Dấu ấn đào tạo trẻ từ thành công của tuyển Tây Ban Nha

NGỌC TRUNG

VHO - Từ vị thế không được đánh giá cao, đội tuyển Tây Ban Nha đã vô địch Euro 2024 một cách thuyết phục nhất có thể. Đó là dấu ấn từ sự kiên trì và nhất quán trong từ cấp ĐTQG đến CLB.

Dấu ấn đào tạo trẻ từ thành công của tuyển Tây Ban Nha - ảnh 1

 Tây Ban Nha vô địch Euro 2024 nhờ sự đột biến của cầu thủ trẻ và một HLV nhiều năm làm công tác dẫn dắt đội trẻ

Sự xuất hiện của nhiều tài năng trẻ

Euro 2024 là giải đấu đánh dấu rõ rệt sự chuyển giao thế hệ tại các đội tuyển quốc gia (ĐTQG) hàng đầu. Hàng loạt tượng đài từng tung hoành trên khắp sân cỏ suốt nhiều năm qua nói lời chia tay với bóng đá đỉnh cao. Cristiano Ronaldo, Luka Modric, Thomas Muller, Toni Kroos... là những cái tên dần trôi vào dĩ vãng. Bên cạnh đó là sự xuất hiện và tỏa sáng của nhiều tài năng trẻ, thậm chí rất trẻ. Đáng kể nhất tất nhiên là Lamine Yamal, cậu bé đón sinh nhật tuổi 17 ngay trước trận chung kết và được bình chọn là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải. Chàng trai này vẫn phải làm bài tập về nhà khi khoác áo tuyển Tây Ban Nha đã ghi 1 bàn thắng, 4 kiến tạo sau 7 trận.

Điều đó cho thấy Yamal thuộc dạng thiên bẩm và tài không đợi tuổi. Tuy nhiên, thần đồng này là trường hợp tiêu biểu chứ không hề dị biệt trong đội hình Tây Ban Nha. Các nhà vô địch châu Âu là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều thế hệ và có dấu ấn đậm nét của công tác đào tạo cầu thủ trẻ từ cấp CLB đến ĐTQG. Điều đó được thể hiện càng rõ ở người dẫn dắt đội tuyển Tây Ban Nha, HLV Luis de la Fuente. Trước trận chung kết, tiền vệ Declan Rice của đội tuyển Anh nói rằng, trước kỳ Euro này anh không biết ông De la Fuente là ai. Đó không phải phát biểu kiểu kiêu ngạo mà hoàn toàn đúng sự thực. Kinh nghiệm của HLV De la Fuente ở cấp CLB chỉ dừng lại với 2 thất bại thuộc các đội bóng hạng ba Tây Ban Nha.

Vị chiến lược gia đã qua tuổi 60 này dành phần lớn thời gian làm việc tại các đội tuyển trẻ quốc gia. Ông dẫn dắt U21 Tây Ban Nha vô địch giải U21 châu Âu 2019, với nòng cốt là Fabián Ruiz, Dani Olmo và Mikel Oyarzabal. Rodri, Mikel Merino và thủ thành Simón lại là học trò của De la Fuente ở đội U19 vô địch châu Âu năm 2015. Và ông cũng dẫn dắt Olympic Tây Ban Nha giành huy chương bạc môn bóng đá nam tại Thế vận hội Tokyo 2021. Simon, Marc Cucurella , Zubimendi, Merino, Oyarzabal, Pedri và Olmo là thành viên đội bóng này.

Vì nhiều năm làm công tác huấn luyện đội trẻ nên HLV De la Fuente có thể bị hoài nghi bởi dư luận, nhưng rất hiểu và nhận được sự tôn trọng tuyệt đối từ các học trò. Bởi vậy, Tây Ban Nha là đội bóng nhất quán về kế hoạch, kiên định trong lối chơi nhất tại Euro 2024. Bằng chứng là La Roja luôn bám sát phương án A, kể cả khi xảy ra biến cố như bị gỡ hòa hoặc trụ cột dính chấn thương, phương án B của HLV De la Fuente luôn là điều chỉnh để thực hiện tốt hơn phương án A. Thế nên Dani Olmo mới là cầu thủ ghi bàn và kiến tạo nhiều nhất giải sau khi thay thế Pedri dính chấn thương. Ở trận chung kết, tuyến giữa Tây Ban Nha không hề mất nhịp dù Rodri rời sân sau 45 phút đầu tiên, thậm chí vẫn tiếp tục cầm bóng áp đảo đội tuyển Anh. Phải thật hiểu học trò, am tường bản sắc đội bóng, HLV trưởng mới dám điều binh như vậy.

Câu chuyện bản sắc tại ĐTQG

Chục năm về trước, Tây Ban Nha từng thống trị bóng đá thế giới với chức vô địch ở 3 giải đấu lớn liên tiếp (Euro 2008, World Cup 2010, Euro 2012). Kỳ tích vô tiền khoáng hậu ấy là thành quả từ công tác đào tạo trẻ của lò La Masia, học viện của Barcelona. Nòng cốt của La Roja khi ấy là cầu thủ khoác áo Barca hoặc trưởng thành từ La Masia: Cặp trung vệ Pique-Puyol, bộ ba Busquets-Xavi-Iniesta và tiền đạo chủ lực Villa. Bởi vậy, lối chơi tiqui-taca đặc trưng của Barca cũng trở thành bản sắc ĐTQG. Khi thế hệ vàng lụi tàn, tiqui-taca cũng trở nên lỗi thời, Tây Ban Nha trở nên loay hoay với hàng ngàn đường chuyền mỗi trận nhưng không biết cách nào đưa bóng vào lưới đối phương.

Sự bế tắc trong bài toán bản sắc được giải quyết hợp lý tại Euro 2024. Tây Ban Nha không chú trọng thái quá vào tiqui-taca mà thi đấu trực diện, biến hóa hơn. Tất nhiên, chuyền và kiểm soát bóng vẫn là nền tảng. Đó vẫn là nét đặc trưng và ưu điểm của cầu thủ xứ sở bò tót. Sau thành công của Barca và Tây Ban Nha vào cuối thập niên 2000, đầu 2010, chuyền và kiểm soát bóng được chú trọng trong chương trình huấn luyện của mọi học viện trên khắp đất nước, trở thành phong cách bóng đá của cả quốc gia.

Thành công trong chiến lược tổng thể ấy tại quốc gia có địa chính trị phức tạp như Tây Ban Nha là kỳ tích thực sự. Cần nói thêm, đất nước trên bán đảo Iberia này được tạo thành từ các xứ tự trị, nhiều vùng đất vẫn đòi ly khai. Trong quá khứ, nhiều cầu thủ thậm chí từ chối khoác áo ĐTQG và chỉ chịu khoác áo đội bóng đại diện cho xứ sở quê hương. Những cầu thủ lên tuyển lại thường xuyên xảy ra tình trạng chia bè, kéo phái theo địa phương. Những chức vô địch chục năm trước của Tây Ban Nha cũng phải có sự thỏa hiệp để gạt bỏ hận thù trăm năm giữa Xavi và Casillas, đại diện cho hai phe Barca và Madrid.

Euro hoặc World Cup là những giải đấu ngắn ngày, mang đậm tính ngẫu nhiên. Thế nên, nhiều trường hợp vô địch chỉ là vô địch, câu chuyện hoàn toàn nằm ở kết quả. Điển hình như trường hợp Hy Lạp năm 2004 hay Bồ Đào Nha năm 2016. Tuy nhiên, cũng có những nhà vô địch tuyệt đối, thống trị cả giải đấu và đăng quang đầy thuyết phục. Những trường hợp ấy cho thấy mô hình lý tưởng để phát triển cầu thủ trẻ và xây dựng bản sắc ĐTQG. Ngoài Tây Ban Nha còn có đội tuyển Đức tại World Cup 2014 và đội Pháp vô địch World Cup 1998 và Euro 2000. Và đã là tấm gương, bất cứ nền bóng đá nào cũng có thể học hỏi và noi theo. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc