắt tiền là có thể tập luyện được. Và kết quả của chương trình này là phong trào tập luyện quần vợt của Bình Dương phát triển rộng khắp. Hiện tại Trung tâm cũng là nơi tập luyện của Đội tuyển Quần vợt Becamex Bình Dương. Hiện nay, đội tuyển quần vợt Becamex Bình Dương cũng có nhiều tay vợt mạnh như Phan Diễm Quỳnh – HCĐ SEA Games 32 hay các tay vợt trẻ đầy triển vọng như Nguyễn Nam, Nguyễn Trung Khang, Nguyễn Đại Khánh, Nguyễn Ngọc Thụy Khanh”, ông Lằm Vĩnh Phí chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương Cao Văn Chóng cho biết, phong trào rèn luyện thể thao cho mọi người ở Bình Dương hiện đang phát triển sâu, rộng cũng nhờ sự đóng góp của những đơn vị như Trung tâm thể thao Tiên Phong, Trung tâm thể thao cộng đồng thành phố mới Bình Dương và nhiều mô hình khác. “Từ những mô hình điểm này đã giúp giảm thiểu tỉ lệ đuối nước tại địa phương và giúp người dân, công nhân lao động trong đó có các chuyên gia người nước ngoài và các em học sinh rèn luyện thể thao nâng cao sức khoẻ. Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương cũng đang phối hợp, hỗ trợ để các mô hình này phát huy hiệu quả”, ông Cao Văn Chóng nhấn mạnh.

Và trở thành ngôi nhà thứ hai” của các em học sinh

 Nơi nảy mầm xanh tươi tốt - ảnh 3
Bóng rổ là một trong những môn được các em học sinh yêu thích nhất tại CLB Thể thao học đường quận Phú Nhuận

Toạ lạc trên đường Hoàng Việt (phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM), CLB Thể thao học đường quận Phú Nhuận được hoàn thành vào năm 2012 với diện tích trên 3.200m2, tổng kinh phí đầu tư là 25 tỷ đồng. Thời điểm CLB mới đi vào hoạt động, nơi đây là địa điểm tập luyện quen thuộc của các em học sinh và người dân trong và ngoài quận ở 9 môn thể thao, gồm: Điền kinh, bóng bàn, bóng đá mini, bóng rổ, cầu lông, cờ vua, cờ tướng, Taekwondo, Karate. Theo thời gian, CLB được biết đến nhiều hơn, thu hút người tập luyện đông hơn, không chỉ trong quận và còn các quận lân cận.

Đến hiện tại, CLB đã phát triển thêm nhiều môn thể thao mới, đáp ứng nhu cầu tập luyện ngày càng tăng cao như Vovinam, Aikido, võ tự vệ, Yoga, thể dục thẩm mỹ, Gym. Ban chủ nhiệm CLB cho biết, hiện tại bình quân một ngày CLB đón nhận hơn 700 lượt người tập luyện (đa số là các em học sinh Tiểu học và THCS), con số này cao hơn khi là dịp cuối tuần và hè.

Với tiêu chí sức khoẻ là quý giá nhất, CLB đã và đang cố gắng tạo điều tốt nhất để các em học sinh được tập luyện một môn thể thao yêu thích tại CLB sau giờ học văn hoá. Điều này không chỉ giúp các em bớt căng thẳng sau giờ ngồi trên ghế nhà trường mà còn hỗ trợ các em nâng cao thể chất, thể trạng, tăng cường sức đề kháng.

Ông Phan Huy Thiết - Chủ Nhiệm CLB Thể thao học đường quận Phú Nhuận cho biết: “ Chúng tôi muốn các em học sinh đến đây và xem CLB như là ‘ngôi nhà thứ hai’ của mình. Không chỉ là nơi tập luyện thể thao mà CLB còn là nơi để các em gặp gỡ, có thêm nhiều bạn mới, tăng cường khả năng giao tiếp. Tất nhiên yếu tố quan trọng nhất vẫn là lợi ích về sức khoẻ. Là phụ huynh, ai cũng muốn con mình được khoẻ mạnh, được vui vẻ và hoà nhập tốt với cộng đồng. Thấu hiểu điều này, chúng tôi không ngừng tạo điều kiện cho các em đến CLB và tập luyện một cách tốt nhất, hiệu quả nhất”.

Ngoài việc hướng dẫn tập luyện, CLB còn tổ chức nhiều hội thao cho học viên, giúp các em thi đấu cọ xát nhiều hơn và có một sân chơi lành mạnh sau giờ học văn hóa. Đặc biệt vào dịp hè, Ban chủ nhiệm CLB chủ động làm mới hoạt động, phương thức tổ chức thực hiện sao cho phù hợp với học viên, người dân. Phong trào tập luyện thể dục thể thao thường xuyên với đối tượng thanh thiếu niên, học sinh trong quận tại CLB còn tạo nguồn vận động viên dồi dào để công tác tuyển chọn năng khiếu của các bộ môn. Kết quả đạt được tại các giải học sinh cấp thành phố dần chuyển biến tích cực khi kể từ khi CLB ra đời và đi vào hoạt động.

Không chỉ là điểm đến quen thuộc của các em học sinh và người dân, CLB còn là “ngôi nhà thứ hai” của các em nhỏ tại Trường chuyên biệt Niềm Tin quận Phú Nhuận, giúp các em được vui chơi, giải trí, được tham gia các hoạt động thể dục thể thao, có cơ hội rèn luyện, phát triển thêm về thể chất, tinh thần và trí lực.

Hơn 8 năm qua, cứ mỗi sáng thứ 5 hàng tuần, HLV và nhân viên CLB hướng dẫn các em tập Yoga, chơi bóng rổ và bóng đá trên sân đa năng, tổ chức các hoạt động ngoại khóa như thi kéo co, nhảy bao bố, bơi.  “Hiệu quả chúng tôi đã nhìn thấy là mặc dù các em ban đầu cách vận động, đi lại còn phần khó khăn nhưng đều hăng hái luyện tập. Chúng tôi tin tưởng rằng nếu các em được huấn luyện, được tập thường xuyên, chắc chắn các em sẽ say mê môn thể thao mà các em thích, nâng cao được kỹ thuật cũng như thể chất, đồng thời tinh thần, trí tuệ của các em sẽ phát triển hơn”, ông Phan Huy Thiết bày tỏ.

Với thể thao Việt Nam, những mô hình điểm nêu trên đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu của nền thể thao cách mạng là chăm lo sức khoẻ cho nhân dân. Và từ đây bao ước mơ, khát vọng cống hiến cho thể thao, cho đất nước đã nảy mầm xanh tươi tốt…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc