Minh Vương chia tay HAGL và câu chuyện đào tạo cầu thủ trẻ

KHẢI HƯNG

VHO - Trần Minh Vương là trường hợp kỳ lạ. Anh gắn bó với một đội bóng suốt gần 20 năm dù chịu nhiều thiệt thòi từ chuyên môn đến kinh tế. Sự “thiệt thòi” ấy phản ánh một thời bóng đá trẻ HAGL nói riêng và Việt Nam nói chung thật sôi động. Đáng tiếc rằng đà phát triển ấy đã không được duy trì.

 Minh Vương chia tay HAGL và câu chuyện đào tạo cầu thủ trẻ - ảnh 1
Minh Vương (trái) sắp nói lời chia tay HAGL

 Khoảng trống Minh Vương

Theo nhiều nguồn tin, tiền vệ Trần Minh Vương sẽ chia tay HAGL để gia nhập đội bóng hạng dưới PVF-CAND sau trận đấu với TP.HCM trên sân Thống Nhất cuối tuần qua. 18 năm gắn bó, 12 năm khoác áo đội một, lời chia tay không phải dễ nói ra.

Hơn nữa, mất đi cầu thủ đang mang băng thủ quân là tổn thất rất lớn đối với đội bóng phố Núi. Tuy nhiên, khi sắp sửa bước qua tuổi 30, lựa chọn đặt lý trí nặng hơn tình cảm của Minh Vương là điều dễ hiểu. Không chỉ vậy, cầu thủ này đã chịu khá nhiều thiệt thòi trong cả sự nghiệp.

Đặt Minh Vương cạnh Nguyễn Tuấn Anh, một cầu thủ cũng chịu nhiều lận đận vì chấn thương, sẽ nhận thấy nhiều điểm tương đồng thú vị. Cả hai cùng quê Thái Bình, cùng sinh năm 1995, cùng giành giải Á quân Giải bóng đá nhi đồng toàn quốc rồi vào Gia Lai thi vào năm 2007.

Ngã rẽ bắt đầu từ đây, khi Tuấn Anh đậu vào Học viện HAGL - Arsenal JMG còn Vương chỉ được chọn vào lớp năng khiếu. Nếu như Tuấn Anh cùng Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn nổi đình nổi đám thì Minh Vương cũng là gương mặt sáng giá nhất của lớp năng khiếu. Anh được triệu tập vào đội một HAGL năm 2013 và giành danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V.League 2014. Một bước khởi đầu thật ấn tượng.

Tuy nhiên, khi lứa cầu thủ học viện và HLV Guillaume Graechen “tiếp quản” HAGL vào năm 2015, Minh Vương gần như bị nhà cầm quân người Pháp cho ra rìa. Dẫu vậy, cầu thủ này vẫn kiên trì tập luyện để chờ cơ hội. Khi những cầu thủ xuất thân học viện ra nước ngoài thi đấu, cơ hội mới đến với Minh Vương. Tất nhiên, cơ hội chỉ đến với những người có năng lực.

Điều luyến tiếc lớn nhất cho Minh Vương nói riêng và cả thế hệ tài năng của HAGL nói chung là không thể đăng quang V.League dù đã đến gần đỉnh vinh quang ấy. Đó là mùa giải 2021.

Những Minh Vương, Công Phượng, Hồng Duy, Văn Toàn, Văn Thanh, Xuân Trường đã tích lũy đủ kinh nghiệm trận mạc và vẫn ở độ tuổi sung mãn nhất sự nghiệp, đưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisuk đã chiếm lấy đỉnh bảng sau nửa mùa giải. Đáng tiếc vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên mùa giải bị hủy bỏ.

Sau lần dang dở ấy, thế hệ vàng của lò HAGL lần lượt rời phối Núi đi tìm cơ hội. Tuấn Anh chính là cái tên cuối cùng dứt áo vào tháng 3.2024 và để lại tấm băng đội trưởng cho Minh Vương.

Đầu quân cho Nam Định, Tuấn Anh cùng Nguyễn Văn Toàn và Phong Hồng Duy đã vô địch V.League. Sớm hơn một mùa giải, Vũ Văn Thanh đăng quang cùng CAHN. Bây giờ đến lượt Minh Vương, dù muộn nhưng muộn còn hơn không bởi tình cảnh và thực lực của HAGL hiện tại không đủ để tranh đua.

Bao giờ cho tới ngày xưa

Minh Vương có thể là cái tên cuối cùng trong nhóm những cầu thủ trưởng thành từ lò HAGL thường xuyên được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam rời đi. Nếu thương vụ này thành hiện thực sẽ đánh dấu cột mốc đáng buồn cho đội bóng phố Núi, nơi từng là địa chỉ mơ ước của biết bao cậu bé đam mê trái bóng tròn.

Trở lại 10 năm về trước, lứa cầu thủ U19 HAGL trở thành hiện tượng, thổi vào nền bóng đá nước nhà luồng sinh khí tươi mới, tái tạo tình yêu túc cầu vốn bị nguội lạnh bởi thành tích bết bát của các cấp ĐTQG. Sự “thiệt thòi” của Minh Vương cũng phần nào cho thấy chất lượng và tính cạnh tranh khốc liệt ở HAGL Arse­nal-JMG.

Chính lứa Công Phượng, Xuân Trường đã góp công không nhỏ để U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo tạo nên câu chuyện cổ tích tại Thường Châu (Trung Quốc), với ngôi á quân giải U23 châu Á 2018.

Tất nhiên, mở rộng vấn đề, không khí đào tạo bóng đá trẻ của 10 năm trước thật sôi động. Ngoài hiện tượng HAGL, phải kể đến hệ thống đào tạo của T&T với một loạt lò vệ tinh tại các tỉnh phía Bắc.

Những cái tên Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh chính là sản phẩm của lò đào tạo này. Nếu so với lò HAGL, lứa Quang Hải còn có phần nổi trội hơn tại Thường Châu. Ngoài ra còn có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF và sự đóng góp của những lò truyền thống như Nghệ An, Nam Định hay Thanh Hóa…

Chân đế vững mới có thể vươn cao, vươn xa, thực tế là khi các hệ thống đào tạo trẻ trên khắp cả nước hoạt động hiệu quả thì bóng đá Việt Nam bước vào giai đoạn vàng son, gặt hái được thành công trên các đấu trường quốc tế.

Tuy nhiên, sau lứa cầu thủ đầu tiên thành công, lứa thứ hai của HAGL Arsenal-JMG không đáp ứng được kỳ vọng và đến nay hệ thống Arsenal-JMG đã không còn. Sau thế hệ Thường Châu, các cấp đội tuyển Việt Nam cũng chưa hội tụ được lứa cầu thủ nào xuất sắc như thế.

Trong vài năm trở lại đây, phát triển bóng đá trẻ đang có phần ảm đạm hơn. Bên cạnh câu chuyện thành tích là việc không còn nhận được nhiều sự quan tâm như trước đây cũng như chuyện sa ngã của nhiều cầu thủ trẻ. Dù vậy, căn cốt vấn đề ở đâu thì trong vài câu vài chữ không thể lột tả hết.