Chuyện về những người “gieo hạt” (Bài 1): Những người “vác tù và hàng tổng”
VHO - LTS: Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn dân tập thể dục” khai sinh ra nền thể thao cách mạng vào ngày 27.3.1946, trải qua hơn 78 năm xây dựng và trưởng thành, Thể thao Việt Nam luôn phấn đấu cho mục tiêu “dân cường thì nước thịnh” như lời dạy của Người. 78 năm qua cũng ghi dấu công sức của bao thế hệ cán bộ, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) và những người công tác trong lĩnh vực thể dục thể thao trên cả nước.
Trong đó không thể không nhắc đến những người đang hằng ngày, hằng giờ thầm lặng gây dựng, phát triển phong trào tập luyện thể thao tại các địa phương. Từ đó để “mỗi một người dân mạnh khỏe là cả nước mạnh khỏe”, như mong muốn của Bác. Trong loạt bài này, Văn Hóa sẽ cùng bạn đọc gặp gỡ những con người đã cả cuộc đời hy sinh, gắn bó vì sự nghiệp phát triển thể thao phong trào. Họ chính là những người “gieo hạt” để thể thao Việt Nam nảy mầm xanh tươi tốt.
Trong hành trình từ Bắc tới Nam, nhóm phóng viên Văn Hóa đã được chứng kiến những câu chuyện cảm động, những con người bình dị mà cao quý, những sự hy sinh thầm lặng để từ đó, phong trào tập luyện thể thao đã phát triển sâu rộng và chúng ta đã có thêm nhiều tài năng cho thể thao nước nhà.
“Lò” cầu lông sau lũy tre làng
Đến tỉnh Bắc Giang, chúng tôi được nghe kể câu chuyện về anh Phạm Văn Vũ, một người nông dân - một cựu chiến binh, bằng lòng nhiệt huyết và quyết tâm đã tự học, tự hoàn thiện để trở thành HLV phong trào, góp phần phát triển môn cầu lông tại vùng quê mình, từ đó đào tạo ra nhiều tài năng cho cầu lông tỉnh Bắc Giang và Việt Nam.
Nhà anh Vũ nằm trong một làng quê yên bình ở thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang mấy chục năm nay dường như không khóa cổng bao giờ, bởi đám trẻ con trong làng luôn chạy vào, chạy ra nhà thầy học cầu lông, học văn hóa.
Nhấp chén trà, anh Vũ nhớ lại: “Trước khi đi bộ đội, tôi cũng là vận động viên cầu lông trưởng thành từ tuyến xóm, lên tuyến xã, huyện rồi đến tỉnh. Khi đó đội chúng tôi thua nhiều quá, tôi cứ suy nghĩ mãi để làm sao cho sau này có được thành tích và phát triển được phong trào cầu lông ở quê. Ban đầu tôi thành lập câu lạc bộ cầu lông của thôn chỉ để cho mấy anh em lớn tuổi chơi.
Trong lúc chúng tôi tập thì trẻ con đến xem đông lắm. Tôi mới nghĩ, muốn có thành tích thì buộc phải đào tạo trẻ và vì thế đã tuyển chọn các bé yêu thích môn cầu lông rồi tiến hành tập luyện”. Được vợ ủng hộ, cựu chiến binh Phạm Văn Vũ mở lớp cầu lông miễn phí dạy cho trẻ em trong thôn. Ở vùng quê nghèo, cách đây hàng chục năm, việc phải bỏ tiền cho con mua vợt, mua cầu rồi mua cả giày tập luyện rất khó khăn.
Vì thế để có thể thu hút được các em đến học, anh Vũ phải tự bỏ tiền mua đồ tập cho các em. Ban đầu bà con trong vùng thấy anh Vũ nhiệt tình, dạy cầu lông nên cũng muốn gửi con cháu để thầy trông nom nhưng sau đó, đội quân do anh huấn luyện được giải nhất nội dung đôi nữ giải cầu lông của tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) thì câu lạc bộ cầu lông của anh Vũ ngày càng thu hút bà con cho con em theo học.
Đặc biệt, từ lò huấn luyện của thầy Vũ, hàng loạt tên tuổi của cầu lông Việt Nam đã dần trưởng thành đến các đấu trường lớn trong nước và quốc tế. Điển hình là VĐV Vũ Thị Trang. Từng được xem là nữ VĐV cầu lông số 1 Việt Nam, Vũ Thị Trang là tay vợt đầu tiên lọt vào vòng 16 tay vợt mạnh nhất nội dung đơn nữ tại giải vô địch thế giới 2014 ở Copenhagen (Đan Mạch), từng đoạt HCĐ Olympic trẻ, HCĐ SEA Games, giành vé dự Olympic Rio 2016.
Bên cạnh niềm tự hào Vũ Thị Trang, lò đào tạo của thầy Vũ cũng chính là nơi sản sinh ra 4 “kiện tướng quốc gia” là Hà Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Sen, Trần Thị Phương Thúy, Nguyễn Thị Ngọc Lan. Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông tỉnh Bắc Giang Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, mô hình điểm của HLV Phạm Văn Vũ đã được nêu gương và nhân rộng sang các địa phương khác trong tỉnh.
Tỉnh Bắc Giang cũng xem câu lạc bộ cầu lông của HLV Phạm Văn Vũ là tuyến vệ tinh đào tạo VĐV của tỉnh nên hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị; Liên đoàn Cầu lông tỉnh Bắc Giang hỗ trợ các vấn đề về chuyên môn để câu lạc bộ hoạt động.
“Giữ lửa” cho môn võ dân tộc
Còn tại Cần Thơ, với tâm huyết đào tạo, huấn luyện lớp trẻ để vực dậy phong trào Võ cổ truyền, vốn đã rất phát triển tại đây, góp phần gìn giữ, phát huy tinh hoa võ thuật dân tộc, võ sư Trần Hoàng Vũ đã sáng lập CLB võ cổ truyền Thiếu Lâm Song Diện tại huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ). Võ sư Trần Hoàng Vũ sinh năm 1975.
Năm 14 tuổi, võ sư Vũ theo các bậc tiền bối học võ cổ truyền. Nhiều năm bôn ba tại các “lò” võ của địa phương, chàng trai sinh ra tại thị trấn Cờ Đỏ (nay là huyện Cờ Đỏ) năm nào đã lựa chọn môn phái Thiếu Lâm Song Diện để tập luyện. Chính thời gian tầm sư học đạo đã hun đúc trong ông tình yêu môn võ dân tộc.
Ông không chỉ dành cả tuổi thanh xuân cho tinh hoa võ Việt mà còn là người thầy miệt mài, dậy miễn phí cho rất nhiều thế hệ môn sinh tại địa phương. “Tôi thấy rèn luyện võ thuật sẽ nâng cao sức khỏe, đặc biệt là những người có thể trạng yếu. Tập võ giúp chúng ta trui rèn bản lĩnh, có khả năng tự vệ cho bản thân và những người xung quanh. Tập võ cũng giúp chúng ta trang bị kỹ năng sống từ đó truyền đạt cho con cháu sau này về ý thức tập luyện”, võ sư Trần Hoàng Vũ chia sẻ.
Nhận môn sinh đầu tiên khi ông mới 20 tuổi. Trải qua gần 30 năm với biết bao thế hệ môn sinh, võ sư Trần Hoàng Vũ luôn trăn trở làm sao hướng dẫn, truyền đạt tốt nhất kỹ năng sống trong tập luyện và thi đấu nhưng phải có cái nghề cơ bản để theo đuổi niềm đam mê của mình. Võ sư Trần Hoàng Vũ vẫn luôn miệt mài với niềm đam mê và mong muốn phong trào tập luyện võ cổ truyền tại địa phương sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.
“Cho đến thời điểm này, phong trào võ cổ truyền Cần Thơ có khởi sắc và tiến bộ, đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong thời gian qua. Điều mà tôi tâm đắc và hạnh phúc nhất là có thể vừa phát triển CLB, tạo điều kiện cho các môn sinh tập luyện nâng cao sức khỏe, vừa góp phần phát triển phong trào”, võ sư Trần Hoàng Vũ bày tỏ.
Người “vác tù và hàng tổng”
Tại thành phố mang tên Bác, Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) được xem là “đầu tàu” trong công tác tổ chức và phát triển bóng đá cộng đồng trong trường học, với người chắp bút cho chương trình xuyên suốt 10 năm qua là ông Đoàn Minh Xương. Đây là vị chuyên gia chẳng xa lạ với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Ông từng là cầu thủ, huấn luyện viên và chuyên gia bóng đá có tiếng trong nước. Thế nhưng giờ đây, ông Xương lại đang âm thầm đóng góp vào sự đi lên của bóng đá nước nhà trong một vai trò hoàn toàn mới. Qua những năm huấn luyện bóng đá đỉnh cao, chứng kiến biết bao thăng trầm của bóng đá, ông Xương nhận ra một điều rằng, con đường phát triển thể thao nói chung và bóng đá nói riêng ở một quốc gia là xuất phát từ học đường.
Thấu hiểu điều này nên suốt 10 năm qua, ông Xương tập trung toàn bộ tâm trí và sức lực để phát triển bóng đá học đường tại TP.HCM. Ông Xương đi khắp các quận, huyện của thành phố để khơi gợi niềm đam mê, tình yêu trái bóng tròn của các em học sinh tiểu học, THCS. “Phải nói là công việc làm bóng đá học đường cũng có những niềm vui riêng.
Dù luôn bận bịu, nay ở trường này mai chạy qua trường kia, đi liên tục giữa các quận, huyện nhưng tôi không hề mệt mỏi. Công việc này cho tôi động lực và niềm vui, không có cảm giác căng thẳng như khi làm bóng đá đỉnh cao. Để làm tốt thì điều đầu tiên là phải kiên nhẫn, bản thân mình phải có đam mê và thực sự yêu thích nó”, ông Đoàn Minh Xương nói về công việc lúc về già.
Tuần nào ông Xương cũng đến các trường học, lúc thì vận động các trường mới làm bóng đá học đường, khi thì quay lại trường cũ để kiểm tra chất lượng chương trình. Từ trường Tiểu học cho đến THCS, từ nội thành đến ngoại thành, nơi đâu ông Xương cũng đến để làm bóng đá học đường.
Ông Đoàn Minh Xương chia sẻ: “Nhớ lại năm đầu tiên làm bóng đá học đường (2014 - P.V) thì rất vất vả. Khi đó mô hình này chưa được nhiều người biết đến, chúng tôi phải vận động từng trường một. Cái khó nhất khi bắt đầu là điều kiện sân bãi, vì có những trường thiếu sân, thậm chí phải tập trên sân xi măng hoặc giáo viên thể dục không phải ai cũng rành bóng đá”.
Khó khăn là vậy nhưng bằng niềm đam mê, sự tận tâm trong công việc của ông Xương và HFF, chương trình bóng đá học đường nhanh chóng lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các trường học trên địa bàn thành phố.
Đến nay, TP.HCM đã có 100% trường (234 trường Tiểu học, 81 trường THCS) khai giảng và tập luyện theo chương trình bóng đá học đường của HFF. Mô hình này đã được nhiều Liên đoàn bóng đá địa phương khác học tập, vận hành theo.
Nói ông Xương là người “vác tù và hàng tổng” chẳng sai vì suốt 10 năm qua ông đã tận tụy, cống hiến hết mình cho bóng đá học đường TP.HCM mà không màng đến lợi ích cá nhân, không ngại gian khổ dù đã chuẩn bị bước sang tuổi 64.
Suốt 10 năm, đi đến rất nhiều trường, qua nhiều thế hệ học sinh, ông Xương giờ đây đầu đã bạc trắng, người gầy và đen hơn, nhưng vẫn miệt mài cho sự nghiệp “trồng người” của mình. Ít ai biết được rằng, trong những năm đầu làm bóng đá học đường, ông Xương chỉ nhận 1,7 triệu tiền hỗ trợ hằng tháng từ HFF (những năm gần đây có cao hơn nhưng không nhiều). Thậm chí có lúc ông phải tự bỏ tiền túi để hỗ trợ các trường có điều kiện khó khăn. Dẫu vậy, ông chưa có ý định dừng công việc mà mình đang làm, bởi theo ông Xương, trước đây bóng đá đã cho ông danh tiếng và một công việc ổn định, giờ là lúc ông trả nợ bóng đá.
(Còn tiếp)